Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, xuất thân từ một gia đình làm nghề chài lưới tại Hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Mỹ Lộc, Nam Định). Trần Cảnh từ nhỏ thông minh, ham mê đọc sách và đặc biệt chú ý đến thiền học. Năm 1226, theo kế sách của Trần Thủ Độ, ông được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, lập nên nhà Trần. Với tính tình ôn hòa, nhân hậu, khoan dung, ông được chọn lên ngôi Hoàng đế. “Một khi đã có tư chất thiên bẩm hiền
55
hòa, thông tuệ, thì con đường đến với giáo lý Phật pháp, đi đến từ bi, giác ngộ, hướng đến trí tuệ Bát nhã chắc chắn là một nghiệp” [34, tr. 61].
Cuộc đời Trần Cảnh có nhiều biến động lớn. Năm 1236, do xếp đặt của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, Trần Cảnh buộc phải giáng Hoàng hậu Chiêu Hoàng xuống làm công chúa, lập chị dâu là Chiêu Thánh làm Hoàng hậu. Việc làm này đã gây ra nhiều đánh giá, hiểu lầm ông về mặt đạo đức, chính trị. Trong khi đó, Trần Liễu thì nổi loạn, phản binh; nhưng Trần Thái Tông lại ứng xử không theo ngôi thứ mà lấy tình cảm gia đình để điều hòa mâu thuẫn. Ông chọn cách ứng xử của một người em đối với anh và cũng tự biết lỗi “tày trời” của mình nên anh em ôm nhau khóc trong tình yêu thương gia đình và cũng là nỗi khổ tâm mà bản thân ông không thể làm khác được. Hành động của Thái Tông đã có giáo lý của nhà Phật soi đường, khiến một nhà chính trị lão luyện như Trần Thủ Độ cũng phải ném gươm mà thán phục.
Sử gia Phan Phu Tiên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã có đoạn bình luận về vua Trần Thái Tông một cách nghiêm khắc rằng, “khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc… lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm Hoàng Hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư…”, còn Trần Cảnh chưa giết anh là do “lẽ trời chưa mất mát mà thôi” [17, tr. 412]. Nói như Phan Phu Tiên thật là chấp cái “luân thường” mà bỏ qua “lòng nhân”, chỉ chấp việc giết kẻ phản loạn mà không thấy tha tội là một hành vi chính trị của Thái Tông. Những hành động của ông trong cách ứng xử với Trần Liễu, ta thấy thấm nhuần quan điểm “không chấp” của Phật giáo, và vượt qua những đạo lý thông thường, vượt qua những lời khen chê của giáo lý Nho giáo phong kiến. Hành động của ông đã cứu cho nhà Trần một cuộc đổ máu, cứu cả Quốc gia xã tắc khỏi một phen binh đao mà hậu họa có thể khôn lường.
56
Như vậy, những ảnh hưởng ban đầu của Phật giáo đối với Trần Thái Tông là rất lớn. Mặc dù chưa xuất gia nhưng hành động của ông cho thấy ông hiểu sâu sắc giáo lý “từ, bi, hỷ, xả” của nhà Phật và dùng chính tư tưởng này để xử lý vấn đề chính trị cấp bách lúc bấy giờ, đem lại lợi ích chung cho cả quốc gia dân tộc. Nhưng, sau sự kiện chấn động trên, suy ngẫm về cuộc đời, ông tìm ra nguyên nhân chính cũng chỉ vì quyền uy, danh lợi, tài sắc... mà đẩy đưa con người đến chỗ bỏ quên nhân nghĩa, tàn hại lẫn nhau. Vậy nên, đêm 3 tháng 4 năm 1236, lòng đã định, chí đã quyết ông từ bỏ triều đình, ngôi báu, địa vị giàu sang, lên núi Yên Tử tham vấn Quốc Sư Trúc Lâm, tham dự con đường Phật pháp tìm chân lý, tìm lý tưởng giải thoát cao cả.
Trần Thái Tông thành tâm đến với Phật pháp và luôn tự nhủ rằng: “Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy phương tiện dẫn dụ đám người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật” [Lịch sử tư tưởng Việt Nam, văn tuyển tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr.10]. Thái Tông đã rất am tường về đạo Phật. Hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc rằng, giáo lý nhà Phật chính là phương tiện giúp con người hướng thiện, hành thiện mà thoát khỏi vòng mê muội trong cuộc đời đầy bụi bặm để đạt giác ngộ. Nên với tư cách một vị quân vương, ông tự nhắc nhở “lẽ nào Trẫm không coi trách nhiệm của Tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức phật là giáo lý của mình ư” [87, tr. 10]. Nhưng khi Trần Thái Tông bỏ ngai vàng đi tìm Phật thì hiểu ra rằng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật là nơi tâm người, tâm lặng mà biết ấy là chân Phật”. Quốc sư dạy: “nếu nhà Vua ngộ được tâm thì lập tức thành Phật, không phải nhọc công tìm cầu bên ngoài” [87, tr. 11]. Lời khai thị của Quốc sư đã giúp Trần Thái Tông ngộ ra vấn đề “Tâm tức là Phật”, “Phật tức là tâm”. Phật không ở trên núi cao hay trong rừng sâu mà ngay giữa lòng cuộc sống, chính tại trong tâm. Nhà vua
57
trở về triều đình, nhận lại trách nhiệm với trăm dân, mở đầu cho một triều đại Đông A thịnh trị vẻ vang.
Như vậy là lựa chọn cuối cùng của Thái Tông vẫn là trách nhiệm với trăm dân là trên hết. Quốc sư dạy: “Phàm đã là bậc nhân quân, tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” [87, tr.12]. Lời nói của quốc sư trên núi Trúc Lâm về bổn phận của người chịu trách nhiệm giữ dân in sâu vào tâm não ông như một lời phán quyết của định mệnh. Tuy nhiên ngôi báu đối với ông không phải là một đối tượng thèm khát, ao ước mà chỉ là một gánh nặng không thể không gánh, bởi lẽ, Đất nước đang cần người có tài đức, trăm họ đều trông vào đấng minh quân. Biên cương Nguyên Mông đang lăm le xâm lược. Cho nên Thái Tông đã không ngồi trên ngôi để thưởng thức phú quý quyền hành, đắm chìm trong thanh sắc; trái lại, ông luôn tự mình thức tỉnh mình: “Trẫm lượng sức chủ trì ngôi báu, rồi trước sau chăn dắt muôn dân. Từng lo vất vả, chẳng ngại sớm hôm. Tuy một ngày trăm việc, cũng trộm lúc rảnh rang. Chăm việc tiếc giờ, học càng tăng tiến. Một chữ “đinh” lo chia biết đến, đêm canh hai còn giống tìm xem. Đã duyệt phần điểm Khổng Khâu, lại xét sách kinh đạo Thích, kinh này vừa gặp, trẫm cảm đã sinh; sâu kín mối manh, suy đi nghĩ lại. Nhấm nháp mùi nghĩa lí, thu thập vẻ văn hoa; làm rõ ràng lời nói thánh nhân, để giúp ích ít nhiều hậu học” [55, tr. 47]. Như vậy, đối với ông sách nho và kinh Phật là hai tài liệu vô cùng quan trọng, nên ông không phải đọc chơi mà ta thấy ở ông sự học hành rất nghiêm túc kho tàng tri thức này nhằm ứng dụng vào việc chăn dân, giữ dân làm cho quốc gia được giàu mạnh, muôn dân hạnh phúc. Ông đã kết hợp hài hòa Nho với Phật; giáo lý của nhà Phật đã được ông kết hợp linh hoạt với những lễ nghi, đường lối triều chính trong việc trị nước, an dân.
58
Đối với Trần Thái Tông, Phật pháp không chỉ là mục tiêu giáo lý khô cứng. Phật pháp vừa là học thuyết hoàn thiện con người, xây dựng nhân sinh quan, vừa là giáo lý nhập thế. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Người đích thân cùng ba quân chiến đấu can đảm vào sinh ra tử. Trần Thái Tông đã hành đạo theo tinh thần nhập thế, đề cao chữ Tâm, coi trọng “Phật tại Tâm” nên đã không câu chấp vào câu chữ một cách hình thức, máy móc. Vì vậy, dù đạo Phật cấm sát sinh, nhưng ông hiểu sâu sắc rằng: giết một người để cứu trăm ngàn người thì không có gì là trái đạo. Trần Thái Tông đã thành đạt không chỉ trong sự nghiệp nuôi dân, bảo vệ hòa bình, mà còn cả trong sự nghiệp học đạo và tu đạo. Ông đã kết hợp được tu hành với lợi ích chung của cả Quốc gia.
Nhìn vào cuộc đời Trần Thái Tông, ta thấy ông không bi quan, yếm thế, trái lại rất tích cực vận dụng cả Nho và Phật trong dựng nước, trị dân và khẳng định chủ quyền hành động khi đã đến tuổi trưởng thành. Hơn ai hết, ông hiểu rõ cuộc đời là “vô thường” nên không muốn đánh mất mình trong những thế giới hình sắc, âm thanh, hương vị và cảm xúc của hưởng thụ. Qua tác phẩm của ông, ta thấy, ông thao thức muốn đạt ngộ đạo. Tư tưởng Phật giáo về bản thể luận, nhận thức luận và giải thoát luận đã được ông diễn ngôn lại cho phù hợp với tâm tính và văn hóa của người Việt. Qua đó cho thấy khuynh hướng nhập thế tích cực của ông nhằm xây dựng một Quốc gia Đại Việt vững mạnh về đạo đức, ổn định về chính trị, mang lại hạnh phúc cho muôn sinh.
Trần Thái Tông cho rằng: “Nguyên lai, tứ đại vốn là không, ngũ uẩn cũng chẳng có”. (Nguyên phù tứ đại bản vô, ngũ uẩn phi hữu) [87, tr. 16]. Cá nhân con người là sự kết hợp động, tạm thời của năm Ngũ uẩn (Panka Skandha), cho nên nó cũng là ảo, không thật. Ngay cả bản thân tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) và ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không thực
59
tồn tại vĩnh viễn. Cuộc đời con người thoáng qua mau chóng. “Thế là hư vọng từ không, không lại biểu hiện thành hư vọng, hư vọng sinh ra mọi sắc tướng… hoặc sinh các bậc thánh, hiền, ngu, trí; hoặc hóa mọi loài lông, cánh, vẩy, sừng, luôn luôn chìm đắm ở bến mê” (Ký bội vô minh vô hóa, vĩnh vi hữu hóa hữu sinh”... hoặc sinh thánh hiền ngu trí, hoặc hóa lân giác vũ mao) [87, tr. 16]
Luật vô thường thể hiện ở vũ trụ là “thành trụ hoại không”, thể hiện ở vạn vật là “sinh trụ dị diệt”, còn thể hiện ở con người là “sinh lão bệnh tử”. Bản thể là không sinh không hóa, nhưng con người thường đi ngược đường đó làm cho có hóa có sinh. Hoặc sinh đấng thánh hiền, người ngu kẻ trí; hoặc hóa vẩy sừng, giống mao vũ. Luôn ngập đắm ở sông mê, trôi chìm trong bể khổ, khiến qua lại sáu đường: trời, người, atula, địa ngục, ngã quỷ, súc sinh; lên xuống bốn núi: sinh, lão, bệnh, tử.
Trong bát khổ, Trần Thái Tông nhấn mạnh sinh, lão, bệnh, tử. Theo ông, sinh giống như mùa xuân, lão - mùa hạ, bệnh - mùa thu, tử - mùa đông. Có sinh tất có lão, bệnh và tử, bởi có sinh là có thân, có thân là có bệnh, có lão.
“Đại để có thân mới có bệnh Ví bằng không bệnh cũng không thân”.
(Đại để hữu thân phương hữu bệnh Nhược hoàn vô bệnh diệc vô thần)[87, tr. 25]
Đã có lão, có bệnh ắt có tử. Sống chết chỉ là hợp tan của ngũ uẩn. Muốn thoát khổ, thoát khỏi sinh tử, ông khuyên người ta phải tu hành. Mọi người hãy “vượt khỏi chốn tử sinh; giơ ngón tay xé toang lưới ân ái. Dù trai dù gái, đều đáng tu hành. Hoặc dại hoặc khôn; thảy đều có phận. Như chưa thấu Phật tâm ý tổ; trước hãy nên trì giới tụng kinh. Đến lúc hay Phật là không, tổ là không; thì giới chẳng cần trì, kinh không cần tụng. Trong ảo sắc
60
cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng thực pháp thân. Phá lục tặc làm lục thần thông; đưa bát khổ thành bát tự tại” [87, tr. 29-30]. Những lời lẽ của Thái Tông rất mạnh mẽ như thấm vào lòng người, thức tỉnh con người tu tâm dưỡng tính thoát khỏi bát khổ - cái khổ tự tâm ra. Khi đã giác ngộ rồi thì “giới chẳng cần trì, kinh không cần tụng”. Ở đây Thái Tông đã thể hiện tinh thần nhập thế thoát khỏi kinh kệ, giáo lý giản đơn của nhà Phật. Làm được như vậy thì “trong ảo sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng là pháp thân”. Vì vậy, đắc đạo, đạt giác ngộ là giữa đời, giữa thế gian trần tục, vì tránh nhiệm với cuộc đời chứ không xa lánh cuộc đời đầy bụi bặm. Trần Thái Tông đã dùng hình tượng bốn ngọn núi để diễn tả một cách sâu sắc bốn nỗi khổ lớn nhất của một đời người là sinh, lão, bệnh, tử. Cuối cùng ông dắt người đọc đến chỗ thừa nhận: “Thân mệnh là rất trọng mà còn nên bỏ để cầu bồ đề vô thượng huống chi vàng ngọc của cải là rất khinh lại tiếc làm gì?” [87, tr. 34]. Nhưng để đạt đến chân sắc, pháp thân thì con người cần phải trì giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; không nói dối, không nói ác, không nói chia rẽ, không nói vô nghĩa; không tham, sân, si. Để mọi chúng sinh đều hiểu mà hành đạo, ông đi vào từng giới cụ thể:
Trong “văn răn trộm cắp” (Giới thâu đạo), Trần Thái Tông viết: “Phàm người làm điều nhân nghĩa là quân tử; kẻ chuyên việc trộm cắp là tiểu nhân”. [87, tr. 40].
Trong “văn răn uống rượu” (Giới tửu văn), ông cho rằng: “kẻ thèm say đức hạnh suy kém, kẻ uống rượu nói năng lầm lỡ”. Vì vậy “bỏ được rượu nghìn điều lành dồn tới; ham chơi men muôn mối họa kéo về” [87, tr. 47].
Như vây, nhận thức luận, bản thể luận, giải thoát luận Phật giáo ở Trần Thái Tông đều gắn chặt với đạo đức. Theo ông, tất cả đều xuất phát từ “Tâm”, mọi cái thiện ác đều diễn ra từ tâm, phụ thuộc vào tâm “phàm tâm là gốc của thiện ác, miệng là cửa của họa phúc”.[87, tr. 45]. Trần Thái Tông
61
khuyên con người ta “từ tâm dưỡng tính”, “từ bi hỉ xả”. Những luận chứng đó của ông là nhằm để xúc tiến mạnh mẽ sự tỉnh ngộ của mọi người khiến họ đi vào con đường tu hành của đạo Phật mà giác ngộ.
Như vậy, Trần Thái Tông rất sùng phật, học phật và hiểu sâu sắc về đạo Phật, tuy nhiên ông không bị câu chấp vào giáo lý kinh luận. Các tác phẩm của ông chủ yếu là những tổng kết và suy ngẫm về lịch sử Phật giáo cũng như Thiền học rất uyên thâm và đánh giá sự cần thiết của Phật giáo đối với sự tu dưỡng của chúng sinh. Ở ông, tránh nhiệm với dân tộc được kết hợp với tránh nhiệm chính trị và tránh nhiệm lãnh đạo tôn giáo dân tộc. Vì vậy, những đạo lý nhân văn của đạo đức Phật giáo được ông vận dụng rất khéo léo để trị quốc, an dân. Ông dạy con người ta phải tu tập nhằm đạt đến tỉnh thức, giác ngộ nhưng không xa rời hoàn cảnh thực tế, không xa rời tránh nhiệm với non sông đất nước. Đạt Niết bàn trong thế giới trần tục, tức người thành phật khi còn tồn tại trong thế giới hiện hữu này (hoạt phật - phật sống). Con người Trần Thái Tông luôn chủ trương áp dụng cái học thực tiễn, đó là: tu, tề, trị, bình trong lĩnh vực quốc gia, xã hội để phát triển trong tinh thần tự chủ, tự cường của dân tộc. Những hành động của ông thể hiện tư tưởng, mong muốn gắn kết quyền uy chính trị và giá trị nhân văn của Phật giáo - tôn giáo dân tộc - của một vị quân vương - một ông vua phật. Tư tưởng Phật học của ông là tư tưởng nhập thế, tích cực cứu thế, giúp đời làm cho xã hội an vui, hạnh phúc.
Tiếp theo Trần Thái Tông, một điển hình nhập thế thứ 2 trong ứng xử Phật giáo phải kể đến là Tuệ Trung Thượng Sỹ - Một vị cư sỹ Phật giáo, văn võ toàn tài có công lớn trong kháng chiến chống quân Nguyên, một thiền sư sắc sảo, uyên bác và nổi tiếng về tinh thần phóng khoáng “vô chấp”, “vô trụ” của Thiền tông đời Trần.