Môtíp phép thuật, bùa chú

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với một số truyện cổ tích của người Việt (Trang 40)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3.2.Môtíp phép thuật, bùa chú

Như đã nói Đạo giáo Trung Quốc truyền vào Việt Nam bao gồm cả Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Đạo giáo phù thủy do có sự tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của nhân dân ta nên nhanh chóng phát triển. Niềm tin vào những phép thuật, bùa chú không chỉ tồn tại trong tâm thức của nhân dân ta mà còn đi vào cả trong sáng tác văn học dân gian trở thành một môtíp của truyện cổ tích.

Đọc truyện Âm dương giao chiến ta được chứng kiến những cuộc chiến đấu quyết liệt với sức mạnh của phép thuật. Quận công họ Điền – người được vua cử đi đốc suất dân phu hàn lại đoạn đê bị vỡ ở xã Thọ Triền vốn là một nhà bác học uyên thâm lại thông thạo phép phù thủy. Vì thẳng thắn vạch tội Thủy thần – kẻ cai trị ở khúc đê

này nên Quân công đã phải đối mặt với cơn tức giận của hắn. Thế nhưng Quận công

không hề lo sợ “liền giở phép phù thủy: ngồi trong thuyền chỉ gươm, đánh quyết, niệm

chú, vẽ bùa rồi ra lệnh cho lính tráng của mình bắn tên lao thương vào địch” [5, tr. 537 – 538]. Để đáp lại, Thủy thần sai các giống cá lớn húc vào chỗ đê mới đắp. Riêng Thủy thần hóa thành con cá chép lớn vũng vẫy làm nước đánh vào chỗ hàn đê rất dữ. Cho nên cứ mỗi lần đê hàn xong thì Thủy thần lại ngấm ngầm phá hủy. Quận công sau đó còn bị Thuỷ thần ám hại làm cho lâm bệnh nặng và chết. Vì quyết tâm báo thù nên sau khi chết Quận công vẫn tiếp tục giao chiến với Thủy thần nhiều trận kịch liệt.

Nằm trong hệ thống truyện có sử dụng môtíp phép thuật đáng chú ý còn có

truyện Sự tích công chúa Liễu Hạnh. Vốn xuất thân là con gái Ngọc Hoàng nên Liễu

Hạnh không chỉ có sắc đẹp kiều diễm mà còn có những phép thuật cao siêu. Khi xuống trần, nàng đã nhiều lần ra tay trừng trị bọn hủ nho quen thói chòng ghẹo nữ nhi. Ngay

đến hoàng tử con vua – “một chàng trai tầm thường, không có bản lĩnh nhưng lại kiêu

căng, dật lạc” [5, tr. 1044] cũng bị nàng dạy cho một bài học. Không những thế Liễu Hạnh còn dùng mọi phép thuật cao cường của mình để đối phó với cả đội quân của

triều đình. Cuộc chiến đấu được miêu tả vô cùng dữ dội. “Mới đầu tám vị Kim Cang

làm một trận bão lớn, mưa dồn gió giật khủng khiếp, cây đổ khắp lượt, nước tràn vào vây lấy đèo Ngang. Liễu Hạnh cũng hoá phép chống lại. Nàng làm cho cây rừng đã đổ lại đứng dậy cùng với đất đá bay rào rào vào kẻ thù. Thấy Liễu Hạnh phép thuật cao cường, tám vị Kim Cang lại hoá phép thành thú dữ tập hợp nhe nanh múa vuốt xông vào hang đàn toan xé cắn, nhưng Liễu Hạnh đã kịp thời bay lên không trung, rồi dùng phép tiêu diệt hết bầy mãnh thú” [5, tr. 1047]. Đèo Ngang bỗng chốc trở thành một bãi chiến trường rùng rợn. Hai bên đã giở mọi phép thuật nhưng vẫn chưa phân thắng bại. Đây quả là một cuộc chiến đặc biệt bởi cả hai bên đều có những khả năng cao siêu tới mức có thể điều khiển được cả tự nhiên. Về sau tám vị Kim Cang buộc phải lên trời cầu khẩn Phật bà mới đưa được Liễu Hạnh về kinh. Rõ ràng trong truyện kể này môtíp phép thuật được sử dụng một cách dày đặc. Điều này phù hợp với nguồn gốc thần tiên

của các nhân vật đồng thời mang đến sự hấp dẫn, li kỳ cho cả cốt truyện. Qua truyện kể này, với hình tượng nhân vật công chúa Liễu Hạnh, tác giả dân gian đã gửi gắm niềm tin và sự cầu mong về một lẽ công bằng cho nhân dân. Đối với người Việt, Liễu Hạnh là vị thánh luôn làm phúc đức và bảo vệ cho dân. Trên khắp đất nước từ Bắc vào Nam, có rất nhiều đền, phủ thờ Liễu Hạnh như Phủ Giày ở Nam Định, Phủ Tây Hồ ở Hà Nội, đền thờ ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Bình. Bà được thờ trong các điện, phủ với tư cách là một trong bốn vị thánh bất tử và được suy tôn là Mẫu Thiên.

Như vậy sự kết hợp chặt chẽ giữa quan niệm của Đạo giáo phù thủy với tín ngưỡng ma thuật của dân gian là cơ sở để sáng tạo nên môtíp phép thuật, bùa chú. Niềm tin vào sức mạnh của những phép thuật và bùa chú khiến cho dân gian xưa luôn thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái với những con người có khả năng siêu việt. Sự xuất hiện của môtíp này trong các truyện kể dân gian cũng chính là một cách để những người tôn thờ Đạo giáo truyền bá và củng cố thêm những tư tưởng của tôn giáo này đến với đông đảo người dân.

Tiểu kết chương 1:

Cùng với Nho giáo và Phật giáo, Đạo giáo đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người Việt. Không chỉ ảnh hưởng đến quan niệm, tín ngưỡng hay lối tư duy mà Đạo giáo còn để lại dấu ấn sâu sắc đối với những sáng tác văn học dân gian của người Việt trong đó tiêu biểu là thể loại truyện cổ tích.

Màu sắc Đạo giáo trong một số truyện cổ tích của người Việt mà chúng tôi lựa chọn phân tích đã được chứng minh trên ba phương diện: thiết kế không gian – thời gian nghệ thuật, xây dựng nhân vật và sáng tạo các môtíp. Đây có thể xem là ba phương diện hết sức quan trọng đối với một tác phẩm thuộc thể loại tự sự. Được viết dưới sự ảnh hưởng của Đạo giáo nên mỗi phương diện này đều có thêm những nét đặc sắc, mới mẻ. Nhờ đó truyện cổ tích của người Việt trở nên giàu có hơn trong nghệ thuật sáng tạo. Và như một tất yếu, sự mới mẻ về nghệ thuật đã kéo theo sự phong phú về nội dung chủ đề cho những truyện cổ tích. Một nội dung chủ đề mới xoay quanh

quan niệm của Đạo giáo như giấc mộng tu tiên, đề cao những con người với những phép thuật kì diệu đã trở đi trở lại trong nhiều câu chuyện. Nó tạo nên một thế giới thần tiên với những điều mà người trần vốn chỉ nghĩ đến trong mơ và qua đó thể hiện ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp nơi con người trở thành bất tử và sở hữu những khả năng phi thường. Tất cả những điều đó đã khiến cho truyện cổ tích của người Việt không chỉ vô cùng hấp dẫn người đọc bằng vẻ đẹp kì ảo, hoang đường mà còn lắng đọng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Để đưa một tư tưởng của văn hóa nước ngoài vào sáng tác của dân tộc mình một cách nhuần nhuyễn như vậy không thể không kể đến chủ nhân của những truyện cổ tích này đó là những tác giả người Việt. Đó có thể là những người trí thức cũng có thể chỉ là những người dân lao động bình thường. Thế nhưng điểm gặp gỡ của họ là ở chỗ họ không chỉ bộc lộ sự uyên bác trong việc thấm nhuần những nội dung tư tưởng trong triết lý Đạo giáo mà còn hết sức tài năng khi chuyển tải những nội dung phức tạp đó thông qua những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Chính vì thế mà khi đọc các truyện kể này bên cạnh màu sắc Đạo giáo độc giả vẫn nhận ra những nét gần gũi và vẻ đẹp của tâm hồn Việt.

Chƣơng 2: ẢNH HƢỞNG CỦA TRUYỆN KỂ DÂN GIAN TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRUYỆN CỔ TÍCH CỦA NGƢỜI VIỆT

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với một số truyện cổ tích của người Việt (Trang 40)