Xung đột nội tâm

Một phần của tài liệu Xung đột kịch trong kịch của Nguyễn Đình Thi (Trang 37)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1.2Xung đột nội tâm

Trong sự vận động đa chiều của cuộc sống, xung đột kịch thường tồn tại ở sự đối lập của các cặp phạm trù: đẹp - xấu, thiện - ác, cao cả - thấp hèn, ngẫu nhiên - hữu ý, thuần khiết - pha tạp… Ở kịch Nguyễn Đình Thi, các cặp đối lập này cũng xuất hiện nhưng không đơn giản chỉ để phản ánh hiện thực cuộc sống đơn thuần trước mắt. Cái đích mà ngòi bút nhà văn hướng tới là con người, chủ nhân của cuộc sống và thời đại.

Những cặp phạm trù này ở kịch Nguyễn Đình Thi không tồn tại đơn tuyến, một chiều, không cố định hoá giá trị ở một phạm vi nhỏ hẹp là đạo đức, nhân cách hay chính trị, cách mạng… Chúng vận động linh hoạt, biến hoá linh hoạt để hướng tới khám phá đời sống nội tâm phong phú và bí ẩn ẩn sau những hành động thái độ của con người. Cảm quan của con người được hình thành từ thực tế cuộc sống và đến lượt nó lại quay trở lại tác động vào hiện thực, dù ý thức hay vô thức. Phải chăng Nguyễn Đình Thi đang sáng tác theo điều ông tâm niệm: “Những nghệ sĩ lớn đem tới cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn”.

Rừng trúc lấy bối cảnh thời kỳ khởi nghiệp nhà Trần. Tác giả đã đi sâu

vào những nỗi niềm thầm kín của mỗi nhân vật. Một Lý Chiêu Hoàng tâm sự ngổn ngang, vừa gánh nặng trách nhiệm với tiên vương nhà Lý, vừa nhận thức được vai trò lịch sử đã thuộc về nhà Trần, lại vương vấn chút tình riêng cùng Trần Cảnh. Một Trần Cảnh luôn tự mâu thuẫn với mình giữa sự khoan hoà của nhà hiền triết với sự quyết đoán của một bậc đế vương. Ông có nặng tình với Lý Chiêu Hoàng nhưng cũng dễ dàng chấp nhận Thuận Thiên. Ông

muốn lên Yên Tử để tìm về cái thanh tịnh của cõi Phật nhưng lại buộc phải trở về để củng cố vương quyền. Xây dựng nội tâm của những nhân vật trong

hoàng cung triều Trần ấy, Rừng trúc trở thành vở kịch tiêu biểu cho xây dựng

xung đột nội tâm trong kịch của Nguyễn Đình Thi.

Chọn bối cảnh ở thời điểm chuyển giao giữa hai thời đại Lý - Trần, khi bóng quân xâm lược Nguyên đã rập rình nơi biên ải chính là nút thắt gợi nhiều căng thẳng cho vở kịch. Bên cạnh đó, khát vọng vun đắp quyền lực cho dòng họ, vương triều đã làm tổn thương sâu sắc đến đạo lý luân thường cũng góp phần khiến mọi xung đột bị đẩy tới đỉnh điểm. Việc sắp đặt hôn nhân giữa em rể Trần Cảnh và người chị vợ Thuận Thiên là màn kịch chính trị động trời, là sự loạn luân không thể chấp nhận được. Thêm vào đó, cái thai ba tháng của Trần Liễu (anh trai Trần Cảnh) trong bụng của Thuận Thiên được sử dụng như một con bài nhằm dẹp yên mưu đồ lập hậu dòng họ khác cũng là một sự điếm nhục cho cả một vương triều. Trước hoàn cảnh gay go như vậy mọi nhân vật trong vở kịch đều bị đặt trước một biến cố lớn lao và kỳ quặc.

Trần Cảnh và Thuận Thiên đã thuận tình theo sự sắp xếp oái oăm của mẹ mà cũng là của thím bởi đằng sau màn kịch ấy là trọng trách với cả một dòng họ, một vương triều mới đặt nền móng, gốc rễ chưa lâu. Mọi hành động, suy nghĩ của các nhân vật đều không còn phụ thuộc vào sự lựa chọn mang tính bản ngã, cá nhân mà “tuân theo chiều hướng lịch sử đã được định đoạt, tuân theo guồng máy lịch sử đang vận hành, bất khả kháng (9). Đứng trước hoàn cảnh trớ trêu ấy, Chiêu Thánh hoàng hậu chỉ còn cảm giác hụt hẫng, đau đớn bởi sự thật quá ư tàn nhẫn. Nàng buộc phải đối đấu với tất cả: mẹ, chồng, chị… Tình mẹ con, chị em, vợ chồng, chú cháu… bị mang ra cân đong đo đếm trên bàn cân lịch sử. Kết cục thảm hại nghiêng về phía đạo lí, nghĩa tình.

Ở Rừng trúc, xung quanh cuộc bàn giao chính trị đẫm màu sắc bi kịch

giữa hai vương triều, qua những nhân vật chính yếu của hai thời đại Lý - Trần, Nguyễn Đình Thi đã nói được sâu sắc “lẽ phải lớn” của đất nước qua những ứng xử cao cả của những nhân cách lớn.

Khi đất nước bị đặt trong tình huống hiểm nguy thì sự lựa chọn của các nhân vật càng trở nên khó khăn, quyết liệt. Đặt những nhân vật lịch sử trên vào tình thế lịch sử quan trọng, Nguyễn Đình Thi đã nói được vấn đề trọng yếu của bất cứ quốc gia nào. Phan Trọng Thưởng đã rất đúng khi nhận xét:

“Rừng trúc là một bi kịch lịch sử… bi kịch về quyền lực chính trị của dòng

họ và vương triều trước sự chuyển biến của lịch sử, bi kịch về thân phận con người trước sự vận hành của quyền lực. Ở đây, quan hệ anh em, mẹ con, chú cháu trở nên đối đầu thù hận tưởng không cách gì giải quyết nổi. Xung đột kịch chồng chéo, ngang trái, éo le. Đặc biệt nỗi đau của Chiêu Thánh làm

người đọc, người xem nghẹn ngào, xót xa. Bên cạnh “nào mẹ, nào chồng, nào chị…” ấy vậy mà “là mẹ ta nhưng bà lại là vợ kẻ đã bắt cha ta phải chết. Thế thì ta là con bà hay nhìn thấy ta như cái oán hiện hình, không thể nào tan được… Còn chị, tội nghiệp cho chị Thuận Thiên… chỉ còn chị với em thôi… nhưng lúc này, biết đâu chị lại chẳng cho em như cái gai rồi, một cái gai phải bẻ đi… Và chàng nữa. Chàng Hai của em ơi! Xưa kia mỗi lần ta gọi chàng, chàng vội quỳ lạy và sợ hãi nói với ta: muôn tâu bệ hạ (Chiêu Thánh cười rũ rượi, cười mãi…). Biết bao dây nhợ ghê gớm buộc kéo chàng đi xa dần. Biết bao nỗi đời tàn bạo như đám lửa táp vào cái cây non đốt thân lá nó quắt đen chết rũ xuống. Tôi chỉ còn mong có đứa con thì nó chưa kịp khóc mấy tiếng đã bỏ đi. Từ khi ấy, Chiêu Thánh của bệ hạ đã chết rồi”.

Nghe những lời đau xót ai oán ấy Trần Cảnh đã nghẹn ngào thốt lên:

“Trời ơi! Vậy mà bấy lâu nay ta có mắt như mù… Ta chưa thật hiểu gì nhiều về những nỗi thầm lặng ở đời”. Còn trước ý đồ của ông chú đầy quyền uy, nhà vua kinh ngạc đến sửng sốt “Ghê gớm thay nỗi làm người… Kiếp làm người nghĩ đáng sợ”. Sự kiện Trần Cảnh rời cung điện, muốn tìm đến cõi

lặng bao la nơi rừng trúc Yên Tử theo hầu đức phật “Chính là điểm đỉnh của những mâu thuẫn giữa anh em, vợ chồng, chú cháu và cũng là điểm đỉnh của sự hoang mang bất lực của ông vua trẻ trước triều đình, trước lẽ người, lẽ đời” (9).

Nhưng đúng lúc ấy, xung đột bị đẩy lên đến tình thế căng thẳng khi mối họa ngoại xâm đến sát gần. Quan thái sư Trần Thủ Độ đã dõng dạc dứt

khoát bày tỏ thái độ: “Ta trông nom công việc ở triều đình nay, không cho ai được phép đùa với việc nước, dù là người nào, ở ngôi cao đến đâu. Ở nơi phải lo đến sự mất còn của trăm họ, ta ghét và khinh nhất sự yếu hèn. Nhà vua không lẽ coi cái nhẹ nhõm của riêng mình còn to hơn công việc của cả nước hay sao? Nếu như vậy, thì ta nói thật, dù là nhà vua, ta cũng có cách khu xử. Tình thế nước nhà bây giờ phải một ông vua hèn thì thật vô phúc quá! Bọn bên kia nó ẩy mạnh cho một cái là tan hết thôi”. Chiêu Thánh thì lại bộc lộ lí riêng của bản thân: “Vâng, việc nước là lớn nhất nhưng việc người với người không phải là nhỏ hơn”. Có lẽ lời của Chiêu Thánh cũng là nói hộ bao

nỗi băn khoăn, trăn trở của Nguyễn Đình Thi trong suốt cuộc đời cầm bút của ông khi nghĩ về đất nước, về con người. Đứng ở vị trí người công dân, Nguyễn Đình Thi chấp nhận, đồng tình với sự lựa chọn “việc nước là việc lớn” và đó là “lẽ phải lớn” trong quan niệm nhân sinh của biết bao nhiêu thế hệ. Nhưng trên lập trường nghệ sĩ, nhà văn lại cảm nhận thấy “việc người với người không phải là nhỏ hơn”. Kịch đã giúp ông nói được những chiêm nghiệm sâu sắc ấy khi nghĩ về lịch sử, về nhân thế, về con người, những chiêm nghiệm mà Nguyễn Đình Thi đã nhiều lần rơi nước mắt trên những trang truyện và thơ.

Cũng viết về đề tài lịch sử nhưng không tập trung nói về những người

lãnh đạo vận mệnh dân tộc như trong Rừng trúc, vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan lại chú trọng khắc họa hình tượng người trí thức trong cơn biến thiên

của dân tộc. Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, người trí thức như Nguyễn Trãi phải lựa chọn con đường nào cho phải đạo, hợp lẽ và cứu được nhân dân ra khỏi cảnh khốn cùng. Mười năm sống cảnh cá chậu chim lồng ở Đông Quan là mười năm Nguyễn Trãi vật lộn với những cuộc đấu tranh của tư tưởng. Nhìn các nhà nho vì giữ trung hiếu với nhà Trần mà bỏ mạng uổng, lánh đời nơi núi sâu rừng thẳm, Nguyễn Trãi đã tự xác định một đường đi

đúng đắn cho mình. Không thể cứ giam chân ở Đông Quan, không thể khư khư trong vòng cương tỏa của những giáo điều mà kẻ thù đã truyền dạy, không thể cứng nhắc những khuôn sáo không thức thời nên người trí thức ấy sau cơn xung đột mạnh mẽ của nội tâm với những phản biện sâu sắc đã quyết rũ bỏ tình thần “trung quân ái quốc” theo kiểu “tôi trung không thờ hai chủ” để dấn thân vào Thanh Hoa tìm minh chủ. Như Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Cuộc nhận đường của một trí thức lớn như Nguyễn Trãi trong kịch của Nguyễn Đình Thi, phải chăng, là ở cấp độ khác, cao hơn, bi thiết hơn và có phần cô đơn triết học hơn cuộc "nhận đường" nồng nhiệt, hào sảng của Nguyễn Đình Thi thời trẻ, lần đầu theo cách mạng và kháng chiến, còn quá nhiều mộng mơ, lãng mạn của tuổi thanh niên sôi nổi” (32).

Không phải ngẫu nhiên mà khi sáng tác về đề tài lịch sử Nguyễn Đình Thi lại thuờng đặt xung đột kịch vào những người nắm quyền bính quốc gia hoặc những nhân vật lịch sử quan trọng. Khi đưa những nhân vật này vào tác phẩm chính là “Nguyễn Đình Thi muốn thông qua những nhân vật ấy mà suy nghĩ về những vấn đề lớn của xã hội, của con người” (5; 132).

Còn câu chuyện Mị Nương - Trương Chi thoạt đầu tưởng như bi kịch tình yêu đau đớn do sự phân biệt đẳng cấp sang hèn nhưng thực chất là xung đột giữa điều khát khao và hiện thực trần trụi của cuộc sống. Nàng Mị Nương cô đơn trong lầu son gác tía với khát khao yêu đương cuộn chảy, nghe tiếng hát Trương Chi mà hình dung về một chàng trai tuấn tú, tài hoa. Cô con gái Thừa tướng vun đăp, xây mộng lên hình ảnh một mẫu hình đẹp đẽ, một người yêu lí tưởng trong tâm trí: đôi mắt dịu dàng, gương mặt sáng, thông minh ít thấy ở đời. Bị canh giữ trong dinh thự nguy nga, vàng son lộng lẫy, Mị Nương không ngừng nghĩ về Trương Chi đến mức tâm hồn sầu muộn, u uất, ốm mòn ốm mỏi, héo hắt ruột gan. Sự cách trở không gian khiến mối tư tình càng thêm bi lụy. Tưởng chừng như sự xuất hiện của chàng trai họ Trương sẽ thắp sáng hạnh phúc cho cô gái. Thế nhưng khi gặp nhau thì ảo ảnh tình yêu trong Mị Nương đã vụn vỡ. Phía sau tiếng hát ngọt ngào đắm say lòng người,

vượt mọi rào cản để đến với tâm hồn Mị Nương xinh đẹp, đài các lại không phải là một chàng trai hào hoa, thông minh mà một Trương Chi “thậm xấu”, cái xấu làm tổn thương trái tim quận chúa trẻ đẹp. Vở kịch ngắn nhưng lại chất chứa biết bao nhiêu triết lí về tình yêu. Có những rào cản tưởng chừng không thể vượt qua như định kiến, địa vị, đẳng cấp thì tình yêu sẵn sàng vượt lên phía trước. Chẳng phải Mị Nương sẵn sàng theo Trương Chi dù cuộc sống long đong, vất vả, dù mình chỉ làm vợ một người thuyền chài. Nhưng có thứ chỉ nằm ở bề ngoài, thuộc về hình thức đơn thuần thì tình yêu lại bất lực. Mị Nương đã khóc, đã quay mặt đi khi nhìn thấy hiện thực mang tên Trương Chi, khi bóng hình trong mộng mà cô thêu dệt đã biến mất hoàn toàn. Kết thúc bi thảm của vở kịch như lời cảnh báo về nỗi đời muôn vẻ khó lường với bao éo le và nghịch cảnh.

Người đàn bà hóa đá cũng là một tấn bi kịch tàn khốc trong nội tâm

nhân vật người anh. Loạn luân là chuyện tày đình gây nên những tổn thương không bao giờ lành lặn. Hai lần trong cuộc đời, đi từ những sai lầm nhỏ (nhỡ làm chảy máu đầu người em) đến sai lầm lớn (cưới em gái làm vợ), người anh đã đẩy người em vào hoàn cảnh trớ trêu, dang dở. Tình anh em, nghĩa vợ chồng trở thành nỗi oan khiên, điều bất hạnh, sự khốc liệt của số phận. Khi phát hiện ra sự thật phũ phàng, tàn nhẫn ấy người anh đã toan tự sát để quên đi nỗi bất hạnh, quên đi thảm kịch của gia đình nhưng rồi điều ấy đã được giải quyết bằng sự ra đi biệt xứ với cái cớ tòng quân. Nguyễn Đình Thi cho biết “vở kịch ngắn ấy ông đã mất một năm rưỡi mới viết xong được. Đặt bút xuống, không sao viết nổi, vì đó là một bi kịch quá thương tâm”. Còn nhà thơ

Huy Cận cho rằng so với bi kịch của vua Ơđip “cái bi kịch Người đàn bà hóa đá còn kém gì sâu sắc đâu, và cái định mệnh ở đây cũng nghiệt ngã, tàn khốc, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

dữ dội…” (9; 355). Chỉ có điều Nguyễn Đình Thi thấy dân gian có cách giải quyết dịu dàng hơn, phải nhẽ hơn. Ở đây người em gái đã vĩnh viễn không biết sự thật. Nàng không chịu sự giày vò bởi nỗi hối hận vì sự loạn luân như chồng nhưng bi kịch về sự cô đơn, hoang mang cũng tàn nhẫn không kém.

Qua đằng đẵng thời gian, người thiếu phụ ấy vẫn nguyên vẹn lòng thủy chung, tình yêu, đức hi sinh, sự nhẫn nại và cuối cùng còn lại nỗi đau đớn chờ chồng hóa đá, tình yêu hóa đá để sừng sững giữa trời, tạc vào vô tận thời gian cái khủng khiếp mà con người có thể gặp phải.

Xung đột nội tâm trong kịch Nguyễn Đình Thi không đơn giản, một chiều mà phong phú đa dạng với nhiều cấp độ, hình thái. Đi sâu vào những xung đột này, Nguyễn Đình Thi có điều kiện để xây dựng những tính cách phức tạp, đem đến cho người đọc, người xem những nhận thức, đánh giá nhiều chiều về các nhân vật lịch sử quan trọng (Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Cảnh…). Việc đánh giá về lịch sử, về các nhân vật lịch sử bao giờ cũng là một vấn đề khó. Xung đột nội tâm giúp kịch Nguyễn Đình Thi có cách kiến giải mới mẻ, gửi gắm kín đáo những quan niệm về thế sự mà ông suy nghĩ lâu nay. Qua xung đột nội tâm Nguyễn Đình Thi đã đề cập tới được hầu hết những vấn đề trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, xung đột giữa các quan điểm về lối sống, về văn hóa, xung đột giữa những người chung huyết thống, cùng dòng họ… Nhờ đó ngòi bút của Nguyễn Đình Thi có khả năng sáng tạo ở một phạm vi không gian và thời gian rộng lớn phù hợp với tâm hồn và phong cách của một nhà thơ khi viết kịch. Nguyễn Đình Thi đã từ câu chuyện xưa, mượn chuyện xưa để gửi gắm những kiến giải, những trải nghiệm sâu sắc của mình.

Một phần của tài liệu Xung đột kịch trong kịch của Nguyễn Đình Thi (Trang 37)