Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam (Trang 76)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và quy định thêm vào Luật Thi hành án dân sự và Bộ luật Hình sự trách nhiệm và chế tài đối với các cơ

quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án không cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu và cũng không có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cung cấp thông tin. Đồng thời, quy định rõ về trình tự, thủ tục, thành phần tham gia, nội dung, biểu mẫu… biên bản xác minh do người được thi hành án xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, bởi việc xác minh được tài sản của người phải thi hành án là một khâu quan trọng bảo đảm thi hành được bản án, quyết định của Tòa án.

Cần phải xem xét lại việc quy định về các loại lệ phí, phí và chi phí trong thi hành án cho phù hợp. Không phải chỉ những vấn đề đối với người được thi hành án mà ngay cả với những người phải thi hành án, người có lỗi và phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho quá trình thi hành án cũng chỉ nên xem xét một phần trách nhiệm, bằng việc phải chịu một phần chi phí của quá trình thi hành án, đó là chi phí cưỡng chế thi hành án với những chi phí hợp lý như đã quy định trong hệ thống pháp luật thi hành án dân sự từ trước đến nay. Việc quy định phải tránh được sự rườm rà, nhiều thủ tục gây khó khăn cho người dân trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Để khắc phục trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá trị tài sản thay đổi thì cần sửa đổi, bổ sung Điều 98 Luật Thi hành án dân sự theo hướng cho Cơ quan Thi hành án được chủ động tính lại giá trị tài sản khi thi hành án, tránh việc kiện đi kiện lại mà không giải quyết được trong thực tế. Vì thế Tòa án nên ghi rõ trong bản án là giá trị tài sản này chỉ có giá trị ở tại thời điểm xét xử, trong trường hợp khi thi hành án, giá trị tài sản đã biến động thì Cơ quan Thi hành án có quyền định giá lại giá trị tài sản nhằm bảo đảm thi hành dứt điểm được bản án.

Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án cần nghiên đổi mới về mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án theo hướng gộp cả thi hành án dân sự và thi hành án hình sự do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và tổ chức thi hành (cơ quan Thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành). Theo TS Lê Thu Hà “Cơ quan thi hành án dân sự trong quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và đến lúc nên kết thúc sự mạng lịch sử vẻ vang của mình. Nhiệm vụ thi hành phần dân sự trong bản án hình sự của Tòa án quân sự đã đến lúc nên chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự ngoài quân đội” [17]. Việc thống nhất về tổ chức Cơ quan Thi hành án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự chỉ đạo tập trung về: Công tác chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên, xây dựng cơ sở vật chất…qua đó nâng cao hiệu quả thi hành các bản án, quyết định Tòa án.

Để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án và đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của người phải thi hành án cần bổ sung Luật Thi hành án dân sự qui định trường hợp kê biên quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của người phải thi hành án là người trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất này, thì phải để lại cho người phải thi hành án diện tích đất đủ đảm bảo cho họ sản xuất để sinh sống trong một thời hạn nhất định như quy định tại Điều 4 Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ trước đây.

Để nâng cao hiệu quả thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, cần quy định tăng thêm thẩm quyền cho Cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên như: Cho phép Cơ quan Thi hành án được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi Tòa án thụ lý vụ án theo yêu cầu của đương sự trong trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, với điều kiện người yêu cầu phải chịu trách

nhiệm về tính chính xác của sự kiện, phải thanh toán các chi phí cần thiết cũng như bồi thường thiệt hại xảy ra do yêu cầu không đúng; cho phép Chấp hành viên được quyền ra lệnh dẫn giải đương sự trong trường hợp đã tống đạt giấy báo hợp lệ nhiều lần mà vẫn không có mặt; được áp dụng biện pháp chế tài với người thứ ba, trong trường hợp không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên; được khám xét hoặc áp dụng các biện pháp truy tìm tài sản của người phải thi hành án khi có căn cứ cho rằng họ cố tình giấu giếm.

Để đảm bảo cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật, tránh trường hợp tẩu tán tài sản cần bổ sung vào khoản 1, Điều 6 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự và bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng: Cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên có quyền hủy bỏ hoặc yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản giữa người phải thi hành án với người khác khi đã có bản án sơ thẩm.

Để khắc phục tình trạng Cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên chưa tích cực tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, chưa áp dụng đúng trình tự, thủ tục thi hành án theo qui định pháp luật cần qui định thời hạn cụ thể để Chấp hành viên, thủ trưởng Cơ quan Thi hành án thực hiện các tác nghiệp cụ thể như: Thời hạn bao nhiêu ngày Chấp hành viên phải tiến hành điều tra, xác minh phân loại án xong; bao nhiêu ngày Chấp hành viên phải thi hành án xong đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, cần nghiên cứu quy định việc quản lý thu nhập của phạm nhân trong quá trình lao động, sản xuất ở các trại giam, trại tạm giam theo hướng có thể trích một phần thu nhập để đảm bảo thi hành án dân sự; đồng thời nghiên cứu

xây dựng quy định về chế độ lao động bắt buộc (lao động công ích) đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản (kể cả phạm nhân khi ra tù chưa có công ăn việc làm) để tạo điều kiện cho họ có thu nhập và có thể khấu trừ thi hành án.

Bổ sung pháp luật về đặc xá thêm quy định: Về điều kiện xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù và đặc xá tha tù trước thời hạn theo hướng: Người đang chấp hành hình phạt tù phải thi hành xong tất cả các nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự là một trong những điều kiện bắt buộc để được xem xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù và đặc xá, tha tù trước thời hạn nhằm nâng cao tính tự giác của gia đình và của người phải thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

Trong thực tiễn thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, có rất nhiều vụ việc thi hành án diễn ra phức tạp, mà Cơ quan Thi hành án địa phương không tự mình giải quyết được phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Cơ quan Thi hành án cấp trên hướng dẫn về nghiệp vụ. Song không ít trường hợp cơ quan có thẩm quyền chậm có văn bản hướng dẫn trả lời, cá biệt, có trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có văn bản hướng dẫn trả lời, dẫn tới việc thi hành án kéo dài hoặc không thi hành được. Để khắc phục tình trạng trên, cần phải có qui định cụ thể, chặt chẽ về thời hạn xem xét cho ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan thi hành án cấp trên và Viện kiểm sát cấp trên và qui định cụ thể về trách nhiệm của Cơ quan Thi hành án cấp trên, Viện Kiểm sát trong việc cho ý kiến chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ đối với Cơ quan Thi hành án cấp dưới, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong việc chậm giải quyết, giải quyết không đúng pháp luật gây thiệt hại cho các bên đương sự.

Cần tiến hành xã hội hoá các hoạt động thi hành án dân sự nhằm chia sẻ gánh nặng cho Nhà nước trong việc thi hành các bản án, quyết định dân sự

của Tòa án qua đó sẽ nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc bảo đảm hiệu lực bản án, quyết định của Tòa án. Hiện nay, một số công việc mà tư nhân có thể thực hiện tốt hơn và nên được chuyển giao cho tư nhân thực hiện như việc sao, gửi các bản án, quyết định của Tòa án; đôn đốc các bên tự nguyện thi hành án; xác minh tài sản, điều kiện của bên phải thi hành án, v.v…Thực tiễn cho thấy, mặc dù chế định thừa phát lại được thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian chưa dài nhưng bước đầu đã mang lại một số tiện ích, hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đảm bảo các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan Tòa án và thi hành án dân sự. Thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)