Tiêu chí nhận diện và phân loại nhịp điệu

Một phần của tài liệu Khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại (Trang 55)

6. Bố cục của luận văn

3.1.2.Tiêu chí nhận diện và phân loại nhịp điệu

Để nhận diện và miêu tả nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam, trong luận án: “Nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh trên nền nhịp điệu thơ ca Việt Nam”, tác giả Vũ Thị Sao Chi đã đưa ra 9 tiêu chí đối lập sau: 1) chỗ ngừng nhịp/ không ngừng nhịp, 2) độ dài/ ngắn của nhịp điệu, 3) độ cao/ thấp của nhịp điệu, 4) độ mạnh/ yếu của nhịp điệu, 5) độ nhanh/ chậm của nhịp điệu, 6) điểm nhấn/ lướt của nhịp điệu, 7) tính chất bằng phẳng/ không bằng phẳng của nhịp điệu, 8) vần/ không vần, 9) đối thanh/ không đối thanh:

+ Chỗ ngừng nhịp/ không ngừng nhịp

Các từ trong chuỗi lời nói không phải là chuỗi âm thanh kế tiếp nhau một cách đơn giản mà chúng được tổ chức để tạo nên những kết cấu ngữ pháp

và ngữ nghĩa như cụm từ, câu, đoạn văn, văn bản. Khi phát âm, những đơn vị này được phân biệt bởi những chỗ ngừng (khoảng ngắt, nghỉ) của dòng âm thanh. Khoảng ngừng sau mỗi đơn vị thuộc các cấp độ ngữ pháp và ngữ nghĩa khác nhau là khác nhau. Ở văn bản nghệ thuật có nhịp điệu, những khoảng ngừng này có tính chất đều đặn tạo nên sự nhịp nhàng, trái lại, ở các văn bản không có nhịp điệu, đó chỉ là sự ngừng hơi thuần túy.

Khi đọc các văn bản nghệ thuật, người ta phân biệt ngắt giọng lôgic và ngắt giọng biểu cảm. Ngắt giọng lôgic là chỗ dừng để tách các nhóm từ trong câu, thiên về trí tuệ, còn ngắt giọng biểu cảm thiên về cảm xúc. Ngắt giọng biểu cảm là những chỗ ngừng, chỗ lặng có tác dụng truyền cảm, tập trung sự chú ý của người nghe vào sau chỗ ngừng góp phẩn tạo nên hiệu quả thẩm mĩ. Đây là sự ngắt giọng có ý đồ nghệ thuật, thể hiện khả năng đồng sáng tạo của độc giả với tác giả.

Có thể dùng kí hiệu sau để đánh dấu chỗ ngắt nhịp: Ngừng ngắn: Một gạch chéo ( / )

Ngừng vừa: Hai gạch chéo ( // ) Ngừng dài: Ba gạch chéo ( /// )

Ví dụ: Muối ba năm/ muối đương còn mặn// Gừng chin tháng/ gừng hãy còn cay// Đôi ta tình nặng nghĩa dày//

Dù có xa nhau ba vạn sáu ngàn ngày/ cũng nỏ quên///

( Ca dao) + Độ dài/ ngắn (trường độ) của nhịp điệu

Độ dài ngắn của nhịp được xác định bởi số lượng âm tiết (số tiếng) của nhịp. Ví dụ: Trên dòng Hương giang ( 4 tiếng)

Em buông mái chèo ( 4 tiếng)

Trời trong veo ( 3 tiếng) Nước trong veo ( 3 tiếng)

( Tố Hữu- Tiếng hát sông Hương) + Độ cao/ thấp (bổng/ trầm, lên giọng/ xuống giọng) của nhịp điệu

Độ cao thấp của nhịp điệu được xác định bởi tính chất âm vực của thanh điệu và ngữ điệu của câu:

- Các thanh có âm vực cao: không dấu, sắc, ngã. - Các thanh có âm vực thấp: huyền, hỏi, nặng

- Ngữ điệu xuống dùng để kết thúc câu tường thuật. Những câu cầu khiến với lời đề nghị nhẹ nhàng, những câu hỏi tu từ mà thực chất là những câu khẳng định cũng được đọc với ngữ điệu xuống.

- Ngữ điệu lên thường dùng sau câu hỏi, nhất là câu hỏi không có từ để hỏi, câu cảm thán, câu mệnh lệnh có yêu cầu mạnh.

Độ cao thấp của nhịp điệu thường được biểu hiện rõ nét ở những âm tiết cuối nhịp.

+ Độ mạnh/ yếu (cường độ) của nhịp điệu

Các nhà ngữ âm học đều thống nhất rằng các thanh điệu có đường nét bằng phẳng (các thanh bằng: thanh huyền, thanh ngang) có cường độ yếu, các thanh điệu có đường nét không bằng phẳng (thanh trắc: hỏi, ngã, sắc, nặng) có cường độ mạnh.

Tính chất mạnh yếu của nhịp điệu thường được qui định ở những âm đầu nhịp, âm cuối nhịp và âm mang vần.

+ Độ nhanh/ chậm của nhịp điệu

Độ nhanh chậm của nhịp được xác định bởi tốc độ âm thanh của nhịp. Thông thường độ dài của câu cũng chi phối tốc độ đọc. Ở những bài có câu ngắn, câu dài thì những câu ngắn được nén lại và phải đọc với nhịp nhanh, gấp gáp hơn, nhất là khi đó là những câu điệp cú pháp, những câu có tính chất liệt kê.

+ Điểm nhấn/ lướt của nhịp điệu

Điểm nhấn của nhịp điệu là những âm tiết được dằn mạnh khi phát âm, thường trùng với điểm nhấn thông tin của phát ngôn ( do vậy có khi được gọi là trọng âm câu).

Tính chất bằng phẳng hay không bằng phẳng của nhịp điệu được xác định bởi sự phối hợp âm điệu của các thanh và ngữ điệu lên- xuống giữa các nhịp. Các thanh bằng là những âm có đường nét bằng phẳng, các thanh trắc là những âm có đường nét gấp khúc. Do đó:

- Sự phối hợp các thanh bằng thường tạo nên nhịp điệu bằng phẳng êm xuôi.

- Sự phối hợp các thanh trắc thường tạo nên nhịp điệu trúc trắc, không bằng phẳng.

- Sự phối hợp ngữ điệu lên- xuống giữa các nhịp cũng tạo nên đường nét bằng phẳng hay không bằng phẳng.

+ Vần/ không vần (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Vần là phần âm được lặp lại ở một số âm tiết nằm rải rác giữa các nhịp. Nếu xét về vị trí gieo vần thì trong thơ Việt Nam có vần chân và vần lưng. Nếu xét về mức độ lặp lại của phần vần trong các tiếng được gieo vần thì có vần chính và vần thông.

+ Đối thanh/ không đối thanh

Tiếng Việt có hệ thống thanh điệu rất phong phú, được khu biệt trên hai tiêu chí: âm vực (cao/ thấp) và âm điệu (bằng phẳng/ không bằng phẳng). Ngôn ngữ nghệ thuật rất chú ý tới sự phối thanh. Sự đối lập hay không đối lập thanh điệu ở những vị tri nhất định trong các câu thơ , câu văn và giữa các câu cũng đóng vai trò quan trọng hình thành nên nhịp điệu. Chẳng hạn sự đối lập về thanh điệu ở các tiếng thứ 2, 4, 6 trong một cặp câu ở thể thất ngôn Đường luật:

Trời chiều B / bảng lảng T / bóng hoàngB hôn Tiếng ốc T / xa đưa B / vẳng trốngT dồn

( Bà Huyện Thanh Quan)

Trong các tiêu chí xác định nhịp điệu trên, có những tiêu chí được xem là yếu tố căn bản quyết định sự hiện diện và tính chất của nhịp điệu, đó là các yếu tố: ngắt nhịp, phối thanh và phối vần.

Từ đây, trong văn xuôi và thơ ca thường tồn tại các kiểu nhịp điệu cơ bản là: nhịp điệu đối xứng, nhịp điệu trùng điệp, nhịp điệu tự do.

Theo chúng tôi, các tiêu chí trên là tương đối hợp lý. Chúng tôi sẽ dựa vào các tiêu chí này đi vào khảo sát các kiểu nhịp điệu trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại để thấy được những đặc điểm giống và khác nhau so với nhịp điệu trong thơ văn cổ.

Một phần của tài liệu Khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại (Trang 55)