Khái niệm gia đình và kế hoạch hóa gia đình

Một phần của tài liệu Nhận thức của người dân huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa về kế hoạch hóa gia đình (Trang 27)

2. Khái niệm cơ bản của đề tài nghiên cứu

2.2. Khái niệm gia đình và kế hoạch hóa gia đình

2.2.1. Khái niệm gia đình

a. Định nghĩa gia đình

Theo từ điển Tâm lý học do Nguyễn Khắc Viện chủ biên, “gia đình (family) gồm bố mẹ, con và có hay không một số người khác, ở chung một nhà” [21- 121].

Theo Vũ Dũng “gia đình là cộng đồng người cùng chung sống sinh hoạt chung dưới một mái nhà, làm thành đơn vị nhỏ nhất của xã hội (còn được gọi là tế bào xã hội) gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu.

Gia đình là một xã hội thu nhỏ bao gồm một hay nhiều thế hệ khác nhau sống và hoạt động bên nhau một cách có tổ chức có nguyên tắc thành văn hay bất thành văn. Sự hòa thuận được đảm bảo bởi sự ấm cúng, cảm giác an toàn và tình yêu thương”[3 - 205].

Từ góc độ tâm lý học, gia đình được hiểu “là một nhóm xã hội, các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm – sinh lý, cùng chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định (trong một số trường hợp, gia đình chỉ có mối quan hệ hôn nhân hay huyết thống) (Theo Ngô Công Hoàn, Tâm lý học gia đình, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 1993).

Có thể nói, do cách tiếp cận khác nhau nên quan niệm về gia đình cũng có sự khác nhau. Gia đình là một nhóm xã hội đặc biệt, trong đó các thành viên gắn bó với nhau dựa trên các mối quan hệ cơ bản là hôn nhân và tình cảm huyết thống sâu sắc (có thể có cả quan hệ con nuôi hoặc là không có hôn thú). Gia đình là môi trường đầu tiên, trực tiếp diễn ra quá trình xã hội hoá con người, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân.

b. Các chức năng cơ bản của gia đình

- Chức năng tái sản xuất ra con người, tất cả các nhóm xã hội, các thiết chế xã hội khác không có chức năng này trừ gia đình. Việc thực hiện chức năng này không chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu, mong ước của người vợ, người chồng mà còn là vấn đề xã hội, vấn đề duy trì tính liên tục của xã hội.

- Chức năng xã hội hoá, giáo dục con cái: Có thể nói, giáo dục gia đình có ý nghĩa to lớn để giúp trẻ thành người. Ngôn ngữ mẹ đẻ, thói quen sinh hoạt gia đình, cách ăn mặc, giao tiếp, cách quan sát, các nhu cầu và phương thức thoả mãn nhu cầu đều được gia đình hướng dẫn, hướng trẻ theo một nếp sống, truyền thống ổn định. Đây chính là cơ sở đầu tiên và quan trọng bậc nhất để hình thành

- Chức năng kinh tế: Chức năng kinh tế biểu hiện trên cả hai phương diện: sản xuất và tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay, nhiều gia đình có thành viên làm ở các công ty, nhà nước... chính vì vậy, chức năng kinh tế của gia đình được giảm nhẹ ở khâu tổ chức, sản xuất, nhưng với tư cách là đơn vị tiêu dùng thì tính toán thu chi hàng tháng, hàng năm vẫn là nỗi lo của các chủ gia đình.

- Chức năng thoả mãn các nhu cầu tâm lý của các thành viên trong gia đình. Đây là chức năng đặc biệt quan trọng trong việc chia sẻ trách nhiệm, tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình là một cộng đồng đặc biệt, không một cộng đồng hay tổ chức nào có thể đem lại tình cảm ấm áp, sâu sắc và thiêng liêng như gia đình. Gia đình vừa là nơi nuôi dưỡng cho con người trưởng thành, đồng thời cũng là nơi bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro, sóng gió của cuộc đời.

- Chức năng chăm sóc sức khỏe: Mặc dù hiện nay các dịch vụ y tế công cộng đã phát triển tốt, nhưng việc gia đình có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình vẫn hết sức quan trọng, nhất là với người ốm, người già. Chăm sóc sức khoẻ ở đây không chỉ đơn thuần sức khoẻ về thể chất mà còn cả sức khoẻ tinh thần.

Trên đây là những nội dung cơ bản của khái niệm gia đình, việc làm rõ khái niệm gia đình là cơ sở để chúng ta có thể hiểu sâu hơn nội hàm của khái niệm KHHGD cũng như vận dụng nó vào quá trình điều tra, phân tích số liệu từ địa bàn nghiên cứu. KHHGD sẽ không thể được nhìn nhận hết ý nghĩa, vai trò của nó nếu như nó không được đặt trong bối cảnh gia đình cụ thể với chức năng, nhiệm vụ cơ bản của nó.

2.2.2. Khái niệm kế hoạch hoá gia đình a.Định nghĩa

Kế hoạch hoá gia đình được hiểu là nỗ lực của Nhà nước, xã hội để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khoẻ, nuôi dạy con một cách có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình

(Theo Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội công bố ngày 09-01-2003 về dân số).

b. Nội dung của công tác DS - KHHGD

Công tác KHHGD là nhiệm vụ quan trọng và hướng tới mọi đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp tới từng người dân bất kể tuổi tác, giới tính. Nội dung của công tác KHHGD thể hiện ngay ở những khía cạnh cụ thể như sau:

- Tuổi kết hôn hợp lý: Theo quy định của pháp luật, tuổi kết hôn của nam không được dưới 20 và nữ không được dưới 18. Tuy vậy, trong điều kiện của nước ta hiện nay việc kết hôn ở độ tuổi muộn hơn sẽ đảm bảo cho thanh niên có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức tay nghề, kỹ năng sống, biết cách chăm sóc con cái, ứng xử trong xã hội cũng như ứng xử trong gia đình… Chính vì thế, xu hướng hiện nay cho thấy, tuổi kết hôn của nam nữ thanh niên đang ngày càng cao.

- Xây dựng quy mô gia đình hợp lý: Quy mô gia đình hợp lý là gia đình có từ 1-2 con, tức gia đình có từ 3-4 thành viên. Để có thể thực hiện điều này quan trọng nhất là phải kiểm soát việc sinh đẻ. Với gần 30 năm trong độ tuổi sinh đẻ, người phụ nữ có thể có 10 – 12 con, ở người đàn ông thời gian có thể sinh đẻ là 50 năm. Vì vậy, việc thực hiện KHHGD là rất cần thiết. Thực tế những người trong độ tuổi sinh đẻ ở các vùng nông thôn nước ta trong những năm 50 – 70 của thế kỷ trước đã cho thấy số con trong mỗi gia đình là rất lớn và tỉ lệ tử vong ở trẻ em cũng rất cao. Đây cũng chính là một nhân tố kích thích người dân đẻ nhiều bên cạnh tâm lý sinh đông con là “nhà có phúc”.

- Vị trí con trai, con gái: Với ảnh hưởng nặng nề của triết lý khổng giáo, quan niệm “sinh con để nối dõi tông đường”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”… đã ăn sâu vào niềm tin, suy nghĩ của nhiều người. Chính nó làm nhiều cặp vợ chồng vẫn cố để có “thằng cu chống gậy”; bên cạnh đó là tư tưởng “có nếp có tẻ”… cũng là nhân tố làm nhiều cặp vợ chồng cố đẻ thêm. Quan niệm hiện nay coi con trai, con gái đều đáng quý, quan trọng là nuôi dạy con nên người. Đây chính là một nội dung quan trọng của công tác KHHGD, phải làm cho người dân ý thức được chất lượng con cái quan trọng hơn số lượng cũng như

- Khoảng cách sinh con: Sau thời kỳ mang thai và sinh con, người mẹ bị suy kiệt đi, nếu không được ăn uống tốt sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ. Sự suy giảm sức khoẻ này người mẹ phải mất 3-5 năm mới có thể hồi phục. Nếu đẻ dày, thì người mẹ không chỉ hao kiệt sức lực, tuổi xuân mà còn nguy hiểm tới tính mạng… Vì vậy, việc sinh con thưa (với khoảng cách 3-5 năm) là rất cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho người mẹ, người vợ.

Khoảng cách 5 năm vừa có lợi cho mục tiêu KHHGD vừa có lợi cho giáo dục đạo đức, giới tính cho trẻ em trong gia đình, vì trẻ 4-5 tuổi đã có sự phát triển nhất định về trí tuệ, tình cảm để có thể nhận thức và xúc động trước sự xuất hiện của đứa em ruột thịt, đây là điều kiện cho sự hình thành tình cảm gia đình, trách nhiệm làm anh, làm chị trong gia đình.

- Nguyện vọng con đẹp, khoẻ, thông minh, ngoan ngoãn… là hoàn toàn chính đáng của mọi bậc cha mẹ, song để có được như thế, trước khi làm cha mẹ, cũng như trước khi làm vợ, làm chồng, mỗi người phải trang bị cho mình những kiến thức về đời sống gia đình, tư cách, trách nhiệm, kỹ năng làm cha mẹ… để có thể nuôi dạy con tốt, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

c. Mục tiêu của KHHGD

Trong cuốn “Sổ tay truyền thông dân số và phát triển” của Uỷ ban Quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình, Hà Nội 1999, đưa ra những mục tiêu cụ thể của công tác dân số kế hoạch hoá gia đình như sau:

- Không đẻ sớm trước 20 tuổi.

- Không đẻ dày (khoảng cách giữa hai lần sinh từ 3-5 năm). - Không đẻ nhiều (chỉ nên có 2 con).

- Không đẻ sau 35 tuổi.

Trong quyết định số 170/2007/QĐ-TTg ngày 08-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia dân số kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 2006 – 2010 có đưa ra những mục tiêu về dân số KHHGD trên bình diện quốc gia giai đoạn này như sau:

- Mức giảm tỷ lệ sinh bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010 là khoảng 0,25‰;

- Tỷ lệ phát triển dân số khoảng 1,14% vào năm 2010; - Quy mô dân số dưới 89 triệu người vào năm 2010;

- Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70% vào năm 2010; - Tiếp tục triển khai các mô hình, giải pháp can thiệp, nhằm góp phần

nâng cao chất lượng dân số.

Tác giả Trần Trọng Thuỷ trong cuốn sách “Tâm lý học dân số” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008) đã nêu lên cách tiếp cận dưới góc độ tâm lý học các mục tiêu của tuyên truyền dân số như sau: “Mục tiêu cơ bản của nó là thúc đẩy sự biến đổi hành vi sinh đẻ bằng cách tác động vào ý thức, tâm thế, ý kiến của con người cho phù hợp với chính sách sinh đẻ mà xã hội mong muốn - giảm, tăng hay giữ ổn định số lượng con trung bình trong gia đình. Các mục tiêu thứ sinh của nó là đạt được hiệu quả ổn định trong một thời gian tối ưu và bằng những phương tiện kinh tế nhất. Có thể đạt mục tiêu cơ bản trong trường hợp, nếu việc tuyên truyền dân số được hướng vào những tầng lớp dân cư xác định, những kiểu gia đình hay nhân cách khác nhau và thúc đẩy sự phát triển thái độ có ý thức của dân chúng đối với hành vi sinh đẻ.

Tương ứng với mục tiêu của chính sách dân số, có thể định rõ những nhiệm vụ mà các nhà tâm lý học cần phải giải quyết để đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu đó: 1. Vạch rõ cơ chế thay đổi tâm thế sinh đẻ và ý kiến của con người; 2. Nhận thức các nhân tố cá nhân chi phối cơ chế tác động của sự tuyên truyền về dân số (ví dụ: giá trị, lập trường sống, sự tự ý thức); 3. Xác định các phương tiện kích thích có hiệu quả hành vi sinh đẻ mà xã hội mong muốn; 4. Củng cố trong ý thức và hành vi của con người các dạng hành vi sinh đẻ có triển vọng đối với xã hội, ví dụ định hướng vào việc sinh đẻ ít con (từ 1 đến 2 con)”.

Cũng trong cuốn sách trên, tác giả nêu lên quan điểm của nhà nghiên cứu phương Tây J.T.Fawcett về mục tiêu tuyên truyền dân số theo mức độ gần gũi của chúng với hiệu quả tìm kiếm: “1. Mục tiêu xa nhất - truyền bá những thông tin điều khiển; 2. Mục tiêu trung gian – làm thay đổi tâm thế sinh đẻ; 3. Mục tiêu gần nhất với hiệu quả cuối cùng – làm thay đổi hành vi sinh đẻ theo kế hoạch,

Những quan điểm về mục tiêu và nhiệm vụ của công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện KHHGD dưới góc độ tâm lý học như trên là những cơ sở quan trọng để chúng tôi tham khảo và tiến hành đề tài nghiên cứu của mình.

d. Lợi ích của công tác DS - KHHGD

Cuốn sách “Kỹ năng truyền thông trực tiếp nhằm thay đổi hành vi trong lĩnh vực dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản” của Uỷ ban dân số, gia đình trẻ em (2003) đã chỉ ra những lợi ích cụ thể của việc thực hiện tốt công tác dân số KHHGD như sau:

- Đối với người mẹ: Người mẹ sẽ tránh được các tai biến, rủi ro về sản khoa do đẻ quá sớm hoặc quá muộn, đẻ nhiều, đẻ dày; sức khoẻ người mẹ sẽ tốt hơn do có đủ thời gian phục hồi giữa hai lần sinh; có thời gian, sức khoẻ để tham gia công tác xã hội, xây dựng kinh tế gia đình; người mẹ có điều kiện chăm sóc gia đình, bản thân…

- Đối với người cha: Người cha có điều kiện làm việc để tăng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình; có sức khoẻ, có thời gian tham gia công tác xã hội và cùng gia đình nuôi dạy, chăm sóc con cái.

- Lợi ích cho con trẻ: Được bú sữa mẹ lâu hơn, cha mẹ chăm sóc nhiều hơn; được nuôi dạy, ăn ở, vui chơi tốt hơn; được học hành đến nơi, đến chốn, có tương lai, triển vọng.

- Lợi ích cho gia đình: Giảm các chi phí hằng ngày, mọi người được chăm sóc đầy đủ về đời sống vật chất, ăn mặc; gia đình có điều kiện mua sắm các phương tiện phục vụ cho cuộc sống; gia đình êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc, có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, học tập để không ngừng tiến bộ.

- Lợi ích cho cộng đồng: Cộng đồng có điều kiện phát triển tốt, tài nguyên thiên nhiên không bị phá hủy, kinh tế vững chắc; các dịch vụ y tế, trường học, nguồn nước... phục vụ cho mọi người được tốt hơn; bên cạnh đó, các vấn đề xã hội như nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội, tội phạm… được giảm thiểu.

Một phần của tài liệu Nhận thức của người dân huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa về kế hoạch hóa gia đình (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)