B. NỘI DUNG
1.2.2. Sự tiếp biến tư tưởng khoan dung Đôn g– Tây trên cơ sở tinh thần
thần dân tộc của Hồ Chí Minh
Phải khẳng định rằng, Hồ Chí Minh tạo nên văn hoá khoan dung của mình cốt lõi là từ truyền thống dân tộc, song lại trên cơ sở tiếp biến, dung hoà với những tinh tuý trong văn hoá Đông – Tây – Kim – Cổ. Trước hết, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng từ truyền thống khoan dung phương Đông, mà cụ thể là tinh thần khoan dung, tinh thần nhân văn của Nho giáo, Phật giáo. Vốn sinh ra trong gia đình nhà nho, Hồ Chí Minh là người am hiểu sâu sắc Khổng giáo và chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng khoan dung của Nho giáo. Người đã nhận thức được những mặt tích cực trong tư tưởng nhân nghĩa, yêu thương dân, làm cho dân yên bình, Kiêm ái, thế giới đại đồng của Nho giáo. Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc và tiếp nhận tư tưởng khoan dung, lòng nhân ái trong giáo lý Phật giáo.
Về mặt lịch sử, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, từ những năm đầu công nguyên. Trước khi Phật giáo vào Việt Nam thì người Việt đã có tín ngưỡng bản địa, thể hiện qua những tập tục như thờ phụng tổ tiên, lệ cúng bái thổ công, cầu khấn thành hoàng,…Tuy nhiên, những tín ngưỡng bản địa đó không thoả mãn nhu cầu phát triển nhận thức của con người. Càng phát triển,
con người Việt Nam càng muốn hiểu biết sự hình thành, muốn biết quan hệ nhân quả trong cuộc đời, Phật giáo với lý thuyết về “Tứ diệu đế”, cứu khổ, cứu nạn, từ bi hỷ xả,…đã đáp ứng phần nào yêu cầu đó, cho nên Phật giáo đã dần thay thế tín ngưỡng cổ truyền. “Người Việt tìm đến Phật giáo không phải vì triết lý cao siêu của tôn giáo này, mà là để bổ sung cho mình về phương diện nhân sinh quan, điều mà ở tín ngưỡng cổ truyền còn thiếu” [trích theo 10. tr.41]
Trên nền tảng truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc và tiếp biến mặt tinh hoa của đạo Phật về lòng nhân ái một mặt làm giàu thêm tư tưởng khoan dung ở Người, mặt khác mong muốn xây dựng một cuộc sống “thẫm mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, no ấm” [91, tr.39] cho mọi người, xoá bỏ nổi khổ của chúng sinh. Người nói “Đức Phật là đại từ, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh đấu tranh, diệt trừ lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ, đại bi của Đức Phật” [57, tr.197].
Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, Hồ Chí Minh đã kế thừa tinh thần khoan dung, tinh thần nhân văn của Nho giáo. Chính điều đó đã tạo cơ sở để Hồ Chí Minh tiếp nhận những giá trị nhân văn của văn hóa nhân loại. Với việc khẳng định, “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho An Nam… Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí biết chắc Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử” [53, tr.477] cho thấy, Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất lớn từ Nho giáo. Mà Nho giáo được biết đến ở Việt nam có những chuẩn mực đạo đức hết sức chặt chẽ, thậm chí là hà khắc, đã chi phối mọi mặt của đời sống xã hội. Song, Nho giáo khi du nhập vào Việt Nam đã có những đặc trưng khác, sắc thái khác hơn so với Nho giáo Trung Quốc. Chẳng hạn, Nho giáo tại Việt nam lấy mối quan hệ giữa nước với dân làm đầu thay cho mối quan hệ vua và tôi; dạy cho mọi người chủ nghĩa yêu nước được thừa hưởng từ truyền thống đã có từ thời dựng nước
Văn Lang; đưa chữ nghĩa lên hàng đầu và thêm vào đó chữ đại, đại nghĩa là cứu
nước,…Và chính Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận những chuẩn mực giá trị đạo đức của Nho giáo nhưng Người không bó hẹp suy nghĩ hay hành động cốt chỉ
nhằm tuân thủ những quy chuẩn đạo đức đó, bởi vì Người không nhằm hướng đến mẫu người lý tưởng của nhà Nho là “Thánh nhân”, mà hướng đến là người yêu nước chân chính. Mặt khác, chúng ta thấy rằng, Nho giáo cũng như các học thuyết khác đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định, cho nên cần có sự “lọc bỏ biện chứng” đối với các tư tưởng này, chỉ kế thừa những yếu tố tích cực, cải tạo nó cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, thiếu tiến bộ. Về điều này, Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó ta nên học” [58, tr.46] và cái điều hay của Nho gia theo Người là “Khổng Tử là người mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội” [58, tr.46].
Từ sự phân tích ở trên cho thấy, tinh hoa về lòng nhân ái của Nho gia và Phật giáo là những bộ phận quan trọng trong cơ sở hình thành tư tưởng khoan dung về đạo đức, văn hóa, tôn giáo Hồ Chí Minh. Nhưng cũng cần thầy rằng, nhờ có truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc, nhờ có trí tuệ uyên bác, thực tiễn phong phú và lý tưởng cao cả suốt đời vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của con người bị áp bức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc được tinh hoa của các tôn giáo trên một cách thành công. Sự tiếp thu đã diễn ra trong suốt cả một quá trình lâu dài từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành, hình thành nhân cách và sau này là quá trình bôn ba hoạt động cách mạng.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã chủ động tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa và tiếp nhận tư tưởng khoan dung phương Tây. Từ những năm học ở trường tiểu học Đông Ba, rồi học Trường Quốc học Huế, Hồ Chí Minh bước đầu được tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, đặc biệt là sách báo Pháp với khẩu hiệu: Tự do, bình đẳng, bác ái đã gợi mở cho Người một hướng đi mới. Rút kinh nghiệm từ những thất bại của các bậc tiền bối, Người đã nhận ra rằng: muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải tìm ra một con đường cách mạng mới, đây chính là lý do thúc giục Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Từ đây, Hồ Chí Minh mới có điều kiện tiếp xúc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, kết hợp với các giá trị truyền thống dân tộc để hình thành tư tưởng của mình.
Hồ Chí Minh đã bị dằn vặt bởi câu hỏi là tại sao người Pháp ở Việt Nam vốn là người nhân danh tự do – bình đẳng – bác ái để đi khai hoá lại đối xử mất nhân tính, thiếu khoan dung với đồng loại như thế? Và từ sự giằng xé ấy, Người nêu ý định muốn đi ra ngoài, xem nước pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Trong thời gian lưu lại
ở nước Mỹ, Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776), trong đó
đề cập đến “quyền bình đẳng”, “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của con người …Và từ thực tiễn của nước Mỹ, Người đã nhận ra nghịch lý: đằng sau những lời lẽ hoa mỹ về tự do, bình đẳng là sự bất bình đẳng và nghèo đói của hàng triệu người lao động. Sau đó, Người quay trở lại Paris (Pháp). Tại đây, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc và nghiên cứu các tác phẩm của các nhà tư tưởng nổi tiếng thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng như Voltaire, Rousseau, Montesquieu, tiếp thu ở đó tinh thần khoan dung về văn hóa, đạo đức, tôn giáo, những tư tưởng mới mẻ của Đại cách mạng Pháp về tự do, bình đẳng , bác ái; tư tưởng giải phóng con người khỏi thần quyền và sự thống trị của các
quan hệ phong kiến. Đặc biệt, là bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền
(1791) của nước Pháp. Nhờ tiếp xúc với người Pháp và nền văn hoá Pháp, Hồ Chí Minh đã bắt đầu nhận diện được những khác biệt, điều mà trước đây Người còn mơ hồ. Đây được xem là thời điểm quan trọng để Người tiếp nhận những giá trị tinh hoa trong tư tưởng khoan dung phương Tây và chúng ta dễ dàng nhận thấy dấu ấn tinh hoa tư tưởng khoan dung của văn hóa phương Tây được Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa thể hiện qua nhiều tác phẩm như: Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Người cùng khổ, Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946,…
Như vậy, tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh được bồi đắp, mở rộng sâu sắc thêm chính là nhờ biết đưa vào đó những nội dung mới trong quá trình tiếp thu tư tưởng khoan dung của văn hoá phương Tây. Tuy nhiên, Người không dừng lại ở khoan dung một cách trừu tượng mà Người tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Dưới ánh sáng của Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, cũng như tấm gương Cách mạng tháng
Mười Nga vĩ đại, Người đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam và cho tất cả các dân tộc thuộc địa. Người đã kết luận: muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Tiếp thu truyền thống khoan dung, nhân ái của dân tộc và những giá trị tinh hoa trong văn hoá nhân loại, đối với Hồ Chí Minh là một quá trình nhào nặn, tổng hợp nghiêm túc của một con người yêu nước sáng tạo vĩ đại. Nhưng chỉ khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin thì những tư tưởng, những quan điểm nói chung, tư tưởng khoan dung của Người nói riêng mới thực sự có bước chuyển về chất – tư tưởng khoan dung của một người cộng sản chân chính. Nhờ có tiền đề phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, giúp hoàn thiện tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh. Và, theo chúng tôi đây là cơ sở cốt lõi của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh. Người đã kế thừa tinh thần khoan dung nhân văn cộng sản để hình thành hệ thống tư tưởng của mình và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện của Việt Nam.
Khoan dung, nhân ái, đặc biệt là lòng yêu nước, tình thương yêu con người vô hạn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, thể hiện rất rõ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong tư tưởng của những thế hệ đi trước như Nguyễn Trái, Trần Quốc Tuấn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,…Tuy nhiên, đến Hồ Chí Minh, khoan dung, nhân ái, tình thương yêu con người mới có sự thay đổi về chất khi Người bắt gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo Người, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin mới là chủ nghĩa nhân đạo, tiên tiến và cách mạng nhất, nó thực sự phù hợp với xu thế vận động của thời đại. Đặc biệt, năm 1920, khi Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, thì tư tưởng khoan dung của Người thực sự đã gắn kết với chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Sau này,
trong Truyền đơn cổ động mua báo Người cùng khổ (Le Paria), Người đã giải
thích lý do đó, như sau: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau” [53, tr.
461]. Theo cách hiểu này của Người thì chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới thực sự toàn vẹn đạo nghĩa khoan dung thực sự, nghĩa là nó hướng đến việc giải phóng nhân loại, bảo vệ quyền lợi người lao động, xoá bỏ áp bức, bất công, hướng con người tới sự hoàn thiện bản thân và xây dựng “vương quốc tư do” cho con người. Như vậy, có thể khẳng định, việc tiếp thu các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin có vai trò quyết định hình thành bản chất tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh, tinh thần khoan dung được kết hợp với lý tưởng nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành tư tưởng khoan dung của Người. Qua đó có thể khẳng định: chủ nghĩa nhân văn cộng sản là cốt lõi làm nên sự nhảy vọt về chất của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh. Về vấn đề này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đây là bước ngoặt cơ bản trong quá trình tìm đường cứu nước và quá trình phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh: chủ nghĩa yêu nước đã gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giác ngộ dân tộc đã phát triển và kết hợp với giác ngộ giai cấp; cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng vô sản. Bước ngoặt đó đánh dấu sự định hình và khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc về tư tưởng của giai cấp vô sản - chủ nghĩa Mác - Lênin, mang bản chất cách mạng và khoa học triệt để” [20, tr. 50]. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn cộng sản, tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu là kết hợp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Tóm lại, tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh là sự tổng hợp của truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại, nâng nó lên một tầm cao mới. Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, Người đã kết hợp tư tưởng khoan dung mác xít với truyền thống khoan dung, nhân ái Việt Nam hình thành nên tư tương khoan dung Hồ Chí Minh. Tư tưởng khoan dung của Người đã nâng đến tầm độ cao của văn hóa khoan dung dân tộc. Ngược lại, chính tư tưởng khoan dung đã giúp Người tập hợp lực lượng, ngay cả việc tranh thủ sự ủng hộ của kẻ thù, tận dụng sức mạnh tinh thần vì sự nghiệp chung, mục tiêu chung. Từ tư tưởng khoan dung vận dụng vào thực tiễn giải phóng và xây dựng đất nước hiệu quả, Hồ Chí Minh đã đạt tới những đỉnh cao thắng lợi trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình.