Trong vấn đề an ninh – chính trị

Một phần của tài liệu Vấn đề di cư trong quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh (Trang 71)

- Bất kỳ chính sách chung nào cho vấn đề tị nạn phải tôn trọng tuyệt đối các điều khoản của Công ước Geneva và nghĩa vụ của các nước thành viên của các điều ước quốc tế.

3.2.2.Trong vấn đề an ninh – chính trị

Bên cạnh những tác động tiêu cực về kinh tế, những hạn chế của hoạt động di cư quốc tế về an ninh – chính trị cũng tồn tại như một thách thức không nhỏ cho cả người di cư, nước nhập cư và nước di cư. Đó có thể là vấn đề an ninh con người, an ninh quốc gia hay tranh cãi và xung đột quốc tế.

Những tác động trong vấn đề an ninh con ngƣời

Vấn đề an ninh cá nhân đối với người di cư quốc tế được xem xét trong các lĩnh vực là di cư bất hợp pháp, xung đột quốc tế và những tác động của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Thứ nhất, sự an toàn của người di cư (bất hợp pháp) không được đảm bảo. Ngày nay, trong khi số lượng người di cư trái phép tăng lên nhanh chóng, khả năng thiết lập những cộng đồng người di cư cùng những thành công của họ, đặc biệt là trong thị trường lao động ở những nước nhập cư cũng được cho là nhân tố thúc đẩy hiện tượng di cư bất hợp pháp.

Mạng lưới di cư bất hợp pháp được nhiều người lựa chọn khi những kênh nhập cư hợp pháp đang ngày thắt chặt. Bên cạnh việc phải di chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau mà không có giấy tờ hợp lệ, bị nhồi nhét trong những phương tiện di chuyển cũ nát và thiếu an toàn. Những cuộc hành trình như thế này có thể kéo dài đến vài năm. Sử dụng những “dịch vụ” này, người di cư có thể bị bỏ rơi trên hành trình mà họ đã phải trả tiền mà không thể đến được “miền đất hứa”bị chết chìm dưới biển, chết ngạt trong các container, bị hãm hiếp hoặc bóc lột ở những nơi “quá cảnh”. Một số rất lớn, không rõ là bao nhiêu người, chết hàng năm khi cố gắng di chuyển qua biên giới quốc gia mà các chính quyền không thể kiểm soát được.

“Ước tính ngày nay có khoảng 50 triệu người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài một cách tạm bợ”.[18, tr. 7] Hầu hết người di cư bất hợp pháp không có trình độ học vấn hoặc chuyên môn đáng kể. Tội phạm buôn người và đưa người di cư trái phép thường liên tục bóc lột người di cư. Nạn nhân không thể được tự do quyết định những hoạt động mà họ tham gia. Họ thường bị ép làm những công việc với mức lương rẻ mạt và trong điều kiện lao động không an toàn. Người nhập cư trái phép thường không sẵn sàng tìm kiếm sự liên hệ với chính quyền địa phương do lo ngại bị bắt và phải hồi hương. Kết quả là, người di cư không dám sử dụng những dịch vụ mà đáng ra họ có thể được hưởng, ví dụ như chăm sóc y tế. Ở hầu hết các nước, người nhập cư trái phép không được phép sử dụng những dịch vụ như công dân và những người nhập cư hợp pháp. Một số nước như Mỹ hay Thái Lan chấp nhận những lao động nhập cư trái phép, cho phép họ làm công việc nào đó nhưng phải đóng thuế như người dân địa phương, dù vậy những người lao động không phép này vẫn không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản và chịu khả năng trục xuất cao.[18, tr. 7] Trong trường hợp này, những tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo và các thể chế xã hội dân sự khác sẽ phải cung cấp những hộ trợ cho người nhập cư. Hơn nữa, sống không có sự quản lý của chính quyền khiến người nhập cư có thể bị bóc lột bởi chủ lao động và không có gì đảm bảo cho những người di cư bất hợp pháp một tương lai ổn định với những công việc “trong mơ”. Cũng vì tình trạng bất hợp pháp mà người nhập cư thường không thể phát huy tài năng và kinh nghiệm ngay cả khi họ đã đến miền đất hứa.

Phụ nữ đóng góp một số lượng không nhỏ vào hiện tượng di cư bất hợp pháp. Do phụ nữ thường phải đối mặt với tình trạng phân biệt giới, trong đó có cả việc hạn chế cơ hội di cư hợp pháp nên người phụ nữ khi chấp nhận thực hiện hoạt động di cư trái phép đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với nguy cơ phải làm những công việc gây tổn hại to lớn tới vấn đề sức khoẻ và nhân phẩm. Trong khi những sự quan tâm về tình trạng buôn bán phụ nữ ngày càng tăng thì cũng cần phải để ý rằng đàn ông và trẻ em cũng bị ảnh hưởng. Những đứa trẻ bị tách ra khỏi cha mẹ và bị buôn bán là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, thậm chí là có nguy cơ trở thành những người không quốc tịch.

Thứ hai, người di cư có thể bị lợi dụng để nước nhập cư đe doạ nước di cư nếu nước nhập cư dùng người di cư làm con tin trong những tranh chấp hoặc xung đột. Dù đây không phải là một tác động tiêu cực điển hình nhưng thực tế chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất đã chứng kiến cảnh người lao động nhập cư bị sử dụng như những con tin và con bài để mặc cả. Khi chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra, chính quyền Iraq đã đưa ra hàng loạt các chính sách trong đó người nhập cư bị sử dụng như những công cụ cho mục đích chính trị. Đầu tiên, những người phương Tây sinh sống ở Iraq khi đó bị ép buộc chở thành lá chắn chống lại những cuộc tấn công vũ trang của Mỹ và đồng minh phương Tây. Sau đó, chính quyền Iraq phân loại những người nhập cư từ các nước châu Á, lấy người nhập cư làm con bài mặc cả thể hiện qua hành động đối xử với công dân những nước không gửi quân đến (như Ấn Độ) tốt hơn so với những công dân của các nước tham chiến (như Pakistan). Nhưng chính quyền Iraq sau đó tuyên bố rằng sẽ không cung cấp lương thực thuốc men cho người nhập cư trừ khi đất nước họ gửi hàng viện trợ đến, nhờ đó có thể hạn chế lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.[51, pg. 29] Trong quá khứ, di cư đã được coi là cách thoát khỏi những khó khăn. Chiến tranh Vùng Vịnh cho thấy điều ngược lại: người di cư hoàn toàn có thể gặp nguy hiểm và các nước đã nhận thức rõ hơn sự nguy hiểm tiềm tàng cho công dân trong các cuộc xung đột quốc tế.

Thứ ba, người nhập cư có thể trở thành nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Khi người nhập cư đến cùng với tình trạng thất nghiệp, họ có thể trở thành đối thủ cạnh tranh công việc với người lao động nghèo bản xứ. Đa số người nhập cư còn mang đến những nét giá trị văn hóa khác biệt dẫn đến tình trạng xung đột và đụng độ giá trị văn hoá – tôn giáo. Trên thực tế, ở rất nhiều nơi, người bản xứ không chấp nhận sự hòa nhập của người nước ngoài vào xã hội chung. Chính vì vậy, người nhập cư còn phải chịu tâm lý bài ngoại, kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử của người bản xứ. Hiện nay, dân nhập cư (qua nhiều thế hệ) đã bắt đầu khiến người ta phải chú ý đến tiếng nói của họ nhằm đòi hỏi một số quyền lợi tại nơi mà họ đã coi là tổ quốc của mình, ví dụ như quyền bỏ phiếu, quyền mua nhà hay cư trú vĩnh viễn. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải sự phản kháng, thậm chí là thù địch từ một bộ phận không nhỏ người dân bản xứ với tâm lý lo ngại đất nước mình sẽ tràn

ngập bởi người nhập cư, coi người nhập cư là mối đe dọa đối với sự thuần nhất của xã hội và có lẽ, quan trọng hơn là phúc lợi xã hội sẽ bị chia sẻ cho những người “không cùng dòng máu”. Người bản xứ còn có thể làm tất cả để cho những người nhập cư không thể trụ được lâu dài, hoặc nếu họ có thể vượt qua được thì lại không thể có những quyền lợi của một người công dân đúng nghĩa.

Không chỉ trong tâm lý người dân, các chính phủ đôi lúc cũng thực thi những chính sách thể hiện sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa người bản xứ và nhập cư. Ngay ở những nước Vùng Vịnh vốn phụ thuộc nhiều vào người lao động nhập cư, những người này góp công đáng kể vào việc làm năng động hóa các nền kinh tế vùng Vịnh, điều đó là sự thật hiển nhiên được thừa nhận nhưng người ta vẫn làm tất cả để người nhập cư không thể ở đó lâu dài, tình trạng này phần nào phản ánh sự kỳ thị và thái độ bài ngoại của người Trung Đông dành cho người lao động ngoại quốc.[13, tr. 26-27] Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị hay kinh tế, các thành viên cộng đồng nhập cư có thể nhanh chóng bị coi là những “vật hy sinh”. Chẳng hạn, năm 1998, người Hoa ở In-đô-nê-xi-a đã bị đập phá tài sản, bị cướp bóc, bị chém giết khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tài phá nặng nề nền kinh tế đất nước này. Các nhà cầm quyền địa phương thường có xu hướng không bảo vệ họ, hay chỉ làm việc qua loa, nhất là cộng đồng thưa thớt. “Trong thời kỳ tình hình kinh tế xã hội khó khăn sau thống nhất, những người theo Chủ nghĩa phát xít mới ở Đức đã tụ tập biểu tình tại Berlin, tấn công người nước ngoài, buộc chính phủ Đức phải thắt chặt hơn nữa những quy định về nhập cư. Mặc dù sau đó đã có nhiều cuộc biểu tình lên án và chống lại Chủ nghĩa phát–xít mới nhưng chủ nghĩa này không bao giờ bị tiêu diệt”[30, pg. 486]. Ở châu Âu ngày nay, chủ nghĩa cực hữu lại trỗi dậy ở những nước như Pháp, Áo, Hà Lan, Đức, Liên bang Nga.... Năm 1999, Áo đã cảnh báo các nước châu Âu với việc đưa thủ lĩnh cực hữu Jorge Haider vào chính phủ. Cựu Chủ tịch Thượng viện Ý Marcello Paro – một tín đồ Thiên chúa giáo – từng phàn nàn về một châu Âu đầy “người ngoại lai”. Đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng dành những ngôn từ như “tiện dân”, “cặn bã” để chỉ người nhập cư khi tình trạng bạo loạn do người nhập cư vào Pháp lên đến cao trào cuối năm 2005. Cùng với sự trỗi dậy của bọn

“đầu trọc”, những hoạt động tấn công, giết người nhằm vào những người nhập cư đang trở thành một thứ virus lan rất nhanh trên toàn châu Âu. Nhiều đảng phái chính trị trong EU thực chất là các thế lực tiếp tay cho chủ nghĩa phát xít mới. Đó là Ủy ban Những người bạn châu Âu (SEDADE) ở Tây Ban Nha, đảng Dân tộc phương Bắc (Nordistca Ricpartiet) ở Thụy Điển, Hiệp hội cánh hữu mới (NAC) ở Áo... và những tổ chức phát xít mới ấy phát triển giới thành viên “ưu tú” chủ yếu dựa vào bọn đầu trọc. Nhiều phe nhóm thân phát xít khác thậm chí còn có chân trong cả các cơ quan lập pháp như đảng Mặt trận Dân tộc (NF) ở Pháp. Vài năm trở lại đây, ngay trong Nghị viện châu Âu, phe cực hữu đang nỗ lực tập hợp lực lựợng. Năm 2008, lãnh đạo cực hữu từ bốn quốc gia thành viên EU là Áo, Bỉ, Pháp và Bulgaria đã bắt tay vào việc thành lập một đảng chung.

Như vậy, di cư không chỉ mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống cá nhân mà mặt trái của hiện tượng này là di cư trái phép, nạn buôn người với những quyền cơ bản của người di cư không được đảm bảo. Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy ở nhiều nơi, phong trào bài ngoại nổi lên như một thế lực đáng gờm và liều lĩnh có khả năng đe dọa người nhập cư. Rõ ràng, an ninh con người là một thách thức đáng kể mà những người di cư quốc tế phải đối mặt.

Trong vấn đề an ninh quốc gia – xã hội

Sau những vụ tấn công khủng bố và hoạt động tội phạm xảy ra hàng loạt với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng trong hơn 15 năm qua, nhiều người đã tỏ ra lo ngại với sự liên hệ giữa người di cư với vấn đề an ninh. Đối với những khu vực có nhiều người nhập cư, sự liên hệ giữa người nhập cư với các vấn đề về an ninh và xã hội lại càng được chú ý.

Đầu tiên, nhiều người lo ngại rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế có thể lợi dụng quá trình di cư và người nhập cư để thực hiện những vụ tấn công. Chính vì những lo ngại về an ninh mà nhiều học giả đã nghiên cứu hiện tượng di cư và người nhập cư như một phần của nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Sự kiện khiến mọi người thực sự quan tâm đến mối liên hệ giữa di cư và an ninh là vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm thương mại thế giới New York ngày 11/09/2001. Quyết định của chính quyền

Hoa Kỳ về việc tái cơ cấu lĩnh vực quản lý nhập cư và việc thành lập Bộ An ninh nội địa đã cho thấy phần nào mối liên hệ giữa di chuyển quốc tế và khủng bố.[22, pg. 3] Tuy nhiên, sự di chuyển quốc tế không đồng nhất với hoạt động di cư quốc tế nên di cư không thực sự tác động tiêu cực tới vấn đề an ninh vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu tập trung vào sự khác biệt giữa hành động di cư và di chuyển quốc tế. Nếu chúng ta đơn giản chỉ nhìn vào những con số thì có thể thấy rằng những người di cư chỉ là một phần rất nhỏ trong số những người đã di chuyển qua biên giới quốc tế hàng năm nên tỉ lệ người di cư bị lợi dụng cho hoạt động khủng bố là không lớn. Người nhập cư thuộc thế hệ thứ hai đặc biệt dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao trong việc tham gia vào các hoạt động khủng bố. Khi cả thế giới đã chứng kiến những hành động của các tổ chức khủng bố bản xứ (như tổ chức ETA ở Tây Ban Nha) thì những dạng mới của chủ nghĩa khủng bố gắn với ý thức tôn giáo và người nhập cư đã xuất hiện. Trong những vụ tấn công khủng bố nhân danh Hồi giáo ở Madrid (2004) và London (2005), bản lý lịch của các thủ phạm chỉ ra rằng họ đều là người nhập cư thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, sinh sống một cách hợp pháp, không hề bị cách ly về kinh tế, thậm chí còn được thụ hưởng nền giáo dục bản xứ nhưng vẫn sẵn sang đánh bom liều chết ở xã hội đã nuôi nấng mình. Chính vì vậy, người bản địa có lý do để lo ngại và những người nhập cư vẫn bị coi là dạng khủng bố tiềm năng khi họ có xu hướng không hoà nhập hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Thứ hai, nhiều chính phủ vẫn luôn lo ngại rằng, những người nhập cư bất hợp pháp và thậm chí cả những người nhập cư hợp pháp có thể sẵn sàng tham gia vào những hoạt động phạm pháp, đe dọa an ninh, tạo ra những xung đột trong xã hội. Những sự lo ngại về những mối đe doạ đó có thể đôi khi bị cường điệu hoá nhưng sự phát triển của tội phạm quốc tế đã tác động phần nào tới người bản xứ, các chính phủ và chính sách nhập cư. Người di cư tìm đến những xã hội phát triển để tìm kiếm cơ hội đổi đời nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Khi đói khổ, người nhập cư có thể tham gia vào những hoạt động tội phạm, buôn bán và sử dụng vũ khí trái phép, liên kết với các lực lượng đối lập chống lại các chính sách của chính phủ, tham gia buôn bán ma tuý, tiếp nhận người nhập cư trái phép, trở thành gánh nặng kinh tế cho nước chủ nhà… Khi bị xã hội lãng quên, người nhập cư có thể đi vào

con đường bạo lực mà Hồi giáo cực đoan và tội phạm đã mở ra trước mắt họ. Mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu chựng lại hoặc đi xuống, vấn đề thất nghiệp lại thường bị người bản xứ gán ghép với sự hiện diện của quá nhiều người nhập cư. Ngược lại, kinh tế bất ổn, chính phủ không tạo ra được đủ công ăn việc làm khiến người nhập cư phải chịu thiệt thòi và có cảm giác bị gạt ra ngoài lề đời sống kinh tế – xã hội.

Một phần của tài liệu Vấn đề di cư trong quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh (Trang 71)