Điển hình nhập thế của Phật giáo thời vua Asoka

Một phần của tài liệu Tinh thần nhập thế trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông (Trang 28)

Nói đến Phật giáo Ấn Độ và sự truyền bá Phật giáo ra các nước lân cận, chúng ta không thể không nhắc tới hoàng đế Asoka. Trong lịch sử Ấn Độ ông đã để lại nhiều dấu tích quan trọng, song sự kiện quan trọng nhất có lẽ là sự chuyển đổi trong tâm khí của ông từ một hoàng đế bạo tàn trở thành một vị vua hết mình cho một nền chính trị hoà bình và cai trị dân chúng bằng đạo đức nhân văn, dùng chính lời Phật dạy để giáo hoá chúng dân. Hai phần đời của Asoka như hai thái cực, chính sự hồi tâm do trở về với đạo Phật của ông đã làm cho không ít người cảm thấy khó hiểu, thắc mắc và đã tạo ra nhiều huyền sử.

Theo sử sách, Asoka là vị hoàng đế cai trị một Ấn Độ có lãnh thổ rộng nhất từ trước tới nay. Ông sinh ra vào khoảng thế kỷ III Tr.CN, cha ông là Bindusara, mẹ là Asokavadana thuộc dòng dõi Bà La Môn. Khi còn là hoàng tử, ông được phân đi trấn giữ vùng Vidisa (nay là Bhilsa) và đã lập nhiều chiến công lớn. Được tin vua cha sắp băng hà, ông liền đem quân trở về để giữ ngôi và làm chủ luôn kinh đô. Những năm mới lên trị vì, vua Asoka nổi tiếng rất tàn ác. Ông lập nên nhiều tù ngục với nhiều cực hình tàn khốc, giết hại cả những anh, chị em và thê thiếp của mình để đoạt vương quyền. Nhà sư Trần Huyền Trang của triều Đại Đường - Trung Quốc thế kỷ VII có đến Ấn Độ, đã ghi lại được nhiều chuyện lưu truyền ở Ấn Độ, trong đó có chuyện

26

những ngục tù được gọi là địa ngục Asoka…[Dẫn theo 5, tr. 52]. Với tính khí hung bạo vậy, Asoka được mệnh danh là Candasoka.

Bia ký thứ XIII trên đá của Asoka nói rằng vào cuối năm thứ 8 của triều đại mình, Asoka đưa quân đi xâm chiếm xứ Kalinga, nay là Orissa. Cuộc xâm lăng này đã gây nên sự tàn sát khủng khiếp. Sau cuộc viễn chinh đẫm máu, ông có dịp được nghe Phật pháp và tỉnh ngộ, quyết định thành lập một vương quốc phụng sự Phật pháp [83, tr. 16]. Người đời sau chỉ có thể nghĩ rằng do hối hận về những hành xử quá tàn khốc của mình mà Asoka đã hiến tháng năm còn lại của mình cho đạo Phật với lời tuyên ngôn được đưa vào lịch sử: “sẽ lấy sự chinh phục bằng tình thương thay cho sự chinh phục bằng sức mạnh”. Phải chăng chính sự hối hận đã khiến Asoka trở thành một con người sống chuyên tâm vào thực hiện những lời khuyên của Đức Phật. Theo chúng tôi, có lẽ Asoka đến với đạo Phật không chỉ đơn thuần là vì sự hối hận, mà đó còn là một kế sách dùng tôn giáo cho mục đích chính trị rất khôn ngoan của ông.

Asoka kế thừa cơ nghiệp của tổ tiên, thống nhất một Quốc gia rộng lớn, xây dựng cơ nghiệp xán lạn, nhưng khác với các vị hoàng đế khác, danh muôn thuở của ông được lưu là nhờ đã thực hiện thành công một nền chính trị nhân từ theo tinh thần Phật giáo. Trong bia ký II có ghi rằng: “Tất cả mọi người phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, phải tôn trọng sự sống, phải nói lời chân thật. Hết thảy mọi người cần phải thực hành và khuyến khích các đức hạnh cao quý này. Cũng vậy, học trò cần phải tôn kính thầy và phải xử sự đúng đắn với thân bằng quyến thuộc. Đây là đạo lý thuyền thống khiến được sống lâu” [48]. Mặc dầu đây không phải là những đạo lý cao siêu, nhưng để hiểu và thực hành cho trọn vẹn là điều mà không phải ai cũng làm được. Asoka không chỉ khuyên con người ta hướng thiện mà chính bản thân ông đã thực hiện được sự từ bi, nhân đức trong cuộc sống chứ không phải

27

nói suông. Ông không những ban rải lòng từ ái đến loài người mà còn đến cả loài vật khi cho xây dựng nhà thương cho cả người và vật, xây dựng các giếng nước công cộng trên các trục lộ, nhân giống thêm nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh cho người và vật. Những việc làm này của Asoka xuất phát từ chính Tâm “Từ, ái” của nhà Phật. Asoka đã thực hành được một nền chính trị đạo đức, dùng chính giáo lý Phật giáo để giáo hóa dân chúng, đưa giáo lý của Đức Phật vào cuộc đời.

Sau cuộc chiến Kalinga bạo tàn, Asoka đã giành chiến thắng, nhưng để lại bao xót thương hận thù trong lòng dân chúng. Để thu phục được lòng dân sau bao chết chóc, thương vong ấy, Asoka ăn năn hối lỗi và dùng chính tình thương và sự hối cải của mình để chuộc lỗi với chúng dân. Asoka tìm đến một tôn giáo có khả năng xoa dịu nỗi đau khổ trong lòng họ và có lẽ không tôn giáo nào thích hợp hơn Phật giáo. Asoka dùng chính những lời dạy của Đức Phật mà phổ độ, giáo hoá chúng dân. Song chính bản thân Asoka đã bị thuyết phục bởi tinh thần khoan dung, Từ, Bi, Hỷ, Xả, vô ngã, vị tha đó của Phật giáo. Ông đã cải đạo từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo và trở thành một ông vua Phật. Thực hành chánh pháp và làm cho loài người hiểu chánh pháp, biết tu tỉnh, biết hối cải và phục thiện - đó là con đường đã được ông lựa chọn với tâm niệm: “chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng lòng người bằng đạo đức nhân ái” [48].

Không chỉ trở thành một tín đồ sùng Phật giáo mà Asoka còn tự đặt cho mình nhiệm vụ làm cho dân chúng sống theo lời dạy của Phật. Ông đã cho dựng khắp nơi nhiều trụ cột đá có khắc ghi lời dạy của Đức Phật, nhằm truyền bá một kiểu sống mới cho các thần dân của mình và gieo rắc nơi họ tấm lòng từ bi, mộ đạo. Bắt đầu từ thời vua Asoka, Phật giáo đã trở thành Quốc giáo, thay thế vị trí Bà La Môn giáo lâu đời.

28

Điểm tựa Phật giáo đã giúp Asoka thành công trong việc mở rộng lãnh thổ và thống nhất toàn cõi Ấn Độ rộng lớn. Ông đã là người bất bại trên chiến trường, song có lẽ chiến công lẫy lừng nhất vẫn là chiến thắng được lòng tham, sân, si, đố kị, hiềm khích ở chính bản thân ông. Ông đã lập một chiến công không phải bằng gươm đao mà là bằng bánh xe pháp từ bi, nhân ái của Phật giáo, để bánh xe đó luân chuyển mãi và Phật giáo lan rộng khắp Ấn Độ, tới cả những Quốc gia lân cận trong bang giao hòa bình giữa các nước.

Bia ký II, Girnar viết rằng: “Khắp nơi trong vương quốc của đức Thánh thượng Priyadarsi, người con yêu quý của các thần linh, và tại các lãnh địa như Choli, tại xứ sở vua Hy Lạp Antiocho… và tại các xứ sở các vị vua láng giềng của vua Hy Lạp Antiocho - khắp các nơi ấy, đức Thánh thượng Priyadarsi, người con yêu quý của các thần linh, đã cho xây dựng hai loại hình trị liệu - chăm sóc y tế cho người và trị liệu cho thú vật” [48]. Bia ký này cho thấy, tinh thần đạo đức vị tha của Phật giáo lan khắp các nước lân cận thông qua sự ngoại giao của các sứ thần dưới thời Asoka. Bên cạnh đó, ông còn xác định lập trường rõ ràng để các nước tin tưởng ở tính chất hòa bình trong đường lối ngoại giao của ông.

Bia ký II, Jaugad, Kalinga viết: “Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: Nhà vua này muốn gì ở chúng ta? Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải đau khổ, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành chánh pháp để được lợi ích đời này và đời sau” [48]. Đoạn văn bia này cho thấy, ông có một mối bang giao rộng khắp với các vùng lãnh thổ lân cận. Sự chấm dứt chiến tranh, khuyến khích hạn chế sát hại vật vô tội, khuyên con người thực hành đạo từ bi… đã không khiến cho Quốc gia ông lãnh đạo trở nên yếu hèn, nhu nhược mà ngược lại, trong nước bớt giặc giã,

29

vua cũng không phải bận tâm đến việc thân chinh dẹp giặc, và hơn nữa, điều đó khiến mọi người tin rằng lòng từ bi có thể thắng hung tàn, chỉ có sự tha thứ, chấm dứt thù hận, mới có thể cắt đứt được oán kết dài lâu. Với những việc làm trên, có thể nói, ông là người tiên phong đề xướng một mô hình hòa bình thế giới. Ông không chỉ hiểu chánh pháp mà còn đem chánh pháp thể nghiệm trong cuộc đời và tích cực nhập thế cứu đời.

Tuy tự nhận mình là tín đồ Phật giáo, chọn Phật giáo làm quốc giáo, nhưng Asoka đồng thời khuyến khích các tôn giáo khác cùng phát triển với phương châm khoan dung tôn giáo để lãnh đạo chính sự. Nhà vua kêu gọi các giáo phái thôi tự khen tụng và chỉ trích các giáo phái khác mà cố tập trung trau dồi đạo đức tốt đẹp của dân tộc Ấn Độ: “lòng ngay thật, biết kiềm chế, lòng từ bi bác ái, sống thanh tịnh hoà nhã, tôn trọng các bậc huynh trưởng và thầy dạy, rộng rãi với bạn bè thân quyến, người quen, thậm chí cả với nô lệ… và ngăn cấm nghiêm minh các lý tưởng xấu xa như giận dữ, hung hăng, ganh tỵ…”[50, tr. 69]. Ông muốn mọi người trong xã hội ông hãy sống đạo đức, thánh thiện hơn để qua đó giảm thiểu sự khác biệt giữa thần thánh với con người; xây dựng một xã hội hòa bình, trật tự và mọi người cùng sống tự do, hạnh phúc. Cách áp dụng đạo đức tôn giáo này của Asoka đã giải quyết được thực trạng tranh chấp giữa các tôn giáo ở Ấn Độ lúc bấy giờ - một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình thống nhất Ấn Độ lúc đó là do những hiềm khích, xung đột hay chiến tranh giữa các cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.

Asoka đã cho khắc lên cột đá những chỉ dụ về đạo lý làm người, làm thần dân của vương quốc Ấn Độ hùng mạnh theo tinh thần Phật Giáo. Đặc biệt trong chỉ dụ thứ 12 đã nói rằng: “Nhà vua tôn trọng tất cả mọi người, tất cả các giáo sĩ cũng như tín đồ của các tôn giáo khác. Tín đồ của các tôn giáo khác nhau không được kỳ thị, chê bai tôn giáo khác dưới bất kỳ hình thức

30

hay lý do nào. Nhà vua khuyến khích sự hoà hợp giữa các tôn giáo và kêu gọi tất cả các tôn giáo hãy tuyên giảng các giáo lý đúng đắn. Nhà vua không trông chờ những lễ vật hay lời tán dương, mà mong rằng, bằng việc làm thực tế các tôn giáo tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy, sự tăng trưởng của mỗi tôn giáo sẽ là sự tuân thủ luật trung đạo” [67, tr. 15-16]. Asoka đã thực hiện được tinh thần bình đẳng tôn giáo của đức Phật. Theo đó, mọi người đều được bình đẳng và hưởng hạnh phúc như nhau dù thuộc tôn giáo nào dưới triều đại của ngài. Asoka đã mang đến cho Đạo Phật Ấn Độ một lần nhập thế thành công không chỉ về phương diện đạo đức toàn xã hội Ấn Độ, mà cả về phương diện chính trị và văn hóa cả khu vực lúc đó.

Bằng việc làm và lời kêu gọi của mình, vua Asoka đã đem lại niềm tin không chỉ cho dân bản xứ mà cả dân chúng ngoài biên cương và các vùng lân cận cũng thấy đó mà kính phục. Là một nhà chính trị khôn ngoan, ông đã thực hiện thành công một cuộc chinh phục bằng hoà bình lấy Phật Pháp làm điểm tựa thay cho gươm đao. Lời Phật dạy đã được Asoka vận dụng khéo léo vào các vấn đề chính trị - xã hội Ấn Độ đương thời và làm cho chúng sinh trong xã hội Ấn Độ dưới thời ông đều được ấm no, hạnh phúc.

Xã hội Ấn Độ dưới thời vua Asoka khi đó còn chưa có quan niệm về cột mốc biên giới. Theo truyền thuyết, vua Asoka đã cho dựng 84000 cột kinh và tháp Phật khắp những nơi mà nhà vua và quân đội có thể tới. Phải chăng, các cột kinh và bảo tháp này xuất hiện ở đâu thì có nghĩa là nơi đó Phật giáo đã tới, cũng là nơi nhà vua đã tới và với ngầm ý rằng đó là đất nước Ấn Độ mới thống nhất dưới triều vua Asoka. Đến đây ta đã thấy sự khéo léo và rất khôn ngoan của Asoka trong chiến lược chính trị - tôn giáo. Bằng chính sách tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, ông đã thống nhất lãnh thổ cũng như thống nhất đất nước Ấn Độ về chính trị. Có thể nói, dưới thời vua Asoka, Phật giáo đã đóng vai trò hệ tư tưởng chính thống nhất Ấn Độ lúc đó. Chủ trương hoà

31

hợp, khoan dung tôn giáo của vua Asoka đã giải quyết mâu thuẫn giữa các tôn giáo và tạo môi trường đoàn kết xã hội, đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ dân tộc thống nhất rất điển hình. Đó là một thành công lớn trong chiến lược chính trị - tôn giáo của nhà vua, dùng ổn định tôn giáo để bình ổn xã hội, thống nhất nước Ấn Độ đa tôn giáo [67, tr. 11-19].

Việc Asoka cải đạo theo đạo Phật, nhiều tu viện Phật giáo nhanh chóng phát triển về mặt vật chất và các tu sĩ Phật giáo có một đời sống đầy đủ hơn. Tuy nhiên cũng vì vậy mà nhiều dị giáo ngả theo đạo Phật để được hưởng lộc, khiến xuất hiện nhiều kiểu hành trì sai trái và các lý thuyết dị giáo đang len lỏi vào trong tăng chúng dưới cái bóng nhà Phật. Trước tình hình đó, Asoka đã cho kết tập Đại hội Phật giáo dưới sự chủ toạ của ngài Moggaliputta. Kết quả một số tăng sĩ vốn là ngoại đạo đội lốt để phá hoại tăng đoàn đã bị trục xuất, buộc trở về đời sống cư sĩ. Ông còn cầu thỉnh ngài Moggaliputta chọn lấy 1000 vị thông hiểu thánh điển để biên tập lại kinh điển. Nhà vua còn gửi các phái đoàn đi đến nhiều vùng khác nhau trên thế giới để truyền bá Phật pháp. Các nỗ lực của Asoka đã góp phần hệ thống lại giáo lý, làm trong sạch giáo đoàn Phật giáo và truyền bá giáo lý đạo Phật ở bên trong và bên ngoài Ấn Độ.

Là vị vua sáng lập ra một Quốc gia Ấn Độ hưng thịnh, trên cương vị Hoàng đế của mình, Asoka đã rất thành công trong chiến lược chính trị - tôn giáo đã mang đến cho Phật giáo Ấn Độ một giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất. Phật giáo dưới triều đại ông là Phật giáo mang tính nhập thế rất điển hình và rất thành công.

Một phần của tài liệu Tinh thần nhập thế trong tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông (Trang 28)