Một số thuận lợ

Một phần của tài liệu Hợp tác khu vực ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI và những đóng góp của Việt Nam (Trang 79)

28 Nguyễn Hoàng: 40 năm hợp tác, liên kết ASEAN và đóng góp của Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, 8 2007.

2.3.1.1.Một số thuận lợ

- Những thuận lợi khách quan:

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình khu vực và thế giới đang diễn ra những thay đổi to lớn và nhanh chóng tạo ra những thuận lợi mang tính khách quan đối với hợp tác của ASEAN trong những năm tới. Một số thuận lợi chính có thể nêu ra là:

- Thứ nhất: Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là một xu thế lớn, một cơ hội thuận lợi mà ASEAN có thể tận dụng để tiếp tục củng cố môi trường hoà bình cho tiến trình hợp tác, liên kết trên các lĩnh vực.

Mặc dù trên thế giới và ở Đông Nam Á cuộc đấu tranh giữa hai xu thế "đơn cực" và "đa cực", "đơn phương" và "đa phương" vẫn tiếp tục tiếp diễn;

xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai chưa có chiều hướng giảm, thậm chí còn tiếp tục gây mất ổn định ở nơi này, nơi khác, nhưng do sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích trong bối cảnh toàn cầu hoá, hơn nữa các nước lớn cũng không muốn và không có khả năng tập hợp nhau để đối đầu với Mỹ, nên các cuộc xung đột, chiến tranh quy mô lớn vẫn ít có khả năng xảy ra, phong trào chống chiến tranh bảo vệ hoà bình, độc lập của nhân dân thế giới và nhân dân Đông Nam Á sẽ vẫn tiếp tục phát triển. Đây chính là điều kiện thuận lợi mà các nước ASEAN có thể tận dụng để tiếp tục củng cố môi trường hoà bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong những năm tiếp theo.

Thứ hai: Quan hệ giữa các nước lớn vẫn tiếp tục đan xen giữa hai xu thế đấu tranh và hợp tác, thoả hiệp, nhưng cơ bản ổn định trong khuôn khổ hiện nay. Lợi ích dân tộc vẫn là động lực và cơ sở để các nước lớn dàn xếp và xử lý quan hệ với nhau trong hoà bình. Điều này đem lại thuận lợi cho các nước ASEAN trong việc tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực.

Trong bối cảnh chung hiện nay, sự điều chỉnh chính sách của các nước, đặc biệt là các nước lớn sẽ diễn ra nhanh và linh hoạt.

Mỹ tiếp tục theo đuổi mục tiêu duy trì vị trí siêu cường và chi phối tình hình quốc tế. Việc gia tăng sự hiện diện và can dự của Mỹ tại khu vực này sẽ tạo ra sự cân bằng về chiến lược và quyền lực giữa các nước lớn, tránh sự thao túng khu vực từ một nước lớn nào đó. Việc Mỹ mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại với ASEAN cũng như với từng nước thành viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nước ASEAN khai thác nguồn lực bên ngoài phục vụ sự phát triển của từng nước nói riêng, của toàn Hiệp hội nói chung. Việc Mỹ ký công nhận TAC (tháng 7/2009) buộc nước này phải điều chỉnh thái độ của họ trong quan hệ, hợp tác với ASEAN, đồng thời hạn chế những hoạt động tiêu cực của họ trong khu vực.

Trung Quốc – nước láng giềng "khổng lồ" của vùng Đông Nam Á có lợi ích chung trùng với lợi ích của các nước ASEAN là đều cần hoà bình ổn định để hợp tác và phát triển. Về kinh tế, Trung Quốc đã đẩy mạnh quan hệ kinh tế – thương mại với ASEANký Thoả thuận với ASEAN về thành lập khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA) có hiệu lực từ 1-1-2010. Về an ninh, Trung Quốc đã ký Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); ký TAC…

Nhật Bản tiếp tục cải cách kinh tế, nỗ lực điều chỉnh quan hệ với Đông Nam Á và các khu vực khác nhằm nâng cao vị thế cả về chính trị lẫn an ninh. Nước này đã đang và sẽ tiếp tục tác động quan trọng theo chiều thuận đối với quá trình hợp tác liên kết ASEAN mà nền tảng là sự hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN ngày càng gia tăng.

Liên bang Nga, mặc dù đang tập trung ổn định tình hình trong nước, phát triển kinh tế, thực hiện chính sách đối ngoại thực dụng, trên nhiều hướng để phát triển, nhưng vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, an ninh chung của ASEAN như ARF, TAC và SEANFWZ cũng như các hoạt động kinh tế mậu dịch khác. Sự có mặt về chính trị và kinh tế của Nga sẽ giúp ASEAN tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng ảnh hưởng và quyền lợi giữa các nước lớn ở Đông Nam Á tạo môi trường hoà bình ổn định thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực.

Ấn Độ đang tiếp tục cải cách và phát triển kinh tế, triển khai mạnh mẽ chính sách "hướng Đông" gắn chặt hơn với Đông Á và Đông Nam Á, quan tâm mạnh đến việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN.

Sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn đối với Đông Nam Á đã và sẽ tiếp tục tác động đến sự cân bằng chiến lược giữa các nước này, nhất là cân bằng Mỹ – Trung ở môi trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, các cường quốc này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp ở trong nước và do những lợi ích mà họ đang thu được từ việc phát triển quan hệ hoà bình và hợp tác với các

nước Đông Nam Á , nên chưa có khả năng các nước này sẽ tiến hành các hoạt động tạo nên mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh khu vực trong những năm sắp tới. Đây là thuận lợi lớn cho các nước ASEAN trong thúc đẩy hợp tác và liên kết.

Thứ ba: Ưu tiên phát triển kinh tế vẫn là xu hướng chung và là sự lựa chọn của các nước trên thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á .

Quá trình toàn cầu hoá và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ tiếp tục là hai nét đặc trưng của kinh tế thế giới thời gian tới. Tự do hoá thương mại, xu thế đàm phán và ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Do vậy, hợp tác, liên kết giữa các quốc gia, khu vực vì mục tiêu phát triển kinh tế vẫn là xu hướng nổi bật trên thế giới hiện nay và là thuận lợi căn bản cho hợp tác của các nước ASEAN tiếp tục phát triển.

Thứ tư: Trong những năm tới, sự phát triển của liên kết kinh tế Đông Á có thể sẽ thúc đẩy mạnh hơn hợp tác liên kết ASEAN.

Bước sang thế kỷ XXI, xu hướng hình thành khối liên kết Đông Á đang ngày càng bộc lộ rõ nét với sự xuất hiện của mô hình hợp tác ASEAN + 3 và ASEAN + 1, với việc tổ chức các EAS năm 2005, 2007, 2008. Xu hướng này cũng đang đẩy tới triển vọng của một cấu trúc thể chế liên kết chặt chẽ có thể sẽ hình thành EAEC như nhiều nước đề xuất. Sự gia tăng các nỗ lực hợp tác giữa các nước Đông Nam Á có ảnh hưởng rất lớn đối với triển vọng hợp tác, liên kết ASEAN, vì ASEAN không chỉ là một bộ phận hợp thành hữu cơ quan trọng của Đông Á, mà từ nhiều năm nay ASEAN được coi là có vai trò nòng cốt, khởi xướng nhiều sáng kiến cho hợp tác Đông Á. Hơn nữa, xu hướng hình thành một cấu trúc hợp tác ở Đông Á cũng đòi hỏi ASEAN phải đẩy nhanh tốc độ hợp tác liên kết trong Hiệp hội, nếu ASEAN không muốn để cho các cấu trúc hợp tác, liên kết vốn có và muốn có của mình bị hoà tan, thậm

chí biến mất do sự xuất hiện một cấu trúc lớn hơn và mạnh hơn ở Đông Á trong tương lai.

- Những thuận lợi mang tính chủ quan:

Một là: Những thành tựu mà các nước ASEAN tạo lập được trong hợp tác, liên kết khu vực nhiều năm qua là thuận lợi rất cơ bản đối với triển vọng hợp tác, liên kết của ASEAN.

Với quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột ASC, AEC và ASCC vào năm 2015, ASEAN sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng đối với hoà hình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Tầm nhìn chung và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên cùng với những quyết sách và lộ trình đúng đắn là những thuận lợi căn bản cho hội nhập, hợp tác của ASEAN trong thời gian tới. Hiến chương ASEAN đi vào thực tiễn đưa đến sự đổi mới đáng kể về bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động của Hiệp hội, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác ASEAN. Trong những năm tới, thách thức đối với an ninh khu vực nảy sinh từ quan hệ song phương giữa các nước ASEAN về cơ bản không phải là những thách thức an ninh truyền thống. Hiện nay, tuy còn những nghi kỵ về nhau, nhưng không một nước ASEAN nào coi bất kỳ một nước thành viên nào trong Hiệp hội là mối đe doạ đối với an ninh của mình. Điều này rất quan trọng, bởi vì nó đang tạo cơ hội cho ASEAN đẩy mạnh hợp tác nội bộ trên mọi lĩnh vực.

Hai là: Các nước ASEAN đều có nhận thức khá thống nhất về một nền an ninh toàn diện đều có lợi ích và nhu cầu về an ninh chung do đó đều tôn trọng các nguyên tắc chung về vấn đề này.

An ninh quốc gia trong giai đoạn hiện nay không chỉ bao gồm các yếu tố về quân sự mà còn là các yếu tố về kinh tế, tư tưởng, văn hoá, xã hội, trong đó yếu tố kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng. An ninh quốc gia được đặt trong mối quan hệ tương tác hữu cơ, tuỳ thuộc lẫn nhau với an ninh khu vực, do vậy an ninh toàn diện của cả khu vực không chỉ là trách nhiệm, mà còn là

lợi ích an ninh quốc gia của mỗi nước thành viên ASEAN. Theo đuổi mục tiêu an ninh toàn diện sẽ tạo cơ hội cho cơ nước ASEAN hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống mà họ đang phải đối diện.

Một phần của tài liệu Hợp tác khu vực ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI và những đóng góp của Việt Nam (Trang 79)