Ngôn ngữ kịch

Một phần của tài liệu Xung đột kịch trong kịch của Nguyễn Đình Thi (Trang 76)

5. Cấu trúc của luận văn

3.3. Ngôn ngữ kịch

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Kịch là một thể loại văn học có những đặc trưng riêng biệt. Ngôn ngữ kịch do đó cũng có tính đặc thù rõ rệt so với các thể loại khác. “Kịch có thể coi là một loại văn mới nhất của ta. Cách đây 30 năm, trong văn giới Việt Nam, chưa ai dám tin rằng tiếng Việt Nam lại có thể dùng để viết kịch” (Hồ Ngọc). Ngôn ngữ là chất liệu cấu thành tác phẩm, là “cái vỏ của tư duy”, là cơ sở để người đọc giải mã nội dung, ý nghĩa bức thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm. Khác với ngôn ngữ thơ là vần, nhịp, ngôn ngữ tiểu thuyết là miêu tả, kể chuyện,… ngôn ngữ kịch là

ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ hành động. Hơn nữa trong kịch không có nhân vật người kể chuyện, cho nên kịch bản văn học không có ngôn ngữ người kể chuyện. Khi tiếp xúc với kịch bản văn học, người đọc bắt gặp những chú thích ngắn gọn của tác giả. Đó thường là những chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, bối cảnh của câu chuyện, về những hành động không lời của nhân vật trên sân khấu. “Đối thoại là thể chất và linh hồn kịch. Kịch là văn bản đối thoại” (Đỗ Đức Hiểu). Trong tác phẩm kịch, nhà văn không có chỗ đứng trong tác phẩm với tư cách là nhân vật trung gian. “Các nhân vật kịch hình thành do những lời lẽ của họ và tuyệt đối chỉ do những lời lẽ ấy mà thôi! Nghĩa là tác giả xây dựng nhân vật bằng ngôn ngữ hội thoại, chứ không phải bằng ngôn ngữ miêu tả” (M. Gorki). Khảo sát ngôn ngữ kịch là việc làm cần thiết để thấy được tính cách, vẻ đẹp của hình tượng nhân vật, cá tính sáng tạo, phong cách và tài năng của nhà văn. Ngôn ngữ bao gồm nhiều dạng: đối thoại, độc thoại, hội thoại, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, nó vừa tinh tế, điêu luyện, hàm súc, vừa nôm na, giản dị, dễ hiểu.

Ngôn ngữ là điều kiện tồn tại của tác phẩm kịch, đảm nhiệm nhiều chức năng nghệ thuật. Đặc trưng của tác phẩm kịch là phản ánh những giai đoạn phát triển mâu thuẫn gay gắt nhất trong cuộc sống. Ngôn ngữ kịch, về hình thức, là phương tiện quan trọng để tái hiện những mâu thuẫn đó. Ngôn ngữ kịch gọi tên những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống, phản ánh chúng một cách trực diện bằng cách miêu tả toàn bộ quá trình diễn biến của mâu thuẫn. Việc xác định các loại xung đột, nhờ ngôn ngữ kịch, cũng minh bạch hơn. Những xung đột căng thẳng, gay gắt, dồn nén của hiện thực cũng sẽ được lột tả một cách đầy đủ nhất nhờ ngôn ngữ kịch.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ kịch là lời phát ngôn của chính nhân vật, do nhân vật đảm nhận. Do đó, ngôn ngữ kịch là phương tiện miêu tả nhân vật, tái hiện tính cách, hành động của nhân vật đó. Thông qua ngôn ngữ, người đọc, người xem nhận ra diện mạo, hình dung ra cử chỉ, điệu bộ, cách đi đứng, nói năng và nắm bắt cả đời sống bên trong của nhân vật kịch.

So với ngôn ngữ các loại hình nghệ thuật như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết thì ngôn ngữ kịch gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt bởi nó xây dựng những xung đột từ những mâu thuẫn trong thực tế đời sống. Vì thế đòi hỏi nhà viết kịch phải có tài sử dụng ngôn từ để làm sao qua ngôn từ, người đọc thấy được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật.

Trong kịch không tồn tại ngôn ngữ của người kể chuyện. Tác giả kịch bản không có chỗ đứng trong tác phẩm với tư cách là người kể chuyện, thuyết minh, biện giải… cho nhân vật. Một trong những thi pháp nổi bật của kịch đó là sử dụng ngôn ngữ nhân vật làm hình thái tồn tại duy nhất của ngôn ngữ kịch. Ngôn ngữ nhân vật tồn tại ở hai dạng chính: đối thoại và độc thoại. Đối thoại là các nhân vật nói với nhau, còn độc thoại là nhân vật tự nói với chính mình. Dù là đối thoại hay độc thoại thì ngôn ngữ kịch cũng phải phù hợp với tính cách nhân vật. Tóm lại, do ngôn ngữ kịch chỉ biểu hiện bằng ngôn ngữ của nhân vật nên phải đảm bảo có tính hành động, tính hàm súc, tính tổng hợp và phải phù hợp với tính cách nhân vật.

Ngôn ngữ trong kịch có tính tổng hợp rất cao, khắc hoạ rõ nét tính cách, tâm trạng nhân vật, dẫn dắt được xung đột, hành động kịch. Ngôn ngữ kịch có tính hành động sẽ tái hiện được mâu thuẫn một cách triệt để và hữu hiệu. Đó cũng là điều kiện quan trọng để người diễn viên chuyển hóa thành hành động cụ thể trên sân khấu. Và Nguyễn Đình Thi đã bộc lộ mặt mạnh của ngòi bút kịch bằng những đột phá vào thế giới bên trong của nhân vật, qua đối thoại, độc thoại để đưa nhân vật vượt lên, bộc lộ những mâu thuẫn, xung đột.

Một phần của tài liệu Xung đột kịch trong kịch của Nguyễn Đình Thi (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)