Tấm vi thấu kính (lenticular sheet) được làm bằng chất liệu tổng hợp, trong suốt, rất mỏng (khoảng 1-3 mm), có các vân nhỏ là các vi thấu kính dạng trụ hoặc cầu (vi thấu kính mắt ruồi). Các thông số quan trọng của tấm vi thấu kính như góc mở, độ dày hay số thấu kính trên inch (lpi). Các thông số này cần được khảo chi tiết và tuân thủ rất khắt khe trước khi tiến hành in và hiển thị ảnh tích hợp 3D autostereo.
Quá trình xử lí và hiển thị ảnh 3D autostereo được mô tả như trên hình 2.26. Chuỗi ảnh sau khi được chụp bằng phương pháp 3D (trong trường hợp này là 2 ảnh trái, phải) được lưu trên máy tính dưới dạng kỹ thuật số, sử dụng các phần mềm xử lí ảnh chuyên dụng, các hình ảnh đơn lẻ được cắt ra thành các dải nhỏ song song với nhau, sau đó chúng được tích hợp lại theo trật tự đan xen nhau thành bức ảnh tích hợp duy nhất và được in ra giấy ảnh với độ phân giải cao nhất có thể đạt được. Tấm vi thấu kính được dán ép chặt vào bức ảnh tích hợp thành một khối (ảnh phải và ảnh trái được cài răng lược với nhau và đặt tại tiêu điểm của vi thấu kính trụ), vai trò của tấm vi thấu kính như một bộ giải mã do có khả năng tách ảnh tích hợp ra thành các ảnh đơn lẻ. Với cách bố trí như vậy, cho phép mắt trái chỉ nhìn thấy ảnh trái, mắt phải chỉ nhìn thấy ảnh phải. Khi quan sát ảnh, mắt người quan sát sẽ nhìn thấy các ảnh đơn lẻ này theo các góc khác nhau, não bộ sẽ tổng hợp lại và tạo nên hiệu ứng lập thể (hình 2.27).
Với các bức ảnh tích hợp 3D autostereo, khi quan sát ta không cần sử dụng bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào mà vẫn có thể thấy được hiệu ứng nổi. Hình ảnh nổi cho phép ta cảm nhận được chiều không gian thứ ba, hơn nữa khi quay ảnh ta còn có thể xem được các chi tiết bị khuất.
Hình 2.26. Quá trình xử lí, hiển thị ảnh lenticular autostereo. Hai ảnh phải, trái được chụp bằng phương pháp 3D được cắt ra thành các dải nhỏ song song (1) và được tích hợp lại thành một ảnh tích hợp duy nhất sau đó được in ra giấy ảnh (2); Tấm vi thấu kính được gắn chính xác lên bề mặt tấm ảnh tích hợp (3).
Hình 2.27. Quan sát ảnh lenticular autostereo bằng thị giác hai mắt. Mắt phải và mắt trái sẽ nhận được 2 ảnh phải, trái riêng biệt,
não bộ sẽ tổng hợp 2 ảnh lại và cảm nhận được hiệu ứng 3D.
Ngoài hai phương pháp hiển thị ảnh 3D stereo là phương pháp anaglyph với kính phân màu Red-Cyan và phương pháp ảnh tích hợp 3D lenticular autostereo như đã được mô tả trên đây, còn có một số phương pháp hiển thị khác có thể dùng để quan sát ảnh nổi 3D SEM, đó là phương pháp dùng màn hình 3D LCD với kính phân cực, kính LC-Shutter hay tấm chắn thị sai, các cách này cho chất lượng hình ảnh rất tốt, tuy nhiên chi phí sản xuất cao, đòi hỏi quá trình lắp đặt và điều chỉnh khắt khe. Kết cấu của màn hình và nguyên lí hoạt động của hệ thống này không được mô tả trong luận văn.