Thời hiệu trong BLDS Nhật Bản

Một phần của tài liệu Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 33)

Thời hiệu trong BLDS Nhật Bản được quy định tại chương VI quyển 1 từ Đ.144 đến Đ.174a. Khái quát về các quy định về thời hiệu trong Bộ luật này cho thấy: Thời hiệu chỉ được quy định cho các quan hệ tài sản, mà không quy định cho các quan hệ nhân thân phi tài sản. Thời hiệu được quy định chi tiết về ba vấn đề lớn là căn cứ làm gián đoạn thời hiệu, tạm ngừng thời hiệu, thời hiệu tiêu hủy và thời hiệu thủ đắc. Đặc biệt là Bộ luật còn có quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Luận văn xin nêu khái quát các vấn đề chính về thời hiệu của Bộ luật như sau:

- Từ Đ.147 đến Đ.161 quy định rất chi tiết về các căn cứ gián đoạn thời hiệu, tạm ngừng thời hiệu:

Thời hiệu không bị gián đoạn nếu tố tụng bị đình chỉ hoặc đơn kiện bị từ chối: Thời hiệu tố tụng bị gián đoạn khi có một trong số các nguyên nhân sau: Yêu cầu; sự tịch biên hoặc tạm thời tịch biên hay tạm thời định đoạt; sự công nhận. Thời hiệu tố tụng bị gián đoạn quy định nêu trên chỉ có hiệu lực đối với các bên và những người thừa kế hợp pháp của họ.

Yêu cầu theo thủ tục tố tụng không có tác dụng làm gián đoạn thời hiệu tố tụng, nếu việc khởi kiện bị bác hoặc bị rút lui. Quyết định không có tác dụng gián đoạn thời hiệu tố tụng nếu như nó không được sử dụng do bên yêu cầu không đề nghị tạm thời thực hiện trong thời hạn luật định. Đơn đề nghị hòa giải không có tác dụng gián đoạn thời hiệu tố tụng trừ khi vụ án được khởi kiện trong vòng một tháng trong trường hợp bên kia vắng mặt hoặc hòa giải không thành. Quy định này cũng được áp dụng, nếu bên kia tự nguyện đến song hòa giải không thành. Sự tham gia vào thủ tục phá sản không có tác dụng làm gián đoạn thời hiệu tố tụng, nếu nó bị chủ nợ rút lui hoặc đòi hỏi của chủ nợ bị từ chối. Yêu cầu qua thông báo không có tác dụng làm gián đoạn thời hiệu tố tụng, nếu việc khởi kiện, việc kêu gọi hòa giải hoặc việc tự nguyện đến hòa giải, việc lôi cuốn vào thủ tục phá sản, việc kê biên hay tạm thời kê biên hoặc việc tạm thời định đoạt được tiến hành trong vòng sáu tháng.

Thời hiệu tố tụng bị gián đoạn được bắt đầu tính tiếp từ thời điểm không còn tồn tại các nguyên nhân gây gián đoạn. Thời hiệu tố tụng bị gián đoạn bởi yêu cầu của Tòa án được tính tiếp từ thời điểm mà phán quyết của Tòa án về việc này có hiệu lực bắt buộc.

Nếu người chưa thành niên hay người bị coi là mất năng lực hành vi đã sống thiếu người đại diện hợp pháp trong phạm vi sáu tháng, trước khi thời hiệu tố tụng kết thúc, thì thời hiệu tố tụng không kết thúc đối với những người này trong phạm vi sáu tháng tính từ khi họ trở thành người có năng lực hành vi hoặc từ lúc người đại diện hợp pháp gánh vác nhiệm vụ.

Như vậy, các quy định nêu trên tương tự các quy định tại Đ.170 và 171 BLDS của nước ta, nhưng được quy định cụ thể, chi tiết hơn. Sự khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam là không thừa nhận việc hoà giải làm gián đoạn thời hiệu.

- Đặc biệt tại Đ.160 quy định: Thời hiệu tố tụng đối với tài sản thừa kế, không kết thúc trong thời hạn sáu tháng, kể từ khi người thừa kế được xác định; người quản lý được chỉ định hay công bố phá sản được đưa ra. Tại Đ.883 có quy định về: “Quyền yêu cầu xem lại việc thừa kế sẽ bị triệt tiêu bởi thời hiệu tố tụng, nếu không thực hiện trong vòng 5 năm, kể từ khi người thừa kế hoặc người đại diện hợp pháp của người đó biết được sự kiện tạo thành hành vi vi phạm quyền thừa kế. Quy định này cũng được áp dụng, nếu 25 năm đã trôi qua kể từ ngày mở thừa kế.”. BLDS Nhật Bản có quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, nếu tính từ thời điểm mở thừa kế thì thời hiệu khởi kiện là 25 năm, tính từ khi quyền thừa kế bị vi phạm là 5 năm, còn đối với tài sản thừa kế chỉ khởi kiện sau 6 tháng từ khi xác định được di sản.

- Từ Đ.162 đến Đ.165 quy định về thời hiệu thủ đắc.

Một người đã 20 năm, chiếm hữu một cách ổn định, công khai một vật của người khác với mục đích làm chủ nó, sẽ thủ đắc quyền sở hữu đối với vật này. Một người đã 10 năm chiếm hữu ổn định và công khai bất động sản của người khác với mục đích làm chủ nó, sẽ thủ đắc quyền sở hữu đối với bất động sản đó, nếu từ lúc bắt đầu chiếm hữu người này ngay tình và không có

sơ suất (Đ.162). Một người thực hiện một cách công khai và ổn định vật quyền chưa phải là sở hữu của mình và thực hiện nó nhân danh mình, sẽ thủ đắc quyền sở hữu sau 20 năm hoặc sau 10 năm tương ứng với sự phân biệt nêu ở Đ.162 (Đ.163). Thời hiệu tố tụng quy định tại Đ.162 sẽ bị gián đoạn, nếu người chiếm hữu tự nguyện ngừng việc chiếm hữu hoặc bị người khác tước mất việc chiếm hữu (Đ.164).

Như vậy, các quy định về thời hiệu thủ đắc là quy định thời hiệu phát sinh quyền, đối với quyền sở hữu có 2 loại là 10 năm và 20 năm. Các quy định này tương ứng với các Đ.247 đến 255 của BLDS Việt Nam về việc xác lập quyền sở hữu tài sản đối với một số trường hợp cụ thể như vật vô chủ, vật do người khác đánh rơi, gia cầm, gia súc bị thất lạc... thời hiệu ngắn nhất là sáu tháng, dài nhất là thời hiệu đối với người chiếm hữu tài sản động sản là 30 năm.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)