8. Phương pháp nghiên cứu
1.3.1. Khái niệm nhận thức
a. Định nghĩa
- Cùng với tình cảm và hành vi, nhận thức là một trong ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người. Hơn thế nữa, nhận thức còn là nền tảng của tình cảm và hành vi. Nhận thức là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Hoạt động nhận thức của con người có nhiều mức độ khác nhau: nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.
V.I. Lênin đã tổng kết quy luật của hoạt động nhận thức nói chung như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan” Như vậy, thực tiễn chính là cội nguồn của nhận thức. Trong hoạt động thực tiễnn con người tiếp xúc với sự vật trong thế giới hiện thực khách quan, hiện thực khách quan được phản ánh vào trong đầu của con người hình thành nên nhận thức. Mọi
nhận thức đều bắt nguồn từ thực tiễn. Thực tiễn là động lực của nhận thức (thực tiễn không ngừng nêu ra vấn đề mới, không ngừng tích luỹ khái niệm mới, không ngừng cung cấp công cụ). Trong thực tiễn tư duy của con người cũng được rèn luyện và nâng cao, không ngừng phát triển và thực tiễn là cơ sở đánh giá nhận thức đúng hay sai, có phản ánh đúng thực tế hay không.[18]
Còn trong Từ điển tâm lý học do Nguyễn Khắc Viện chủ biên lại định nghĩa “Nhận thức là quá trình hoặc kết quả phản ánh và tái hiện hiện thực vào trong tư duy, nhận biết và hiểu biết thế giới khách quan”.[19]
Dưới góc độ Tâm lý học, nhận thức cũng là một quá trình, quá trình này thường gắn với một mục đích nhất định nên nhận thức của con người là một hoạt động. Đặc trưng nổi bật nhất của hoạt động nhận thức là phản ánh hiện thực khách quan. Hoạt động này này gồm nhiều quá trình khác nhau, thể hiện mức độ phản ánh hiện thực khách quan khác nhau (cảm giác, tri giác, tư duy tưởng tượng) và mang lại những sản phẩm khác nhau (hình ảnh, hình tượng, biểu tượng, khái niệm) quá trình này có thể hiểu là quá trình tiếp cận tiến đến gần chân lý nhưng không bao giờ ngừng ở một trình độ nào vì không bao giờ nắm bắt được hết tất cả hiện thực. Quá trình này diễn ra liên tục và không bao giờ ngừng vì hiện thực khách quan luôn vận động và phát triển.
Nhận thức là một quá trình tâm lý phản ánh bản thân sự vật hiện tượng với tất cả các thuộc tính bản chất và không bản chất và các quy luật chi phối chúng. Nó còn xem xét hiện tại quá khứ, phán đoán tương lai. Trong quá trình nhận thức con người không chỉ nắm vững kiến thức mà còn hoàn thiện suy nghĩ, phát triển nhân cách của bản thân.
Nhìn chung, có rất nhiều quan niệm khác nhau về nhận thức của con người. Điểm chung của các quan điểm đó là khả năng phản ánh thuộc tính và các mối quan hệ bản chất của hiện thực khách quan thông qua hiện thực của con người. Qua những phân tích ở trên, chúng tôi có quan điểm về nhận thức như sau:: “Nhận thực là một quá trình tâm lý phản ánh sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Quá trình này bao gồm nhiều mức độ khác nhau, thể hiện sự hiểu biết của con người về sự vật, hiện tượng, làm cơ sở cho việc định hướng điều khiển và điểu chỉnh thái độ hành vi của họ”.
b. Các mức độ nhận thức
Căn cứ vào tính chất phản ánh, các nhà tâm lý học chia toàn bộ hoạt động nhận thức thành nhiều mức độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ, từ nhận thực cảm tính đến lý tính.
- Nhận thức cảm tính là mức độ thấp nhất, sơ đẳng nhất trong hoạt động nhận thức của con người. Đặc điểm của nhận thức cảm tính là phản ánh những đặc điểm bề ngoài, không bản chất, cụ thể về sự vật hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác quan của chúng ta. Nhận thức cảm tính bao gồm 2 giai đoạn: Cảm giác và tri giác, cảm giác chỉ phản ánh từ thuộc tính riêng lẻ của sự vật hiện tượng. Đây là mức độ phản ánh tâm lý thấp, là mức độ định hướng đầu tiên, sơ đẳng nhất. Tri giác là mức độ cao hơn của nhận thức cảm tính nó phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bên ngoài của sự vật hiện tượng trong hiện thức khách quan khi nó đang trực tiếp tác động.
Cảm giác và tri giác có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sản phẩm của hoạt động nhận thức cảm tính là những hình ảnh cụ thể trực quan về thế giới xung quanh, cung cấp nguyên liệu cho các hoạt động tâm lý cao hơn.
- Nhận thức lý tính là quá trình phản ánh những thuộc tính bên trong, những mối liên hệ bản chất của sự vật hiện tượng. Nhận thức lý tính bao gồm 2 quá trình tư duy và tưởng tượng. Tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Tưởng tượng là quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhận bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở những biểu tượng đã có. Nhận thức lý tính chỉ nảy sinh khi xuất hiện hoàn cảnh có vấn đề. Nghĩa là khi gặp những tình huống mà con người chưa gặp bao giờ, những tình huống mà vốn với những hiểu biết cũ, những phương pháp hành động cũ con người không thể giải quyết được. Để nhận thức con người cần phải vượt ra khỏi phạm vi hiểu biết cũ và đi tìm cái mới, đạt mục đích mới.