Cảm xúc thơ dạt dào, chất triết lý thâm thúy

Một phần của tài liệu Khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại (Trang 47)

6. Bố cục của luận văn

2.2.3. Cảm xúc thơ dạt dào, chất triết lý thâm thúy

Càm nhận về thơ, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc Bạch Cư Dị đã chiêm nghiệm: “Cái gọi là thơ thì cảm hóa lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa”.

Một bài thơ thường bắt nguồn từ cảm xúc và một bài thơ thành công khi nó là tiếng nói chân tình, thiết tha của tình cảm, cảm xúc. Thơ văn xuôi ra đời, đổi mới cả hình thức và nội dung, đã phát huy được ưu thế nổi bật so với thể thơ truyền thống ở chỗ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc và nhạc điệu.

Thơ văn xuôi có lẽ là hình thức ưu việt nhất để diễn tả phong phú thế giới nội tâm, cái “tôi” cảm xúc của chủ thể trữ tình. Lời khóc chồng của người góa phụ trẻ đã để lại trong lòng người đọc bao xúc động, xót xa:

“Chao ôi! Lưng trời sét đánh, em thật đã chết cả đời người!

Thôi thế là thôi! Một giải khăn trắng, năm thân gẫu xổ, trăm năm tâm sự còn nói năng gì!

Con anh nào đã biết mặt cha, thân côi cút trái đào ba tuổi, từ đây em dạy em nuôi, khoảng trời đất không mong gì còn có bố.

Nghĩ mà chua xót thương con nhà không nóc, mưa gió mai ngày, cuộc đời xoay xở biết toan sao? Đoạn trường em lại biết bao nhiêu giăng mắc-

Con còn trẻ thơ lo ăn lo mặc, lo học lo hành, con khôn lớn lại phải lo sao cho thành danh phận, để chen vai nối gót với đời. Nghĩ như thân em sức vóc liễu bồ, cánh vây không có, hai bàn tay trắng, đức tài cũng không. Một mình mẹ góa nuôi con, em biết lo liệu thế nào cho tròn phận ấy?

Anh ơi! Anh mất đi, anh để lại cho em biết bao nhiêu nỗi dở dang ở đời! Dẫu em có nghĩ liều: mặc đời cua máy cáy đào, nỗi dở dang âu đành chẳng bận. Nhưng tình nhớ thương khuây khỏa sao đây? Ra vào vắng vẻ tháng ngày, khăn áo cũ còn hình dung bong dáng. Khoảng trời đất non buồn nước lạnh, người đi bằn bặt, kiếp này còn gặp nhau đâu nữa mà mong!

Trên mây kia Ngưu Nữ chia phôi cũng đoạn trường, nhưng khóc nhau còn có ngày thấy nhau. Em khóc anh mấy thu nay lệ đã đắm lòng, người đành không lại, mộng sao chẳng về? Nghĩ đau duyên ấy lại hờn với Ngâu”.

( Tương Phố- Giọt lệ thu) Nhà thơ Tương Phố đã để cho nhân vật tự giãy bày, tự bộc lộ. Cái chết thương tâm, bất ngờ của người chồng là nỗi đau đớn khôn nguôi đối với người vợ trẻ và đứa con thơ. Nỗi niềm mất mát, thương đau thẫm đẫm trong từng câu, từng chữ và toàn bài thơ.

Tình yêu đôi lứa luôn là đề tài muôn thuở của văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Tình yêu với những sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau được các thi sĩ khai thác triệt để. Và thơ văn xuôi là thể loại rất phù hợp để thể hiện dòng cảm xúc dạt dào, mãnh liệt ấy.

Hãy đọc “Với loài chim di trú” và cảm nhận nỗi đau của người con gái bị phụ tình:

“Thôi- không trách anh loài chim di trú- Đến đời em tránh rét mùa đông. Thôi- nín đi- Đừng khóc chi cho phí những giọt nước mắt thủy chung. Hãy để dành nước mắt cho ngày mất Mẹ!

Em đã ngốc nghếch làm mái che cho một loài chim bạc bẽo. Chỉ biết ấm riêng mình nào hiểu nỗi lạnh của ai đâu! Em đã ngô nghê sống trong

tiếng hót của loài chim sâu mà ảo tưởng một thiên đường hoàng yến. Em đã mê muội vắt kiệt giòng máu của mình đi hồi sinh cho một kẻ không tim. Bởi vì có những người đàn bà như em, đôi vai cong vòng đòn gánh, gánh hết sự bình động của bốn mùa. Nên bếp lửa tàn lại đỏ, bóng tối lui và sao mọc lại giữa trời xanh cho người rạng ngời hạnh phúc.

Nhưng cũng bởi có những người đàn bà như em, nên những đóa hồng nín lặng mùa xuân và mùa thu tàn tạ phai màu, cho người phu quét đường ngơ ngác khi quét hoài không hết những mảnh rách tình đời.

Và cũng vì có những người đàn bà như em nên nhà thương điên không còn chỗ trống. Nên nhà thương điên hóa thành hí viện diễn những nỗi đau cùng cực của con người.

Trên chiếc giường tấm drap trắng như vải liệm Em đang răn lòng đừng trách gì anh

Chén nước đã đổ đi bao giờ hốt đầy lại được”.

( P.N.Thường Đoan- Với loài chim di trú) Bài thơ giống như một dấu lặng trầm buồn trong cuộc tình trớ trêu của cô gái. Họ đã yêu thương hết mình, yêu tha thiết, thủy chung để rồi cuối cùng nhận lại là nỗi đau bị người tình phản bội. Trái tim yêu lạc lối biến họ trở thành những người đàn bà ngốc nghếch, mê muội “vắt kiệt giòng máu của mình đi hồi sinh cho một kẻ không tim”. P.N.Thường Đoan đã thành công với một tác phẩm thể hiện nỗi đau cùng cực của con người. Từng câu thơ chứa chan tình cảm, cảm xúc với những giọt nước mắt đắng cay để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Tình yêu không chỉ có những mối tình dang dở, những giận hờn, trách cứ, đắng cay, mà còn có những niềm vui, niềm hạnh phúc ngọt ngào:

“Anh xa em, khi phố nhà ta và Hà Nội ngập chìm trong binh lửa. Bên chiến lũy Hàng Than, đó đây còn đỏ sắc thắm hoa đào. Em ở lại, lòng anh ở lại, biệt ly nhòa nước mắt. Gió lạnh trà nát sông Hồng.

Anh xa em, trên đường ra trận dừng chân bên đồi cọ. Nắng vàng ong như mật chảy trên tán biếc xanh. Mà ngỡ nón nghiêng che nở trắng sân

trường bớt nắng. Đồng đội chia nhau mẩu sắn thay cơm, nhớ ngày nào đi học em bẻ sắn cho anh.

Anh đã về chin năm xa cách Hà Nội và em, gặp thật rồi mà vẫn như là mộng. Khóc mừng vui và đớn đau. Sự sống hồi sinh đơm hoa có quả mới được nửa phần, trắng một nửa phần bóng tối. Gặp lại nhau để lại chia xa…

Anh mệt mỏi đi nhặt tro tàn ủ vào mầm non muôi hy vọng. Cây chẳng phụ người chin nắng mười mưa, quả ngọt em trao thơm gió nội hương đồng dìu dịu như trăng đậu vào khung cửi. Anh mãi nâng niu những gì quí giá ông cha để lại chúng ta nhân thêm cho hôm nay cho ngày mai rực rỡ. Ta đừng phụ ơn bao người không về nữa, vì cho ta được yêu và mãi mãi thêm yêu sự sống, đất nước vĩnh hằng.

Ta yêu nhau bởi hai trái tim nhập hòa thành một, không có gì đánh đổi được tình yêu gừng cay muối mặn. Hơn một lần cảm ơn em- người vợ người mẹ. Hơn một lần cảm ơn em- giúp anh tránh điều dại dột, them hiểu lẽ đời. bao dung độ lượng, tâm- trí sáng hơn. Anh mãi hôn em để được chiết thêm lời hay ý đẹp cho tình yêu và sự sống ngọt mãi những vần thơ…”

( Nguyễn Trí Đạt- Khúc tình yêu) Đọc bài thơ, ta cảm thấy ấm lòng bởi một tình yêu đẹp và cao cả. Tình cảm ấy đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trưởng thành và thủy chung theo năm tháng kháng chiến trường kì để trở thành một tình yêu trọn vẹn và cao cả hơn- tình yêu “gừng cay muối mặn”, tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống. Những mối tình đẹp như mơ ấy rất đáng trân trọng, tự hào.

Thơ văn xuôi lôi cuốn người đọc không chỉ ở nội dung thi tứ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh mà còn bởi những tác phẩm mang đậm chất triết lý thâm thúy. Đây là nội dung mới lạ, khác biệt hẳn so với thể thơ trước đó. Tìm hiểu thơ văn xuôi, ta bắt gặp rất nhiều tác phẩm được cấu tạo như những câu chuyện ngụ ngôn đặc sắc:

Bàn tay vàng của con cũng chẳng hơn bàn tay vàng của Bà. Bàn tay vàng của Bà cũng chẳng hơn bàn tay vàng của Cụ. Bàn tay vàng của Cụ chắc cũng chẳng hơn…

Thôi! Thôi! Thôi! Con dao, cái cối gỗ kỳ cạch đến giới hạn thủ công của chúng hàng thế kỷ nay rồi.

Muốn lập kỷ lục năng suất mới ư? cha kỳ vọng ở con một bộ có vàng Hỡi người con vừa bước qua cổng trường đại học

Cha kỳ vọng nhìn thấy một cái máy chặt sen hay người máy chặt sen do óc vàng của con thiết kế

Sen đen hun hút chạy vào Sen đỏ rào rào tuôn ra

Mà nếu được “sen vàng bước ra” thì quả là tuyệt diệu

Đốt cháy bao nhiêu thời gian Đốt cháy bao nhiêu công đoạn

Sẽ vĩnh viễn mất đi hình ảnh xa xưa: bên anh đọc sách, bên nàng…chặt sen. Mất đi tiết tấu cành cạch, nhọc nhằn trong khuya vắng, mất đi…

“Bài ca chặt sen”- thơ của cha sẽ mờ ảo hơn vì đã thành thơ cổ… Cái cối, con dao sẽ được yên nghỉ ở góc nhà và sẽ giã ơn con”.

( Ngọc Căn- Chẳng ước bàn tay vàng) Bài thơ là lời tự sự của người cha nói với cô con gái về nghề chặt sen của gia đình. Cái nghề thủ công truyền thống với cái cối, con dao, đôi tay khéo léo đã được lưu truyền qua ba thế thệ: đời Cụ, đời Bà, đời Cha… Nhưng đến đời con, người cha không muốn con gái có đôi bàn tay vàng nữa:

Cha kỳ vọng nhìn thấy một cái máy chặt sen hay người máy chặt sen do óc vàng của con thiết kế

Sen đen hun hút chạy vào Sen đỏ rào rào tuôn ra

Mà nếu được “sen vàng bơcs ra” thì quả là tuyệt diệu

Đốt cháy bao nhiêu thời gian Đốt cháy bao nhiêu công đoạn”

Sự kỳ vọng của cha cũng là lời khuyên và bài học bổ ích: hãy học tập và làm việc bằng bộ óc, bằng trí tuệ, lấy lao động chất xám thay cho lao động thủ công để vượt lên cái lạc hậu, tầm thường. Đây là ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Đến với thơ văn xuôi, chúng ta không chỉ đọc bằng mắt, nghe bằng tai mà còn phải thấu hiểu bằng lý trí, bằng chiều sâu trí tuệ:

“Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia? Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…

Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa, một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có. Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ đi trên đường kia?

Đôi mắt anh có ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết. Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách”.

( Nguyễn Đình Thi- Nơi dựa) Với chủ đề “nơi dựa”, tác giả Nguyễn Đình Thi đóng vai một vị khách đi trên đường và vô tình quan sát, chứng kiến được một tình huống rất đời thường: người đàn bà dắt đứa trẻ đi trên đường kia, người chiến sĩ đỡ bà cụ đi trên đường kia. Bài thơ mở ra hai hình ảnh đối lập: hình ảnh yếu ớt, mỏng manh, cần được bảo vệ, che chở của đứa trẻ lẫm chẫm và bà cụ bước

không còn vững; hình ảnh vững vàng, mạnh mẽ của người đàn bà trẻ đẹp và người chiến sĩ tốt bụng. Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, hợp tình hợp lý để chốt lại bằng hai câu hỏi đầy sức ám ảnh:

“Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách”.

Để vượt qua khổ đau, gian nan, thách thức, đôi khi chính những sinh linh nhỏ bé, yếu ớt lại là chỗ dựa, là động lực tinh thần lớn lao giúp họ vững tin trên bước đường đời. Toàn bộ ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm được thâu tóm trong hai câu kết. Nó đã đặt ra vấn đề nhân sinh quan đúng đắn cho độc giả tự suy ngẫm, chiêm nghiệm về ý thức, trách nhiệm, thái độ đương đầu với khó khăn, thử thách trong cuộc sống để có thể trở thành một con người chân chính!

Viết một bài thơ hay đã khó, để viết một bài thơ hay và sâu sắc lại càng khó hơn. Thơ văn xuôi đã làm được cả hai việc khó ấy bằng chất thơ trữ tình dồi dào của văn xuôi, bằng tư tưởng triết lý sâu xa của kiểu tư duy nghệ thuật thông thái. Và chất triết lý thâm thúy trở thành yêu cầu và đặc điểm không thể thiếu khi nghiên cứu thơ văn xuôi.

* Tiểu kết chương 2

Với sự thể nghiệm bản lĩnh và táo bạo, các nhà thơ văn xuôi đã thực hiện cuộc “dân chủ hóa” thơ dưới dạng văn xuôi và đã được bạn đọc chấp nhận. Thơ văn xuôi đổi mới cả nội dung và hình thức với những đặc điểm cơ bản: cấu trúc thơ tự do, hình thức thơ mới mẻ; hình ảnh, ngôn từ thơ ấn tượng, mới lạ; cảm xúc dạt dào, mang đậm chất triết lý thâm thúy.

Thơ văn xuôi hay, mới lạ, vẫn khiến người đọc tìm đến bởi vẻ đẹp độc đáo của nó: không phải là một trái thuần chủng, nó là một trái cây lai, bộc lộ hết mình trong dòng chảy của tư duy và cảm xúc mãnh liệt, như muốn nói một cách cặn kẽ, thổ lộ cho đến cùng mới thôi.

Chương 3

ĐẶC TRƯNG SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TRONG THƠ VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Thơ văn xuôi là phần giao nhau giữa hai vòng tròn thơ và văn xuôi. Sở dĩ thơ văn xuôi đứng trên địa hạt thi ca vì nó vẫn duy trì tính nhịp điệu và chất thơ thể hiện trong cảm xúc, trong cấu tứ, trong hình ảnh thơ. Bởi vậy, khi khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, chúng tôi đi vào hai đặc trưng nổi bật: đặc trưng về nhịp điệu và đặc trưng về cú pháp.

3.1. Đặc trưng về nhịp điệu

Một phần của tài liệu Khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)