Những khó khăn thách thức chủ yếu

Một phần của tài liệu Hợp tác khu vực ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI và những đóng góp của Việt Nam (Trang 84)

28 Nguyễn Hoàng: 40 năm hợp tác, liên kết ASEAN và đóng góp của Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, 8 2007.

2.3.1.2. Những khó khăn thách thức chủ yếu

- Khó khăn khách quan

Thứ nhất: Khó khăn do sự bất ổn của tình hình thế giới và khu vực trong quá trình toàn cầu hoá

Tình hình thế giới và khu vực Đông Nam Á hiện nay tiếp tục cho thấy, mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển là một xu thế lớn, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn đứng trước nhiều thách thức khó đoán định cả về chính trị, an ninh cũng như về kinh tế.

Các cuộc xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố… còn diễn ra ở nhiều nơi.

Toàn cầu hoá tạo ra cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, mà ASEAN lại là tổ chức của các nước đang phát triển.

Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do tồn tại nhiều nhân tố rủi ro, nhất là biến động về giá dầu lửa, tài chính, tiền tệ. Cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ vào năm 2008 sau đó lan rộng ra toàn thế giới đến cuối 2009 đã có dấu hiệu chững lại nhưng sự phục hồi sẽ còn chậm chạp. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhiều hình thức tinh vi ở các nước phát triển vẫn gia tăng, tạo sức ép lớn trong quan hệ kinh tế – thương mại của tuyệt đại đa số các nước đang phát triển.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, những nhân tố gây mất ổn định vẫn hiện hữu không kém phần gay gắt, như: tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực, về biên giới, lãnh thổ, biển

đảo, tài nguyên giữa các nước cùng với những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội ở một số nước. Có nhiều nhân tố an ninh phi truyền thống mà các nước phải tính đến trong việc thực thi chính sách mở cửa, hội nhập với bên ngoài.

Thứ hai: Quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra phức tạp ở khu vực làm nảy sinh những khó khăn, thách thức mới.

Sự gia tăng hiện diện, cạnh tranh quyền lực và lợi ích của các nước lớn ở Đông Nam Á cũng có thể dẫn tới những nguy cơ gây mất ổn định với khu vực. Việc Mỹ trở lại khu vực với mức độ cao hơn hiện nay, nhất là về quân sự sẽ gây nên sự căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, tác động tiêu cực tới quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Trong nội bộ ASEAN vì thế rất có thể dẫn tới một sự phân cực do một số đồng minh của Mỹ như Thái Lan, Philippin tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chính trị – an ninh, kinh tế với Mỹ. Những hoạt động như vậy sẽ khiến cho những nước thành viên ASEAN khác phải tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với một cường quốc khác, do đó cục diện tập hợp lực lượng trở nên rất phức, không thuận chiều đối với những cố gắng tăng cường hợp tác, liên kết của ASEAN. Sự gắn kết trong ASEAN và vị trí của hiệp hội trên quốc tế sẽ gặp nhiều thách thức.

Trong những thập niên tới, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Đây là những đối thủ lớn cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với ASEAN ở châu Á - Thái Bình Dương cho dù 2 nước này cũng là những đối tác chủ chốt của ASEAN. Nếu các nước ASEAN không tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định cũng như khả năng cạnh tranh mạnh, thì đương nhiên sẽ gặp thách thức không nhỏ, bị lu mờ trước sức phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ trong quan hệ với các đối tác bên ngoài.

Hiện nay, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ hợp tác với các nước phát triển, do đó ASEAN hoàn toàn phải tính đến cả khả năng họ có thể hy sinh lợi ích của các nước láng giềng, trong đó có ASEAN, cho lợi ích của Trung Quốc

trong quan hệ với các nước lớn khác. Mặt khác, trong quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc coi trọng quan hệ với các nước láng giềng có trình độ phát triển cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN-6. Sự ưu tiên này rõ ràng không có lợi đối với hợp tác, liên kết nội bộ ASEAN.

Thứ ba: Quá trình liên kết kinh tế Đông Á được đẩy nhanh sẽ là thách thức không nhỏ đối với hợp tác, liên kết của ASEAN.

Một thực tế rõ ràng là Đông Á bao gồm những cường quốc kinh tế, có thực lực và điều kiện phát triển hơn ASEAN trên nhiều phương diện. Vì thế, nếu quá trình liên kết kinh tế Đông Á càng được đẩy mạnh, càng tiến nhanh đến một cấu trúc phát triển thì vai trò thúc đẩy và vị thế độc lập của ASEAN cũng giảm đi tương ứng do ảnh hưởng chi phối tăng lên của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi đó, thế mặc cả của ASEAN giảm xuống và khả năng duy trì "một bó đũa" để tăng sức cạnh tranh của ASEAN, cải thiện nhanh chóng tiềm lực phát triển của các quốc gia thành viên trở nên mờ nhạt hơn. Sự hoà tan ASEAN vào cơ cấu Đông Á sẽ gây ra cho ASEAN những thiệt hại khó lường trước do từng thành viên riêng lẻ của nó phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn từ các nền kinh tế lớn ở Đông Á.

- Khó khăn mang tính chủ quan:

Một là: Nội tình một số nước ASEAN còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp có khả năng gây bất ổn định chính trị, chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên còn lớn.

Một trong những thách thức lớn đối với hợp tác, liên kết ASEAN hiện nay và những năm tới xuất phát từ chính bản thân sự phát triển của các nước trong hiệp hội. Nội tình một số nước ASEAN còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp đang và sẽ còn tiếp tục gây nên tình trạng bất ổn định về chính trị ở các nước đó. Đời sống khổ cực khiến cho những người lao động ở Inđônêxia, Philippin tràn vào Malaixia, Singapo để kiếm việc làm. Phong trào li khai ở Mianma, Thái Lan, Philippin không chỉ gây nên sự bất ổn định trong các nước

đó mà còn làm ảnh hưởng tới quan hệ của họ với các nước láng giềng. Trong bối cảnh như vậy, những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nguồn tài nguyên thiên nhiên, những tàn dư của chủ nghĩa dân tộc sôvanh của một số thế lực ở một vài nước ASEAN, làm cho mối quan hệ giữa các nước đó trở nên rất phức tạp và tạo ra những thách thức đối với an ninh khu vực. Khoảng cách phát triển về nhiều mặt giữa các nước ASEAN, nhất là giữa nhóm ASEAN-6, với nhóm ASEAN-4 cũng là một khó khăn, cản trở quá trình hợp tác, liên kết ASEAN.

Hai là: Tốc độ và hiệu quả hợp tác liên kết nội khối còn hạn chế.

Tính hiệu quả của hợp tác, liên kết ASEAN cũng bị hạn chế do mức độ thể chế hoá còn thấp và sự lỏng lẻo của nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước thành viên. Sự đa dạng lợi ích của các nước tham gia ARF khiến nó khó có thể đi đến một thoả thuận thực chất đối với các vấn đề nhạy cảm về an ninh khu vực. Trong lĩnh vực kinh tế, nguyên tắc "10-X" đã từng bước được thực hiện, nhưng nguyên tắc "2+X" cho đến nay chưa được các nước ASEAN chấp nhận vì nó phá vỡ nguyên tắc đồng thuận – một nguyên tắc nền tảng của ASEAN. Theo các nguyên tắc này, các nước thành viên sẽ phải từ bỏ một số quyền phủ quyết trong một số vấn đề, phải nhân nhượng lợi ích phát triển của khu vực, phải đặt lợi ích khu vực cao hơn lợi ích riêng của quốc gia, điều này nhìn chung chưa trở thành một thông lệ dễ đạt tới sự thống nhất trong ASEAN cũng như ở Đông Á.

Với mức độ hợp tác liên kết ASEAN diễn ra còn chậm như hiện nay, thì sự đa dạng về chế độ chính trị, hệ tư tưởng của các nước thành viên sẽ không gây nên sự cản trở đáng kể nào đối với liên kết ASEAN trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, tiến trình liên kết khu vực càng đi xa hơn, càng đi vào chiều sâu hơn, thì sự khác biệt về chính trị chính trị, ý thức hệ cũng sẽ là một rào cản thật sự. Bởi vì, do chế độ chính trị, hệ tư tưởng và con đường phát triển khác nhau, nên các nước ASEAN không dễ dàng có được nhận thức chung

đối với không ít vấn đề chính trị, an ninh có tính nhạy cảm cao, cho dù họ thừa nhận mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa an ninh quốc gia và an ninh khu vực trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Diễn tiến chậm của liên kết ASEAN cũng ảnh hưởng lớn đối với việc ASEAN có thể tiếp tục đóng vai trò là một động lực thúc đẩy liên kết Đông Á. Vai trò đó của ASEAN có thể bị đánh mất, nếu ASEAN không đẩy nhanh tốc độ liên kết nội bộ trong các cơ chế thích hợp, hiệu quả và chặt chẽ để củng cố sức mạnh toàn hiệp hội trước khi một viễn cảnh EAEC trở thành hiện thực, bởi cộng đồng này có thể sẽ có cơ chế liên kết mạnh mẽ hơn do có sự hiện diện của các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nói một cách khác, những ưu thế của ASEAN khi đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy có ảnh hưởng mang tính chi phối tiến trình liên kết Đông Á chỉ hiện hữu trong thời gian không dài trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá, do đó nếu ASEAN không kịp thời điều chỉnh nhịp độ liên kết theo hướng tăng tốc thì rất có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng cường vai trò của mình đối với liên kết Đông Á.

Như vậy là, trong những năm tới hợp tác, liên kết của ASEAN tuy có những thuận lợi cơ bản cả về khách quan lẫn chủ quan, cho phép đẩy mạnh hơn nữa và đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhưng mặt dnếu, ASEAN cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức không nhỏ cũng do khách quan và chủ quan đem lại làm hạn chế, thậm chí còn mang cả nội dung đổ vỡ, hoà tan tiến trình hội nhập, liên kết.

Một phần của tài liệu Hợp tác khu vực ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI và những đóng góp của Việt Nam (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)