Tình tiết thúc đẩy xung đột

Một phần của tài liệu Xung đột kịch trong kịch của Nguyễn Đình Thi (Trang 61)

5. Cấu trúc của luận văn

3.1.1.Tình tiết thúc đẩy xung đột

Tình tiết là “đơn vị của hành động trong tác phẩm tự sự, kịch, thể hiện một sự việc xảy ra trong một khoảng thời gian, không gian có thể xác định được. Tình tiết không nhất thiết hợp với cốt truyện, một yếu tố cốt truyện có thể được trình bày qua nhiều tình tiết (…) trong kịch, tình tiết ứng với lớp, cảnh” (14; 345). Xem xét vai trò của xung đột trong việc tạo dựng kết cấu tác phẩm kịch không thể không đề cập tới việc sắp xếp tình tiết. Tình tiết và xung đột trong kịch có mối quan hệ không thể tách rời. Xung đột phát triển như thế nào chính là do biến đổi và tiến triển của tình tiết. Và ngược lại, tình tiết là do xung đột tạo thành và nhờ xung đột mà trở nên sinh động, hấp dẫn. Có thể nói rằng thành công của một tác phẩm nghệ thuật, ở một mức độ tương đối lớn, là do việc lựa chọn và sắp xếp tình tiết tạo nên. Trong quá trình miêu tả và xử lý xung đột, Nguyễn Đình Thi đã rất chú ý đến mối quan hệ giữa tình tiết và nhân vật. Ông luôn xuất phát từ nhân vật, đặt nhân vật ở vị trí trung tâm của kết cấu để triển khai tình tiết và xung đột. Bởi thế ở một số kịch bản mặc dù tình tiết không hàm chứa nhiều đặc sắc nhưng vẫn cuốn hút được người đọc và người xem. Lí do chính là bởi thông qua những tình tiết bình thường đó tác giả đã đi được vào chiều sâu tâm lí của nhân vật và khắc họa nên những tính

cách hết sức chân thực. Ở vở Rừng trúc, cảnh Chiêu Thánh độc thoại giãi bày

những đau xót, oan trái và bi kịch của cuộc đời dù không mang tình tiết gì mà chỉ thuần túy độc thoại nhưng sự bộc bạch của người ngôi cao tót vời lại khiến người đọc, người xem xúc động. Đó là tâm sự day dứt của một vị vua để vương triều rơi vào tay dòng họ khác, tâm sự của một hoàng hậu tự cảm thấy cô đơn, lẻ loi giữa hoàng cung, tâm sự của một người con, người em thấy lạc loài trong gia đình… Tất cả bộc lộ sự cô đơn, cái giá lạnh của một tâm hồn đứng giữa ngôi cao.

Sự sắp xếp các tình tiết, hay nói cách khác, cách bố cục, dàn xếp các màn, các hồi, các cảnh cũng là một yếu quan trọng tác động đến sự phát triển của xung đột trong kịch Nguyễn Đình Thi. Xung đột là cơ sở của kịch và lực thúc đẩy của hành động nên nó quy định các giai đoạn phát triển khác nhau của cốt truyện: khai đoạn (thắt nút) - đột biến - cao trào - kết (mở nút). Lúc này, mâu thuẫn kịch thường ở mức độ điển hình hóa, khát quát hóa mâu thuẫn cuộc sống. Vì vậy độ căng của mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, làm nên tính kịch cho xung đột.

Đọc kịch Nguyễn Đình Thi, chúng ta nhận thấy sức bao quát hiện thực của một ngòi bút sắc sảo, mạnh mẽ. Xung đột trong kịch của ông có nhiều cấp độ, có những xung đột gay gắt, căng thẳng không thể hóa giải nhưng cũng có những xung đột nương theo sự vận động của cuộc sống. Tất cả đều được nhà văn khéo léo xây dựng qua việc sắp xếp các tình tiết của vở kịch, nhờ đó tình tiết góp phần thúc đẩy và đưa xung đột lên cao trào dẫn đến hướng tới giải quyết trọn vẹn.

Nguyễn Trãi ở Đông Quan là vở có xung đột gay gắt. Vở kịch đi vào

mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa: Nguyễn Trãi cùng những người dân đau đáu lí tưởng yêu nước và quân Minh xâm lược cướp nước. Ở hồi I, tác giả nêu sự kiện Nguyễn Trãi trở lại Đông Quan trong cảnh “lưng không còn được vài đồng”. Cô Cúc khuyên ông không nên về Yên Phụ. Câu hỏi đặt ra là Nguyễn Trãi nên đi đâu? Cảnh II ở dinh Trương Phụ, Nguyễn Đình Thi miêu

tả cuộc gặp mặt giữa Nguyễn Trãi và Hoàng Phúc; cuộc trò chuyện giữa Hoàng Phúc, Trương Phụ, Bùi Bá Kỳ, Nguyễn Đại. Vấn đề đặt ra là có thể hợp tác với quân giặc để mưu tính lợi ích cá nhân hay không? Cảnh III, ở bờ hồ Tây, tấm lòng Nguyễn Trãi được thể hiện rõ và dự báo thái độ của Ức Trai đối với quan lại triều Minh. Hồi II, Trần Nguyên Hãn gặp Nguyễn Trãi bàn chuyện “lấy lại nước từ tay quân giặc! Lấy lại từng người từ trong tay nó”. Cảnh Tuân, Nguyễn Trãi, Trần Nguyễn Hãn, Vũ Mộng Nguyên, sư ông bàn về vận nước và tấm lòng của những trung thần nghĩa sĩ. Hồi III, cảnh khốn cùng của dân ta khi bị chà đạp bởi quân xâm lược phương Bắc, sự hù dọa của Hoàng Phúc với Nguyễn Trãi. Dõi theo vở kịch, người đọc thấy rằng đây là mâu thuẫn không thể hòa giải. Sự đối đầu giữa quân giặc xâm lược với những

tội ác tày trời không thể dung thứ “Trúc Lam Sơn không ghi hết tội/ Nước Đông Hải không rửa hết mùi” (Bình Ngô đại cáo) và những người anh hùng

đại diện cho dân tộc Việt Nam mưu trí, dũng cảm thật sự gay gắt đòi hỏi bức

thiết là một hướng đi rõ ràng. Kết thúc Nguyễn Trãi ở Đông Quan những

xung đột và đối đầu vẫn chưa được giải quyết triệt để nhưng đây là một vở kịch lịch sử, chúng ta có thể hình dung kết thúc của xung đột qua kết cấu mở của tác phẩm. Nhà văn muốn đặt người đọc trong sự trăn trở trước cơn nguy biến của vận mệnh dân tộc với những vấn đề của thời đại: sống - còn, tồn tại - diệt vong, tự do - nô lệ.

Ở Hòn cuội, xung đột giữa Cuội ngây thơ, trong sáng đến mức tinh

khiết với những con người bình thường, nhiều khiếm khuyết càng không thể dung hòa. Vở kịch có hai tuyến truyện đan xen: Chuyện về Cuội và chuyện về cô Thêu. Ở hồi I, sự hóa thân của Cuội thành người đặt ra câu hỏi: Cuội sẽ sống như thế nào để hòa nhập với con người trần gian. Màn kịch Bợm và Phú ông hùa nhau định để lừa Cả Ngố cướp vợ đã cho thấy sự giả trá, gian manh giữa cuộc đời mà Cuội vừa góp mặt. Mưu đồ cưới bằng được Thêu về làm vợ của Phú ông đã hình thành. Lý trưởng, Phú ông, Bợm bắt nạt Cuội nhưng bị mọc lá đa ở tai đã bóc mẽ mọi sự gian dối, lọc lừa. Mâu thuẫn ngày càng gay

gắt hơn khi Cọp xuất hiện và đứng về phe Cuội trong khi Bợm, Phú ông, Mụ mối vẫn giữ nguyên ý đồ bắt cô dâu. Hồi II, cuộc đối thoại giữa Cuội với Sư ông cho thấy sự giả dối như một thứ dầu loang trên mặt nước đã xuất hiện và lan tràn khắp nơi, kể cả chốn linh thiêng, trong sạch. Các cô gái hùa nhau trị cho Bợm một trận. Còn Phú ông trong màn kịch “Đánh tráo cô dâu” đã lật tẩy không khoan nhượng bản chất của hắn. Cọp hỏi Phú ông: “Anh không nhận ra sao? Ta theo anh đã quá lâu” và Phú ông phải thú nhận: “Nó về đây là đúng rồi! Tôi gặp lại tôi đấy thôi”. Phú ông nhận cái mặt lợn từ tay Cọp, úp lên mặt mình mà nói: “Đây là cái mặt thật của tôi, bên cạnh cái mặt cọp”. Và hắn “muốn đi vào núi kia, ở hang, ở lỗ”. Kết thúc vở kịch, cái giả, cái ác bị đẩy lùi, xua đuổi dứt khoát và bị trừng phạt, người hiền thì lại gặp lành. Vở kịch mang phong vị của văn học dân gian, trong đó xung đột được kết thúc bằng chiến thắng của cái Thiện trước cái Ác.

Cũng dựa vào tích truyện dân gian nhưng Cái bóng trên tường lại xoay

quanh xung đột về sự hiểu lầm với những tình tiết éo le, bất ngờ của cuộc sống. Vở kịch ngắn, chỉ có ba nhân vật nhưng xung đột được tác giả dẫn giải lại không hề đơn giản và thực sự đã tạo nên những dư vị xót xa cho người đọc, người xem. Người chồng trở về nhà gặp lại vợ con sau thời gian xa cách. Phút đoàn tụ ban đầu ngập tràn hạnh phúc và những toan tính tương lai ngọt ngào thoáng qua, thay vào đó sự nghi ngờ về lòng chung thủy của vợ qua lời nói ngây ngô của con trẻ khiến anh có hành động nông nổi: trách cứ, khinh thị, ruồng rẫy không để cho người vợ thanh minh. Xung đột lên đến cao trào khi người chồng kết tội và đuổi vợ đi. Cái chết của người vợ là đỉnh điểm của mâu thuẫn đồng thời là phần kết của xung đột. Người chồng hiểu ra mọi việc thì đã quá muộn, sự việc đã không thể vãn hồi. Vòng xoáy cuộc đời với những đắng cay rình rập đã đẩy cuộc đời nhân vật đến những éo le, oan trái và một kết thúc bi kịch, thương tâm. Người chồng, người vợ, đứa con bị cuốn vào sự hiểu lầm, thanh minh, hối hận… dù không ai trong số họ tàn ác, xấu

xa, đáng bị trừng phạt. Bi kịch về lòng tin kết thúc với sự đối chọi chia cách âm dương của hai vợ chồng.

Ở Người đàn bà hóa đá và Trương Chi xung đột cũng căng thẳng đến

mức không thể hóa giải qua việc nhà viết kịch dàn xếp các tình tiết trong kịch. Khi phát hiện ra sự thật, người đọc không thể đoán định nhân vật sẽ có hành động cụ thể gì: người anh - người chồng hành xử thế nào trước nỗi bất hạnh

vừa phát hiện (Người đàn bà hóa đá); còn Mỵ Nương đấu tranh nội tâm gay gắt có quay lại quyết định ban đầu không (Trương Chi). Người đàn bà mù

trước sự thật đắng và chàng Trương Chi ngập trong nỗi xót xa khi tình yêu không vượt qua được vẻ bề ngoài tưởng chừng tầm thường, đơn giản. Cái chết của Trương Chi, sự chờ đợi mỏi mòn đến hóa đá của người thiếu phụ đã cho thấy tính chất gay gắt của xung đột kịch. Hai mặt đối lập trong xung đột

kịch ở đây thật rõ ràng. Với Người đàn bà hóa đá, mọi mâu thuẫn bắt đầu từ hoàn cảnh, còn Trương Chi thì đi vào thế giới nội tâm với sự giằng co tâm lý

nhân vật.

Dưới hình thức nào đi nữa, xung đột kịch ở một số vở kịch tiêu biểu của Nguyễn Đình Thi có đặc điểm là quyết liệt, gay gắt và tạo được sự bất ngờ, hấp dẫn cho người đọc, người xem. Điều này có được một phần không nhỏ chính nhờ sự sắp xếp những tình tiết trong kịch của Nguyễn Đình Thi.

Một số vở kịch khác của Nguyễn Đình Thi đã đưa nhịp sống hàng ngày vào trong tác phẩm. Các mâu thuẫn không quá căng thẳng, gay cấn mà thường tích tụ theo hướng tiệm tiến qua nhịp điệu và cách tổ chức tình tiết. Hiện thực trong kịch là hiện thực hàng ngày nên vận động của xung đột kịch không nương theo nội dung cốt truyện như kịch truyền thống mà nương theo

sự vận động của chính cuộc sống tự nhiên. Với vở Rừng trúc, Nguyễn Đình

Thi chọn lọc sự kiện tiêu biểu để xây dựng tình tiết kịch từ đó tạo nên những xung đột sâu sắc: sự loạn luân trong triều đình nhà Trần dẫn tới những bi kịch nội tâm mỗi nhân vật xuyên suốt vở kịch, sự giằng xé, nỗi trăn trở của Chiêu Thánh, những bế tắc, chán chường của Trần Cảnh, sự nổi loạn của Trần Liễu,

những tính toán của Trần Thủ Độ… Đặc biệt phải nói tới những bi kịch tâm hồn của vua Lý Chiêu Hoàng - hoàng hậu Chiêu Thánh. Ở nàng là cả một mối thương tâm khi sợi dây tình máu mủ ruột thịt gia đình rệu rã, sợi dây của tình cảm vợ chồng lỏng lẻo, hững hờ. Với Thiên Cực, Chiêu Thánh không đồng tình với việc làm của mẹ, trong quá khứ ở mối quan hệ với Lý Huệ Tông, và hiện tại, khi sắp xếp Thuận Thiên lấy Trần Cảnh. Tuy nhiên, mâu thuẫn này không bộc lộ sâu sắc, gay gắt. Với Trần Cảnh, người bạn thuở ấu thơ, người chồng, người kế thừa ngôi báu, nhà vua của mình, Chiêu Thánh cũng có những bất đồng. Nàng vẫn xem “cuộc đổi ngôi mười một năm trước là không có”. Màn kịch ở cung hoàng hậu Chiêu Thánh trong cuộc đối thoại với Thiên Cực, với Trần Cảnh cũng không đẩy mâu thuẫn của các nhân vật lên cao. Đó chỉ là bùng phát độ căng tâm lí trong nội tâm nhân vật Lý Chiêu Hoàng, người mẹ bất hạnh, người con bị ruồng bỏ. Bởi vậy, cho đến cuối vở kịch, các mối quan hệ này dường như vẫn yên ổn. Việc Chiêu Thánh xa lánh việc đời không làm cho quan hệ giữa nàng với các nhân vật khác căng thẳng hơn, bởi với cảnh nhường ngôi cho Trần Cảnh, Chiêu Thánh đã tự nguyện rút lui khỏi chính trường, khỏi hoàng cung đầy những toan tính, âm mưu. Mâu thuẫn giữa vị vua cuối cùng của triều Lý với vị vua đầu đời Trần không làm thành xung đột. Có thể thấy sự vận động của câu chuyện theo thời gian tiệm tiến. Những mâu thuẫn dần được phản ánh và giải tỏa. Không có độ căng, dồn nén của sự kiện, chỉ có sự trăn trở, day dứt trong nội tâm con người. Hành động tìm đến cửa Phật là sự giải tỏa những dồn nén bấy lâu trong Chiêu Thánh. Với việc lánh đời, gánh nặng tinh thần xem ra được giải quyết không quá ồn ào.

Giấc mơ có cách trình bày xung đột nương theo hướng vận động của

cuộc sống qua từng hồi của vở kịch. Ở hồi I, màn kịch là chiến trường ngổn ngang sau trận đánh. Người lính bị thương vừa tỉnh lại thì đối mặt ngay với Thần Chết. Câu hỏi đặt ra là liệu người lính có vượt qua hoàn cảnh khó khăn này hay không. Thần Chết dẫn dụ anh thương binh về bên kia thế giới bằng một loạt những hồn ma lừng lẫy để chứng minh cái chết là điều tất yếu trong (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

cuộc đời mỗi người và đời sống này không có gì đáng để níu kéo. Hồi II là cuộc sống của người thương binh sau chiến tranh, ảnh hưởng của những vết thương, hay nói một cách khác là Thần Chết cho cháo lú khiến anh quên đi hết những sự việc đã từng xảy ra trong quá khứ, quên luôn cả nguồn gốc, cội rễ của chính anh thương binh. Tác giả đặt ra tình huống: cuộc sống người lính với những di chứng của chiến tranh sẽ đối diện như thế nào trong thời bình, đó là thách thức, là mặt trận mới không kém những khó khăn, bất hạnh rình rập. Và nữa, tên lái buôn gã gẫm mua khóm tre ngà “không bao giờ bỏ con người… vẫn hằng che chở bao nỗi niềm anh buồn vui”, biểu tượng cho kỉ niệm quê hương; anh chàng khôn ngoan tìm cách loại bỏ đối thủ tình yêu khiến cuộc sống tinh thần của người lính vẩn lên màu u ám. Cô người yêu cũ đi lấy chồng trả lại kỉ vật tình yêu, đôi khuyên tai bạc là, câu chuyện đời thường mà anh gặp phải… là những ngang trái éo le vốn luôn ngổn ngang giữa cuộc đời. Cùng với sự lành lặn của vết thương là sự trở lại của trí nhớ. Thời gian đã chữa lành những tổn thương nơi anh thương binh và người lính ấy mở lòng đón cuộc sống ngày mai tươi đẹp:

Tôi đã thấy… Tôi đã nhớ lại…

Tất cả đối với tôi hôm nay lại bắt đầu

Dõi theo toàn bộ vở kịch ta không khỏi rùng mình trước những mâu thuẫn tồn tại trong cuộc sống con người. Người lính đã hơn một lần phải đối diện với Thần Chết để gìn giữ cho cuộc sống hôm nay hòa bình, yên ả. Không có hồi thứ hai như thế cũng khiến ta cảm nhận được sự khó khăn, đau đớn thể xác mà anh phải gánh chịu, nghị lực và cố gắng để anh vượt qua hoàn cảnh này không phải nhỏ. Nhưng bản thân con người cũng có những phần u tối khi người lính bị đẩy vào thói đời phàm tục với những lừa phỉnh, ganh ghét, đua chen. Đó đây, hạnh phúc, tình yêu bị đong đếm bằng tiền bạc, bằng “tiêu chuẩn mức sống”. Lý tưởng, cống hiến, biết ơn… trở thành những ngôn từ sáo rỗng và lạ đối với nhiều người, những kẻ cơ hội ẩn mình trong chiến tranh

và xô ra kiếm lời khi hòa bình lập lại, ngay cả phải ganh đua, giành giật với người thương binh đã đổ máu cho đất nước.

Một phần của tài liệu Xung đột kịch trong kịch của Nguyễn Đình Thi (Trang 61)