8. Phương pháp nghiên cứu
1.3.3. Khái niệm người cha và vai trò của người cha trong gia đình
Tác giả Porot trong tài liệu “Trẻ em và các mối quan hệ trong gia đình” đã đề cập nhiều đến vai trò người cha trong sự phát triển của trẻ em. Ông cho rằng : “một gia đình đúng nghĩa phải có sự kết hợp gắn bó giữa tình yêu thương và uy quyền, sự ganh đua và sự đoàn kết. Tình thương yêu gắn với vai trò của người mẹ và uy quyền gắn liền với vai trò của người cha. Những mối quan hệ gia đình bình thường sẽ được sắp xếp xung quanh đứa trẻ”. Một gia đình hạnh phúc đòi hỏi sự cân bằng thường xuyên giữa tình yêu của người mẹ , uy quyền của người cha, sự đoàn kết, ganh đua giữa con cái. Đấy cũng là vai trò thể hiện mối quan hệ chặt chẽ trong gia đình xoay quanh đứa trẻ. Chính vì mối quan hệ chặt chẽ này mà trẻ sẽ phát triển nhân cách lệch lạc nếu một trong những mắt xích này bị cắt đứt.[10]
Theo D.Durlingham và A.Freud “Bắt đầu từ năm 2 tuổi tình cảm của cha dành cho con sát nhập vào đời sống tình cảm của nó, trở thành một
phần cần thiết của những lực phức tạp góp phần tạo nên tính tình và nhân cách đứa con”.[13,114]
Quan hệ cha con được Phân tâm học nghiên cứu từ lâu. Người mẹ gắn bó với con trai, xung khắc với con gái và người cha thì ngược lại. Đối với con trai, người cha là biểu hiện của sức mạnh, vừa là chỗ che chở, nâng đỡ, vừa là nơi phát sinh nỗi sợ hãi bị trừng phạt. Mặt khác, cả hai cha con đều có cùng một đối tượng cảm xúc là người mẹ. Vì vậy, đứa trẻ luôn muốn níu kéo cho mình phần lớn hơn, muốn mẹ yêu nhất nhà. Quan hệ cha-con vì thế có tính chất lưỡng phân, vừa sợ hãi, vừa kính phục, vừa ghen tức với cha. S.Freud gọi đó là mặc cảm Ơđip.
Trong lý thuyết về sự phát triển tính dục trẻ em ở giai đoạn Ơ đip (3- 5 tuổi), S.Freud cho rằng người cha có vai trò là bức rào chắn ngăn cản sự cuốn hút mạnh mẽ của con trai về phía người mẹ. Những can thiệp trực tiếp hay gián tiếp của ngươi cha đều hướng cho con trai mình một hình tượng đồng nhất hóa đủ giá trị để nó vượt qua mối xung đột nhất thời thù địch- cảm xúc tiến tới từ bỏ tình yêu vào bà mẹ để đồng nhất với người bố của mình. Khi đó trẻ hoàn toàn chấp nhận nam tính tượng trưng của người cha và sẽ phát triển nhân cách một cách lành mạnh, cụ thể hơn là phát triển “sức mạnh của tính cách” nam giới.
Khi nghiên cứu sự ảnh hưởng của người cha đến đứa trẻ trong sự hình thành nhân cách, người ta nhận thấy chính sự “dễ hấp thụ” và sự “tự ám thị” dẫn đến sự đồng nhất. Qua sự dễ hấp thụ các em tiếp nhận thái độ, tình cảm, cũng như ý tưởng của những người xung quanh sau đó chính nhân cách của các em sẽ được định hình. Các em không chỉ bắt chước về hành vi mà còn để ý đến thái độ, sự khéo léo cũng như tinh thần. Qua đó
các em cảm nhận, suy tư và thực hiện. Vì thế có rất nhiều trường hợp người ta chỉ thấy nhân cách người khác thể hiện qua các em chứ không phải nhân cách của chính các em. Nói một cách chính xác hơn thì chính nhân cách các em lồng trong nhân cách người khác. Không phải là các em tìm cách làm giống người khác mà chính đó là nhân cách của các em.
Các nhà Phân tâm học cho rằng quá trình của sự đồng nhất thường làm trỗi dậy những kỷ niệm xưa. Vì thế những sự đồng nhất đầu tiên thường rất sâu sắc và cùng đi vào tuổi trưởng thành. Nếu như các em bị nhiễm lối sống luộm thuộm của cha mẹ khi còn rất nhỏ, thì thói quen này sẽ đi cùng các em vào tuổi trưởng thành và các em cũng luộm thuộm như cha mẹ các em. Đó là sự đồng nhất xuất hiện từ thời thơ ấu.Vì thế những bậc làm cha làm mẹ với những thái độ, lời nói, cách sống, cách cư xử của mình đều có ảnh hưởng tới sự đồng nhất trong quá trình hình thành nhân cách của các em.
Những đặc tính chuyển từ người cha sang con cái được xem như một sự thừa kế. Thông thường những đặc tính của người cha chuyển cho con gái, còn những cá tính của người mẹ lại chuyển sang con trai. Các nhà chuyên môn cho đây là sự đồng nhất hơn là sự kế thừa. Đôi khi các em không chỉ kế thừa những cá tính riêng biệt mà toàn bộ nhân cách với tất cả những cá tính. Sự đồng nhất thường diễn ra với những người mà các em yêu quí, đặc biệt là người cha. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Ví như khi các em tự đồng nhất mình với người cha không đáng ca ngợi hoặc các em muốn trở thành người cha mà các em ca ngợi nhưng những em này lại không đủ năng lực để thực hiện mong muốn của mình. Từ đó có thể dẫn đến sự thất vọng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các em khi còn nhỏ cũng như về lâu
dài. Sự đồng nhất có thể được xây dựng trên nỗi sợ hãi. Ví như người cha ép buộc con mình phải vâng lời bằng sự đe dọa hay sự trừng phạt và bằng mọi cách ép các em phải đồng nhất với mình, trở thành như mình. Cách đồng nhất này không những không có hiệu quả mà còn làm cho sự đồng nhất bị tê liệt. Điều đó có nguy cơ dẫn đến những khủng hoảng về xung lực.
Nhiều nhà nghiên cứu sau này cũng đề cập đến vai trò của người cha như một nhân vật có đủ sức mạnh để trẻ khuất phục, bắt chước, noi theo một cách vô thức.
Đối với con gái, người cha là đối tượng của sự gắn bó, với đứa con trai, là đối tượng của sự đồng nhất hóa. Người cha phải có đủ uy tín từ những gì thực sự mà ông ta có mới có thể hướng cho con trai mình vượt qua những khủng hoảng nhất thời (thù địch, ghen tức), tiến tới chấp nhận nam tính ở người cha. Nếu người cha không mang những giá trị về nhân cách , sự thành đạt về nghề nghiệp, sức mạnh uy quyền… thì đứa trẻ buộc phải đi tìm nhân vật lý tưởng khác để đồng nhất với nhân vật đó.
Trong tâm lý học hiện đại, người cha có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của đứa con như: cảm xúc, tình cảm, ngôn ngữ, nhận thức…Sự tương tác sớm giữa cha và đứa con có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của trẻ đặc biệt là trẻ em nam. Nhân cách của người cha ngoài việc được công nhận bởi người mẹ , hay những người xung quanh còn phải do khả năng chiếm giữ vị trí đối với những đứa con của mình, thông qua hoạt động trực tiếp trong quan hệ hàng ngày với đứa trẻ.
Như vậy người cha cùng với nhân cách của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.