3.1.2.1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên
Mọi hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn cho đoàn viên trong các nhà trường phải đảm bảo quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, khi xây dựng nội dung, chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục và quản lý hoạt động đều phải xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Đảng về đường lối phát triển của đất nước trong từng thời kỳ và những chính sách pháp luật của đất nước trong công tác học sinh, sinh viên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở các nhà trường hiện nay. Việc đánh giá kết quả hoạt động rèn luyện của đoàn viên, sinh viên phải quán triệt quan điểm của Đảng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, sinh viên. Nhà trường cần phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng đối với hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường.
3.1.2.2. Đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò định hướng và tổ chức thực hiện của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với vai trò tích cực chủ động của đoàn viên
Giáo dục và tự giáo dục là hai mặt hoạt động cơ bản của quá trình giáo dục, luôn luôn có sự thống nhất, biện chứng với nhau. Trong đó tổ chức Đoàn đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động tự rèn luyện của đoàn viên. Đoàn viên là người chịu sự hướng dẫn, bị sự chi phối của các hoạt động tuyên truyền giáo dục của tổ chức Đoàn, nhưng đồng thời cũng là chủ thể của hoạt động tự rèn luyện. Họ là nhân tố quyết định kết quả của quá trình tuyên truyền giáo dục. Hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên chỉ có thể đạt được hiệu quả cao khi tổ chức Đoàn phát huy được tính tích cực, tính chủ động, tính độc lập sáng tạo, năng lực tự giáo dục, tự hoàn thiện của đoàn viên. Vì vậy, trong quá trình tổ chức quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần nghiên cứu các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục nhằm phát
huy tính tích cực, tính chủ động độc lập, sáng tạo của đoàn viên, hình thành và phát triển ở họ hệ thống kỹ năng tự nhận thức, tự giáo dục, tự tổ chức, tự thiết kế hoạt động tự rèn luyện và hoàn thiện nhân cách có hiệu quả, nhằm biến quá trình giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thành quá trình tự nhận thức, tự rèn luyện của đoàn viên.
3.1.2.3. Đảm bảo tính hiệu quả
Xây dựng các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên phải đảm bảo tính hiệu quả. Các biện pháp quản lý nhằm phải đi đến đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả của hoạt động nói chung trong nhà trường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, nhằm biến quá trình giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện. Các biện pháp tổ chức quản lý phải có tác dụng đem lại sự chuyển hoá một cách tự giác yêu cầu về việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức, chính trị, pháp luật do nhà nước, xã hội và nhà trường đề ra thành nhu cầu thể hiện hành vi và thói quen của đoàn viên. Giúp đoàn viên luôn luôn có thói quen chấp hành tốt nội quy, quy chế của nhà trường, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, biết sống, biết làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
3.1.2.4. Đảm bảo tính thực tiễn
Xây dựng biện pháp quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên phải đảm bảo tính thực tiễn. Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn trường đối với đoàn viên phải có khả năng thực thi, phù hợp thực tế hàng ngày mà cụ thể là phải đảm bảo phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thiết thân của đoàn viên, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường và của ngành giáo dục, cũng như phù hợp với đặc trưng của công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại trường đại học và năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn. Các biện pháp tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên cũng cần phải phù hợp với cơ sở vật chất và điều kiện của nhà trường, phù hợp với đặc điểm và trình độ nhận thức của đoàn viên đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại.
3.1.2.5. Đảm bảo tính toàn diện
Xây dựng biện pháp quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn cho đoàn viên phải đảm bảo tính toàn diện, hay nói cách khác phải đảm bảo tạo ra kết quả trên nhiều phương diện. Nó phải có tác dụng kích thích đoàn viên nâng cao nhận thức, tích cực học tập, rèn luyện và phấn đấu vươn lên; giúp đoàn viên có thêm những kỹ năng xã hội tốt, khả năng thích nghi cao và làm việc trong môi trường năng động... Hình thành năng lực nhận thức, tự rèn luyện cho đoàn viên. Hệ thống các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên phải đi đến đích cuối cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, góp phần hình thành phát triển nhân cách của đoàn viên một cách toàn diện.
3.1.2.6. Đảm bảo tính khả thi
Xây dựng biện pháp quản lý hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên cần phải đảm bảo tính khả thi. Nội dung, phương pháp quản lý phải dễ triển khai, dễ thực hiện, dễ đánh giá và đem lại hiệu quả tốt. Tính khả thi đòi hỏi đồng bộ trên nhiều phương diện, cả về phía nhà quản lý, tổ chức hoạt động, hướng dẫn, định hướng cho đối tượng quản lý cả về những người trực tiếp truyền tải các nội dung, hình thức tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng đến đối tượng trực tiếp thực hiện hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng… Có đủ các yếu tố đó, tính thực thi, khả năng thành công của biện pháp sẽ cao hơn.