Môtíp lên tiên (bay về trời)

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với một số truyện cổ tích của người Việt (Trang 38)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3.1. Môtíp lên tiên (bay về trời)

Do ảnh hưởng của Đạo giáo thần tiên, môtíp lên tiên (bay về trời) thường xuất hiện trong truyện cổ tích của người Việt. Môtíp này gắn liền với kiểu nhân vật người trần được thần tiên hóa.

Chắc hẳn người đọc vẫn còn nhớ khung cảnh lộng lẫy cùng niềm hạnh phúc

không gì sánh bằng của Từ Thức khi được gặp lại Giáng Hương tại động tiên trong Sự

tích động Từ Thức và rưng rưng xúc động trước cảnh chàng Ngưu cùng con trai gặp lại người vợ yêu dấu tại thiên đình khi đọc truyện Ả Chức chàng Ngưu. Hay như trong

truyện Tú Uyên, kết thúc câu chuyện là chi tiết: “Một đêm nọ bỗng có hai con hạc đến

đón ở sân. Hai vợ chồng dặn con ở lại, rồi cưỡi hạc lên trời” [5, tr. 811]. Cả ba truyện kể này đều thuộc kiểu truyện người trần lấy vợ tiên. Trên thế giới, người ta gọi đây là kiểu truyện người chồng (hoặc người vợ) thần kỳ. Trong kiểu truyện này sự xuất hiện của môtíp lên tiên là nét đặc trưng tiêu biểu. Thực tế cho thấy khi hiện thực cuộc sống chưa thỏa mãn được những nhu cầu của con người, họ tất yếu sẽ nảy sinh ước muốn về một thế giới khác tốt đẹp hơn. Từ trần gian con người hướng lên trời, lên cõi tiên để gửi gắm ước vọng của mình. Nhân vật Từ Thức trong Sự tích động Từ Thức sở dĩ quyết tâm ra đi là vì cuộc sống chốn quan trường với những bon chen, đố kỵ không

phù hợp với tính cách phóng khoáng của chàng. Hơn nữa ở đó thiếu vắng bóng dáng của người đẹp mà chàng thầm thương nhớ. Chính vì vậy bước chân vào động tiên đối với Từ Thức là bước vào một cuộc sống mới hoàn toàn khác với cảnh sống trần gian ngày trước. Cuộc sống đó êm đềm, thơm mát tựa như một giấc mơ. Nhân vật Tú Uyên trong truyện kể cùng tên đã cùng Giáng Kiều bay về trời để hưởng trọn niềm hạnh phúc và sự bất tử. Còn chàng Ngưu khao khát được lên trời bởi ả Chức - vợ chàng vốn là một nàng tiên. Mặc dù rất mực thương chồng con nhưng nàng không thể ở mãi dưới trần gian. Như vậy lên tiên là để con người có điều kiện gỡ bỏ những vướng bận và lấp đầy những gì còn thiếu khi sống ở trần gian. Với ý nghĩa đó môtíp lên tiên là môtíp thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của truyện cổ tích.

Cũng xuất hiện ở phần kết của câu chuyện nhưng trong Sự tích đầm Nhất Dạ và

bãi Tự Nhiên, môtíp bay về trời lại mang một ý nghĩa khác. Truyện kể rằng: “Khoảng canh ba, bỗng có tên quân vào báo tin rằng cầu phao bên địch đã bắc xong và hiện nay họ đang nấu ăn. Hai vợ chồng ngồi dậy cùng hướng mặt lên trời. Thế là một trận bão vụt nổi lên, mỗi lúc một dữ dội. Đồng thời đất chuyển động ầm ầm. Gió xoáy một cách kinh khủng đến nỗi có thể bốc tất cả mọi cái trên mặt đất ném đi nơi khác. Sáng hôm sau nhân dân quanh vùng cũng như quân đội vua Hùng đều thấy một sự lạ chưa từng có. Bão đã tạnh từ lâu, nhưng thành quách của công chúa, kể cả cung điện, nhà cửa, quân gia, súc vật, đồ dùng đều bay đâu mất cả không còn sót một tý gì. Giữa đó là một cái đầm rộng mênh mông, đầy nước trắng xóa. Duy chỉ có cái nền cung của hai vợ chồng công chúa thì vẫn còn. Người ta gọi cái đầm ấy là đầm Một – đêm (Nhất Dạ) và cái nền ấy là bãi Tự - nhiên. Về sau trên cái nền ấy, người ta có lập miếu thờ hai vợ chồng Chử Đồng Tử” [5, tr. 258]. Giả sử không có sự xuất hiện của môtíp bay về trời thì diễn biến tiếp theo của câu chuyện có thể sẽ là cuộc đối đầu giữa một bên là quân đội của vua Hùng với một bên là quân đội của vợ chồng công chúa Tiên Dung. Nếu cuộc chiến này xảy ra thì đây là điều hết sức đáng buồn bởi những người đứng đầu quân đội của hai bên vốn là những người có quan hệ máu thịt. Cho nên để tránh một

cuộc chiến không nên có, đưa nhân vật ra khỏi tình huống khó xử đồng thời cũng là cách để nâng vẻ đẹp của nhân vật lên một tầm cao mới tác giả dân gian đã để Chử Đồng Tử và Tiên Dung cùng tất cả thành quách, cung điện bay về trời chỉ trong một đêm. Đến đây người đọc có thể nhận ra được tình cảm yêu mến mà nhân dân ta dành cho vợ chồng Chử Đồng Tử. Với nhân dân ta, Chử Đồng Tử và Tiên Dung không chết, họ bay về trời đồng nghĩa với việc họ đã trở thành bất tử. Họ là những vị thánh trong tâm thức của người Việt.

Môtíp lên tiên (bay về trời) ở mỗi truyện mang những giá trị nội dung khác nhau nhưng về cơ bản đều thể hiện dấu ấn của Đạo giáo. Được lên tiên như Từ Thức, Tú Uyên hay trở thành bất tử như Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì xét theo quan niệm của Đạo giáo điều đó có nghĩa họ đã đạt đạo và được trở về với cái gốc tự nhiên. Và khi đó lẽ tất nhiên là con người sẽ được trường tồn cùng vũ trụ. Đấy chính là cái đích cao nhất mà Đạo giáo hằng tìm kiếm. Có thể nói từ lúc con người ý thức được sự ngắn ngủi của cuộc đời mình so với sự vĩnh cửu của vũ trụ thì ước mơ về sự bất tử dường như chưa bao giờ dừng lại. Cho nên những tư tưởng của Đạo giáo có lẽ cũng không lấy gì làm xa lạ. Những tín đồ của Đạo giáo bằng triết thuyết của mình đã góp một phần nhỏ giúp con người có thêm niềm tin trong hành trình ước mơ tìm kiếm sự trường tồn.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với một số truyện cổ tích của người Việt (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)