Tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Nội dung và giá trị của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh (Trang 69)

B. NỘI DUNG

2.1.3.Tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh

Như chúng ta đã biết, tôn giáo là vấn đề hết sức nhạy cảm, trong khi kẻ địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Qua những bức thư thăm hỏi nhân các ngày lễ, Người luôn nhắc nhở đồng bào tôn giáo nhớ về bổn phận của một tín đồ đối với tín ngưỡng của mình và nghĩa vụ của công dân đối với tổ quốc: chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của Đức chúa “phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống lại kẻ hung ác” [58, tr.137]. Tuy vậy, vẫn có một số đồng bào nghe theo lời tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch đã tạo thành cuộc di cư lớn của đồng bào công giáo từ miền Bắc và miền Nam. Về vấn đề này, Người thay mặt Chính phủ nêu rõ chính sách của chính quyền cách mạng: “Tôi xin nhắc lại cho đồng bào rõ: Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do. Đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, Chính phủ đã ra lịnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về” [59, tr.417]. Qua đó thấy rằng, Chủ tịch Hồ

Chí Minh xem xét tôn giáo từ góc độ giá trị và sinh hoạt tôn giáo mang ý nghĩa hướng thiện.

Với quan niệm mọi người Việt Nam đều là con cháu Lạc Hồng, Hồ Chí Minh chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, không phân biệt có đạo hay không có đạo. Từ tấm lòng khoan dung rộng lớn, tin vào tính hướng thiện của con người mà Hồ Chí Minh đã thấu hiểu nguyện vọng của giáo dân cũng như đồng bào khác đều muốn có cuộc sống hoà bình, yên ổn làm ăn để xây dựng gia đình, quê hương và đất nước, đó là khi “phần xác được no ấm thì phần hồn cũng được yên vui” [60, tr.285]. Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Noel năm 1947, Hồ Chí Minh viết “chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc độc lập, tôn giáo được tự do” [57, tr.333].

Hồ Chí Minh thấu suốt nhận thức về sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo, khẳng định lẽ sống cao đẹp, những giá trị đạo đức – nhân văn của các vị sáng lập, không hề phủ định, bác bỏ và khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Về Đức Phật, Người viết: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma” [57, tr.197]. Về chúa Giêsu, Người viết: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh đã ra đời. Cả cuộc đời Người chỉ lo cứu thế, độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng”. Cuối bức thư chúc mừng lễ giáng sinh, Người đã viết: “Thượng đế và Tổ quốc muôn năm” [56, tr.490]. Mùa hè năm 1946 tại Pari, Người đã tiếp một nhóm linh mục công giáo đến thăm trong đó có linh mục Cao Văn Luận, một người công giáo xác tín, chống cộng. Sau này ông ta đã thuật lại trong hồi ký của mình lời Hồ Chí Minh trong buổi gặp: “Mục đích của Chính phủ ta là đeo đuổi chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Để đạt hạnh phúc đó, mọi người cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu đức Giêsu sinh vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước nỗi đau của người đồng thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm cứu khổ loài người” [80, tr.79]. Tại cuộc họp mặt đại biểu các tôn giáo, đảng phái tại Chùa Bà Đá mừng chính phủ liên hiệp lâm thời vừa mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô tin ở Đức Chúa Trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng

ta tin tưởng. Nhưng đối với nhân dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” [56, tr.148]. Nói về khoan dung tôn giáo Hồ Chí Minh, chính J. Saiteny thừa nhận “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi, hoặc chế giễu bất kỳ tôn giáo nào” [trích theo 83, tr.156]

Tư tưởng khoan dung về tôn giáo của Người không thể hiện qua những bài diễn văn hùng hồn, trong những chuyên khảo tự biên, hàn lâm, mà đi vào lòng người bằng lời nói và hành động thiết thực, qua đó toát lên chính sách đại đoàn kết và tấm lòng nhân đạo, truyền tải được ý nghĩ thầm kín của các tầng lớp nhân dân. Hơn thế nữa, tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh gắn với chủ nghĩa yêu nước, lấy chủ nghĩa yêu nước làm cơ sở xác định tính chất của khoan dung. Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30/ 08/ 1947 có đoạn: “từ ngày nước ta trở nên dân chủ cộng hoà, hiến pháp tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật…Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu,… làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ.” [57, tr.197]. Cũng trong thư gửi đồng bào Côn giáo nhân dịp lễ Noel 1947 Hồ Chí Minh viết: “gần 2000 năm về trước, Đức chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái. Thế mà thực dân phản động Pháp tàn sát đồng bào ta, phá phách nhà thờ chung, khinh rẻ tôn giáo. Chúng làm trái lòng Chúa… Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do” [57, tr.333].

Rõ ràng, tôn trọng quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng, niềm tin của con người, như văn bản của UNESCO sau này chỉ rõ là một trong những nguyên tắc căn bản trong tư tưởng khoan dung tôn giáo Hồ Chí Minh. Vấn đề là ở chỗ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem xét nội dung học thuyết tôn giáo từ góc độ giá trị, và sinh hoạt tôn giáo mang ý nghĩa hướng thiện. Từ đó Người đặt các giá trị ấy vào hệ thống các giá trị cần được học tập. Vào những năm 1960, cách tiếp cận giá trị đã được Người cô đọng lại, để đối lập với các “giá trị” mà quân xâm lược đem đến cho dân tộc ta thông qua những phương tiện giết người tàn bạo. Người viết: “Chúa

Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” Và mỉa mai: “… còn đế quốc Mỹ thì: đạo đức là giết người” [58, tr.225].

Tôn trọng niềm tin, tôn trọng tự do, tín ngưỡng của nhân dân, Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan điểm hết sức đúng đắn “Tổ quốc được giải phóng, tôn giáo mới được tự do” [58, tr.342]. Ngay từ năm 1941, Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Mười chính sách của Việt Minh: “Hội hè, tín ngưỡng, báo chương, họp hành, đi lại, có quyền tự do” [55, tr.205]. Có lẽ đối với Hồ Chí Minh, một người mácxít đã không những khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, còn biểu hiện rõ lập trường cộng sản đối với tôn giáo, vạch trần sự vu khống của kẻ thù rằng tôn giáo và cộng sản đối lập như nước với lửa; cộng sản và tôn giáo không thể cùng chung sống hoà bình được.

Ở Hồ Chí Minh khoan dung đối với tôn giáo được thể chế hoá trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 và khẳng định đây là quyền cơ bản của nhân dân. Ở chương II: Quyền lợi và nghĩa vị có mục B (quyền lợi) khẳng định mọi công dân Việt Nam có các quyền trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Như vậy, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã khẳng định về mặt pháp lý, đó là cam kết của cách mạng đối với nhân dân, thể hiện tư tưởng nhất quán: Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, chống lại sự xuyên tạc, vu khống của kẻ thù: Cộng sản là cấm đạo?

Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tôn giáo còn được thể hiện trong việc kiên quyết đấu tranh chống lại những kẻ làm vẩn đục “cái thiêng” trong tôn giáo. Hồ Chí Minh đã nhận thấy được những tiêu cực trong tôn giáo đó là khi tôn giáo đi liền với chính trị, khi tôn giáo bị kẻ phản động lợi dụng. Những bài viết của Hồ Chí Minh đã phê phán gay gắt Giáo hội và các tổ chức tôn giáo theo vết chân xâm lược vào đất nước ta không chỉ truyền đạo mà còn biến tôn giáo thành công cụ của thực dân để tham gia bóc lột ngay cả tín đồ của mình. Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ ràng bản chất của tôn giáo với tổ chức hay cá nhân lợi dụng tôn giáo. Với lời lẽ dứt khoát, với số liệu cụ thể để cho các chức sắc phải suy ngẫm, các tín đồ phải nhận ra, quyết quyét sạch những hành vi làm vẩn đục trong tôn giáo. Đúng như lời nhận xét của Linh mục Trần Tam Tỉnh “Các lời lẽ

của cụ phê phán Giáo hội không bao giờ chạm tới khía cạnh đức tin, nhưng chỉ nằm ở phạm vi các vấn đề cơ chế và chính trị” [80, tr.76].

Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh tự do tôn giáo không phải là tự do vô kỷ luật, phá hoại mọi thành quả của cách mạng của nhân dân, mà tự do tôn giáo phải nhằm mục đích đoàn kết, nhất trí toàn dân để giành lại giang sơn đất nước. Trong thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ ngày 2-3-1947, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn trình bày quan điểm của mình, Người nói: “Trong một nước văn minh, có tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, nhưng không được vu khống kẻ khác. Tự do tuyên truyền không phải là tự do vô lễ” [80, tr.73]. Cũng trong buổi lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam năm 1951, Hồ Chí Minh nói rõ “Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền

tự do tín ngưỡng của mọi người” [62, tr.606]. Trong Sắc lệnh về vấn đề tôn giáo

năm 1955 một lần nữa Người khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Sắc lệnh quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của côn dân theo tôn giáo. Điều 1 (thuộc chương I) ghi “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo (như nhà thờ, chùa, thành thất, trường giáo lý” [ 94, tr.304]

Phân biệt giữa tổ chức tôn giáo chân chính với tổ chức và cá nhân giả danh tôn giáo đi ngược lại “lòng đại từ đại bi của Đức Phật” cũng là cách thức bày tỏ nguyên tắc dứt khoát: không thể có sự khoan dung “nói chung”, sự khoan dung không đồng nghĩa với nhượng bộ, mà phải đấu tranh, để bản thân tư tưởng này không bị xuyên tạc, hoen ố của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều lần Hồ Chí Minh đã nêu ra như một sự chỉ dẫn rằng Cách mạng mà dân tộc ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chính là con đường hiện thực khôi phục lại các giá trị thiêng liêng. Sẽ không ngạc nhiên nếu đọc những dòng Nguyễn Ái Quốc viết sau đây về việc các thế lực thực dân, các tu sĩ đội lốt đã núp bóng Chúa để chống lại con người như thế nào: “… các sử giả của Chúa… hệt như bọn gian phi rình lúc mọi người đang hoảng hốt để nhảy vào hôi của sau khi nhà cháy… Chúa đầy lòng nhân ái và toàn năng. Là Đấng sáng thế tối cao, Người đã nặn ra một chủng tộc gọi là thượng đẳng để đạt lên lưng một chủng tộc gọi là hạ đẳng cũng do Người nặn

ra” [54, tr.101-103]. Đó là những dòng đầy chua chát trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925). Hơn hai mươi năm sau, dân tộc Việt Nam giành được độc lập, các giá trị nhân văn, khai sáng được khôi phục và phổ biến trong điều kiện mới. Nhà nước dân chủ nhân dân, tiến hành đoàn kết toàn dân, không phân biệt tín ngưỡng, hướng tới mục tiêu chung mà đồng bào theo Phật giáo, Công giáo đều là thành viên bình đẳng. Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, hầu như năm nào Hồ Chủ tịch cũng đều gửi thư cho đồng bào Công giáo và tăng ni Phật tử nhân những ngày lễ tôn giáo trọng đại.

Hồ Chí Minh không chỉ có thái độ tôn trọng giá trị của các tôn giáo, mà còn đề cập đến trách nhiệm của Nhà nước đối với tôn giáo, đồng thời xác định vị trí của tôn giáo của giáo dân, trong sự nghiệp chung của dân tộc, hướng sự kết hợp biện chứng đạo pháp – dân tộc, hướng đến mục tiêu “tốt đạo, đẹp đời”. Truyền thống khoan dung đã được hiện thực hoá một cách sinh động trong điều kiện lịch sử cụ thể, cho thấy nguồn mạch xuyên suốt của tính cách Việt Nam, minh chứng một sức mạnh tổng hợp mà không thế lực ngoại bang, phản động nào có thể phá hoại nổi. Rất tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra rằng lý tưởng của chúng ta, và vì thế chỉ khi nào sự nghiệp chính nghĩa của toàn dân tộc đạt được thắng lợi thì đồng bào lương cũng như giáo mới được sống bình yên, tự do bày tỏ niềm tin của mình. Chính sách đại đoàn kết tôn giáo không chỉ thực hiện trong thời kỳ khác chiến mà còn được thực hiện ngay cả trong thời kỳ hoà bình. Khi đã là chủ tịch của một nước độc lập có chủ quyền, Hồ Chí Minh vẫn luôn coi trọng vấn đề này. Hầu như năm nào cũng vậy, nhân những ngày lễ lớn của các tôn giáo, dù bận phải giải quyết nhiều công việc nhưng Người vẫn luôn viết thư thăm hỏi đồng bào các tôn giáo và động viên giáo dân vừa hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo của mình. Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, Người nêu ra chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân, khơi dậy, phát động tinh thần yêu nước và trách nhiệm của đồng bào với Tổ quốc. Sự quan tâm, sự nhất quán trong tư tưởng và những chính sách đúng đắn về đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh đã làm thất bại mọi âm mưu của kẻ địch muốn lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Khoan dung tôn giáo Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở sự bao dung, độ lượng mà còn phải kiên trì giải thích cho mọi người hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ. Điều này đúng như nhận xét của Phạm Văn Đồng “Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người đã dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy. Chúa Giêsu nói: gặp một người có lỗi mà hối cải thì trên trời vui mừng hơn gặp 99 vị tu hành. Cụ nói rằng người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn độc lập thống nhất, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa” [trích theo 92, tr.142].

Như vậy, tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể. Hồ Chủ tịch xem xét tôn giáo không chỉ từ bình diện chính trị - xã hội, mà còn từ bình diện giá trị đạo đức, nhân sinh - những hình thức sinh hoạt tinh thần này như phương thức cần thiết bộc lộ “nhân tính”, đồng thời xác định vị trí của nó trong lịch sử phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu Nội dung và giá trị của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh (Trang 69)