Kính Re d– Cyan và ảnh 3D anaglyph

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hình thái học vật liệu, linh kiện nanô bằng công nghệ ảnh nổi 3D trên kính hiển vi điện tử quét ( 3D Stereo Sem Imaging) (Trang 48)

Phương pháp hiển thị 3D anaglyph được sử dụng khá phổ biến để xem ảnh tĩnh, ảnh động trong điện ảnh 3D cũng như trong nghiên cứu khoa học [52]. Khi quan sát ảnh anaglyph, cần sử dụng kính phân màu. Nhờ mỗi mắt kính có tác dụng lọc màu chỉ cho ảnh tương ứng truyền qua nên mắt trái ta chỉ thấy ảnh trái, mắt phải chỉ thấy ảnh phải. Và do đó, ta sẽ có cảm giác nổi 3D mà không cần nỗ lực điều tiết mắt.

Tạo ảnh tĩnh anaglyph Red-Cyan

Phương pháp tạo ảnh tổ hợp 3D dạng anaglyph rất đơn giản: mỗi ảnh trong hai ảnh gốc được phân một kênh màu khác nhau rồi lồng vào nhau, có nhiều phương án phân màu khác nhau như Red Blue, Red Cyan, Yellow Blue. Các bước để tạo một bức ảnh tổ hợp 3D Anaglyph như sau:

 Mở hai file ảnh đã chụp bằng kỹ thuật 3D, hai file ảnh này phải có cùng định dạng (.JPEG, .BMP, …) và có cùng kích thước.

 Sao chép hai file ảnh này vào cùng một file có định dạng PSD, mỗi ảnh sẽ nằm trên một lớp (layer).

 Điều chỉnh vị trí của 2 ảnh sao cho đối tượng trung tâm trùng khít lên nhau.

 Dùng lệnh Level để lọc màu cho ảnh trái và phải: ảnh phải không có màu đỏ, ảnh trái chỉ còn màu đỏ.

 Sau đó đặt lớp phía trên sang mode Screen để cho phép nhìn được lớp bên dưới đồng thời tự động điều chỉnh độ sáng và độ tương phản của hình ảnh tổng hợp được.

 Xuất ảnh đã tổng hợp thành file có định dạng BMP, TIF, JPEG...

 Sử dụng kính xanh đỏ (mắt trái màu đỏ, mắt phải màu xanh) hay kính Red – Cyan để quan sát ảnh 3D stereo dạng Anaglyph Red - Cyan.

Kính phân màu Red - Cyan

Như đã trình bày ở trên, phương pháp hiển thị đơn giản nhất là anaglyph Red-Cyan. Để quan sát hình ảnh 3D anaglyph, người xem phải sử dụng kính phân màu Red-Cyan (kính xanh đỏ), chính vì thế chất lượng của nguyên liệu dùng để chế tạo kính là rất quan trọng. Một số nguyên liệu có thể dùng để chế tạo kính như: tấm lọc màu thuỷ tinh, giấy bóng kính màu, mica màu. Chất lượng của hình ảnh như độ sáng, màu sắc phụ thuộc chủ yếu vào độ truyền qua và khả năng lọc màu của của vật liệu dùng làm kính. Để giảm thiểu sự lọt kênh, tức là để mỗi mắt chỉ nhìn thấy hình ảnh tương ứng, hai dải phổ truyền qua phải tách biệt nhau, khi chập hai mắt kính lên nhau, ánh sáng hầu như không lọt qua được.

Qua khảo sát thấy rằng vật liệu thuỷ tinh quang học dùng làm tấm lọc màu đỏ và tấm lọc màu xanh da trời rất thích hợp cho việc làm kính Red-Cyan vì có sườn cắt dốc và độ truyền qua cao trên 80%, hai tấm lọc này khi chập vào nhau sẽ khử được sự lọt kênh (hiệu ứng “ma”). Tuy nhiên, giá thành đắt vì đây là bộ lọc màu dùng trong các thí nghiệm quang học. Một phương án khác khả thi hơn đó là sử dụng tấm lọc màu đỏ và màu xanh da trời bằng nhựa, tuy sườn cắt

không dốc bằng tấm lọc thuỷ tinh nhưng cũng khá thích hợp cho việc làm kính xanh đỏ, vừa dễ gia công, giá thành tương đối rẻ và chất lượng hình ảnh cũng khá tốt. Đồ thị trong hình 2.23 và 2.24 dưới đây là kết quả đo phổ truyền qua của mica màu có thể dùng làm kính anaglyph.

Hình 2.23. Phổ truyền qua của tấm lọc màu đỏ bằng nhựa.

Hình 2.24. Phổ truyền qua của tấm lọc màu xanh da trời bằng nhựa.

Hình 2.25. Kính anaglyph Red - Cyan bằng nhựa, gọng giấy và kính anaglyph Red - Cyan bằng thuỷ tinh.

Có thể thấy rằng quy trình tạo ảnh tổ hợp 3D dạng anaglyph rất đơn giản, dễ thực hiện và hữu ích. Hạn chế của phương pháp này là bị mất bớt màu sắc khi quan sát ảnh do phải qua kính lọc màu. Hơn nữa, trong khi đeo kính phân màu Red - Cyan, vì mỗi mắt nhìn thấy một màu khác nhau nên xảy ra hiện tượng cạnh tranh về màu sắc (color rivalry), tương tự như hiện tượng cạnh tranh về hình dạng, và độ lệch màu giữa hai mắt cũng gây nên phản ứng khó chịu khi đeo kính lâu. Nếu chú ý, ta sẽ thấy lúc hình ảnh đỏ thắng thế, lúc hình ảnh xanh rõ hơn, liên tiếp thay đổi cho nhau, hiện tượng này vẫn chưa được nghiên cứu và công bố. Ngoài ra, khi mắt trái và mắt phải nhìn lâu vào hai hình ảnh khác nhau, do hiệu ứng bão hoà độ nhạy của các tế bào hình nón cảm thụ màu, khi bỏ kính ra ta sẽ thấy cảnh vật bị thiên sang màu đối, ví dụ mắt phải thấy mọi vật đều xanh, mắt trái thấy mọi vật đều đỏ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hình thái học vật liệu, linh kiện nanô bằng công nghệ ảnh nổi 3D trên kính hiển vi điện tử quét ( 3D Stereo Sem Imaging) (Trang 48)