Thơ văn xuôi và văn xuôi

Một phần của tài liệu Khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại (Trang 29)

6. Bố cục của luận văn

1.5.1. Thơ văn xuôi và văn xuôi

Ranh giới về hình thức giữa thơ và văn xuôi cũng như giữa thơ văn xuôi và văn xuôi thường khó xác định. Có người cho rằng thơ văn xuôi khác văn xuôi ở chỗ cách cảm nhận trong thơ văn xuôi thuộc về lĩnh vực thơ, giàu tưởng tượng, hình ảnh và cảm xúc; còn thơ văn xuôi khác thơ ở chỗ mạch câu chảy tràn ra không chịu ràng buộc theo niêm luật nào.

Cách phân biệt giữa thơ văn xuôi và văn xuôi như trên là đúng nhưng chưa cụ thể. Trong vở kịch Tư sản học làm quý tộc của Moliere, tác giả có để cho nhân vật thầy triết học phân biệt giữa thơ và văn xuôi. Thầy triết học có được một ý đúng khi cho rằng văn xuôi là lời nói thông thường, nhưng

cũng rất hài hước khi phân định tất cả cái gì không phải là thơ thì đều là văn xuôi, và không phải là văn xuôi thì đều là thơ.

Có người cho rằng thơ đề cập đến lĩnh vực cao siêu, đến cái tinh túy, còn văn xuôi diễn đạt những cái tầm thường, lợi ích thực tế. Nhận xét này thường bắt nguồn từ những quan điểm duy tâm, thần bí, nghệ thuật vị nghệ thuật.

Có người tìm đặc trưng của thơ ở sự chọn lọc hình ảnh, ở sự hàm súc và trong sáng của ngôn ngữ, ở vẻ đẹp và phong điệu riêng của thi tứ, ở sức gợi và xao động của cảm xúc…

Tất cả những yếu tố trên đều có trong đặc trưng về nội dung cũng như hình thức của thơ. Thơ dựa vào phương thức biểu hiện trữ tình, với nhiệm vụ chủ yếu là biểu đạt những xúc cảm và tâm trạng của con người, biểu hiện phần tinh túy của sự vật, qua những hình ảnh gợi cảm, trên cơ sở của ngôn ngữ hàm súc và có nhịp điệu.

Về phương diện hình thức thì nhân tố khác nhau cơ bản giữa tác phẩm bằng thơ và tác phẩm bằng văn xuôi là ở chỗ sáng tác thơ có nhịp điệu. Nhịp điệu đó không phải là nhịp điệu thông thường vốn có của ngôn ngữ văn xuôi mà là nhịp điệu được cách luật hóa, nhịp điệu được qui định, do đó cú pháp thơ ca khác cú pháp văn xuôi. Trên cơ sở của ngôn ngữ hình tượng có nhịp điệu, hình ảnh của thơ tập trung sáng tạo và đột xuất hơn, yếu tố trữ tình phong phú hơn. Đó là nhịp điệu của hình ảnh.

Thơ văn xuôi khác văn xuôi ở nhiều phương diện. Thơ văn xuôi là một thể thơ thuộc phương thức biểu hiện trữ tình, dựa trên sự bộc lộ xúc cảm trực tiếp qua hình ảnh và tâm trạng. Còn văn xuôi thì có thể thuộc nhiều phương thức biểu hiện khác nhau. Một câu văn xuôi có thể là một lời nói thông thường của một câu đối thoại (như trong kịch), là một lời kể của một câu chuyện kể như trong tiểu thuyết hoặc trong các thể ký, hoặc là một thành phần trong một bài chính luận. Do đó thơ văn xuôi phải phong phú hơn về cảm xúc trữ tình so với văn xuôi trong tự sự, miêu tả hay đối thoại…

Một phương diện khác và cũng là phương diện chủ yếu phân biệt thơ văn xuôi với văn xuôi là chất thơ thể hiện trong cảm xúc, trong cấu tứ thơ và hình ảnh thơ. Sự vận dụng tứ thơ và hình ảnh thơ làm cho câu thơ văn xuôi có những màu sắc và đặc điểm riêng biệt. Hình ảnh và tứ thơ được nhận thức và sáng tạo trên một góc độ quan sát và lối suy nghĩ khác với lối suy nghĩ và quan sát thông thường.

Những hình thức so sánh và vận dụng ngôn ngữ cũng khác với lối so sánh và vận dụng ngôn ngữ trong cách diễn đạt thông thường của văn xuôi. Nếu ngôn ngữ thơ thuộc tính biểu hiện, thì ngôn ngữ văn xuôi thuộc tính tạo hình. Câu thơ mang nhiều tính chất điệu hóa và lý tưởng hóa từ nội dung cảm nghĩ, liên tưởng đến cách vận dụng ngôn ngữ hình ảnh để nắm bắt cho được tính chất của sự vật biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Ví dụ như những câu thơ văn xuôi tả về biển của Chế Lan Viên trong bài Cành phong lan bể rất khác với cách nói, cách tả về biển trong văn xuôi của kịch hoặc tiểu thuyết:

“Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại

Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan ra thành bể và thôi không trở lại làm trời

Nếu núi là con trai thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái”. [23, tr. 624]

Cấu trúc của câu thơ văn xuôi rất gần gũi với cấu trúc của câu văn xuôi “có nhiều lớp lang, có sự trùng điệp về cấu trúc, sử dụng nhiều thành phần mở rộng, thành phần liên kết” (Hữu Đạt), nhưng trong nội dung lại chứa đựng nhiều chất thơ qua hình ảnh, liên tưởng và so sánh có màu sắc riêng biệt.

Thơ văn xuôi chủ yếu là thuộc phạm trù của thơ. Nội dung của thi tứ vẫn là vấn đề cơ bản nhất để phân biệt giữa thơ văn xuôi và văn xuôi. Tuy phạm vi diễn đạt của thơ văn xuôi có rộng rãi hơn, phóng túng hơn thơ,

song thơ văn xuôi cần phải giữ được tính tập trung, hàm súc của hình ảnh và ngôn ngữ thơ.

Một phần của tài liệu Khảo sát ngôn ngữ trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)