Một vài nét về truyện kể dân gian Trung Quốc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với một số truyện cổ tích của người Việt (Trang 43)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.Một vài nét về truyện kể dân gian Trung Quốc

Trung Quốc là nước có nền văn học vô cùng phong phú, đặc sắc. Làm nên sự phong phú, đặc sắc đó không thể không nhắc đến sự đóng góp của bộ phận văn học dân gian. Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, từ thời xa xưa, bên cạnh công việc lao động hằng ngày, người dân Trung Quốc đã chú ý tới việc sáng tác nghệ thuật trong đó có văn học. Văn học dân gian Trung Quốc chính là tấm gương phản chiếu chân thực và

sâu sắc nhất lối tư duy cũng như đời sống tâm tư tình cảm của người dân Trung Quốc thời cổ đại.

Tìm hiểu văn học dân gian Trung Quốc, người ta nhận thấy bên cạnh những tác

phẩm thơ ca (tiêu biểu là tập Kinh Thi) còn có một kho tàng những truyện kể dân gian

bao gồm nhiều thể loại khác nhau như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười. Mỗi thể loại đều có những đặc trưng riêng làm nên vẻ đẹp của văn học dân gian Trung Quốc.

Thời cổ, Trung Quốc không có sách truyện ghi chép một cách hệ thống về thần

thoại và truyền thuyết. Trong các sách thời phong kiến sơ kì như Trang Tử, Sở từ, Hoài

Nam tử,…còn giữ lại được một vài mẩu thần thoại và truyền thuyết. Về cơ bản thần thoại Trung Quốc tìm cách giải thích các hiện tượng tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, mây gió, cây cỏ, chim muông bằng một lối tư duy chất phác, ngây thơ thời cổ đại. Đặc biệt những truyện nói về nguồn gốc trái đất và muôn loài được hư cấu rất tài tình. Và nếu gạt bỏ những chi tiết hoang đường trong các thần thoại, người đọc đời sau có thể hình dung ra cuộc sống của con người thời nguyên thủy: từ chỗ ăn hang ở lỗ, họ dần dần tìm ra lửa, biết đánh cá, săn muông thú, trồng trọt và chăn nuôi. Còn trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc lại có nhiều mẩu chuyện về các nhân vật anh hùng như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Cổn, Vũ,…Có thể họ là những con người có thật, có thể là những tù trưởng kiệt xuất trong xã hội thị tộc. Sự tích về họ được nhân dân thời cổ truyền tụng, trong quá trình đó nó được thần thoại hóa. Chính việc thần thoại hóa ấy đã chứng minh sức tưởng tượng và tài năng nghệ thuật của nhân dân thời cổ. Thần thoại và truyền thuyết cổ đại Trung Quốc có đặc sắc riêng rõ rệt. Trước hết, các nhân vật anh hùng trong thần thoại và truyền thuyết không chịu khuất phục trước những thế lực thiên nhiên, trái lại họ dùng sức mạnh phi thường để giành chiến thắng như Nữ Oa luyện đá vá trới, Hậu Nghệ bắn rơi mặt trời, vua Cổn, Vũ trị nạn hồng thủy,…Thứ hai, số phận của các nhân vật anh hùng không phải do thần thánh sắp đặt mà do họ tự quyết định, thể hiện tư tưởng “nhân định thắng thiên”. Họ thường được đặt trong quan hệ đối

kháng với thánh thần. Tiêu biểu như Cổn đã lấy trộm “đất nở” của Thiên Đế để ngăn hồng thủy rồi bị Thiên Đế giết. Có thể nói thần thoại và truyền thuyết Trung Quốc rất phong phú, nhiều tình tiết li kỳ đã có ảnh hưởng to lớn đến văn học đời sau. Nó là cội nguồn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Trung Quốc.

Cũng giống như truyện cổ tích của các dân tộc khác trên thế giới, truyện cổ tích Trung Quốc thể hiện một cái nhìn về cuộc sống của người dân lao động. Tất nhiên vẫn mang màu sắc li kỳ do nó là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng so với thần thoại và truyền thuyết, truyện cổ tích đã nhích gần hơn đến cuộc sống thực tại. Nhân vật của truyện cổ tích Trung Quốc là con người thuộc tầng lớp thống trị hoặc bị trị, cũng có thể là những con vật, cây cỏ, đồ vật hay những nhân vật kì ảo, hoang đường thuộc những thế giới khác ngoài trần gian. Điều quan trọng, truyện cổ tích Trung Quốc hướng đến việc phản ảnh đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Họ là những con người đề cao học vấn, trọng nghĩa khí và nhân tình; nhẫn nại và có ý chí quyết tâm rất cao để đạt được mục đích đã đề ra đồng thời có khả năng thích ứng nhanh với môi trường sống.

Thể loại tiếp theo là truyện ngụ ngôn. Đây là thể loại rất dồi dào những hình thức ẩn dụ và triết lý. Tác giả thường lấy một câu chuyện để truyền tải một nội dung giáo dục hoặc một lời khuyên răn đối với người đọc. Người đọc đã quen thuộc với những

truyện ngụ ngôn Trung Quốc như: Lừa và Hổ, Mua xương ngựa, Ngu Công dời núi,

Mất rìu, Mất dê, Lo trời sập, Cướp vàng, Xem tướng ngựa, Kỷ Xương học bắn, Đi trắng về đen,…Những câu chuyện xem ra rất bình thường nhưng lại bao hàm một ý nghĩa sâu sắc về nhân tình thế thái hay thuyết minh một cách thấu đáo những gì đó có ý nghĩa phổ biến trong đời sống xã hội thời bấy giờ. Bên cạnh ý vị sâu lắng của những truyện ngụ ngôn, văn học dân gian Trung Quốc còn đem đến cho người đọc những giây phút thư giãn có ý nghĩa với những mẩu truyện cười. Những truyện cười vừa thể hiện sự dí dỏm, hài hước vừa cho thấy sự thông minh, sắc sảo của người dân lao động Trung Quốc thời đó.

Truyện kể dân gian Trung Quốc dù ở thể loại nào cũng có những nét đặc sắc riêng. Bao trùm lên tất cả kho tàng truyện kể đó là một vẻ đẹp Trung Hoa đậm đà và sâu lắng. Quá trình giao lưu cùng với việc tiếp nhận sức lan tỏa mạnh mẽ của kho tàng truyện kể dân gian Trung Quốc đã giúp người Việt sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị, trước hết là ở thể loại truyện cổ tích.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với một số truyện cổ tích của người Việt (Trang 43)