Nam (1986 -2001)
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và khu vực và những khó khăn khi đất nước bị bao vây, cấm vận về kinh tế , cô lập về chính trị, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, lòng tin giảm sút, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước xung quanh là không tránh khỏi. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đã khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [9, tr.37]. Đảng và nhân dân Việt Nam tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với việc xác định “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”. [9, tr. 42].
Cùng với đổi mới tư duy về kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng từng bước đổi mới tư duy về đối ngoại. Trước hết là việc đổi mới công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá những chuyển biến của tình hình thế giới và quan hệ quốc tế; thứ hai là đổi mới tư duy về các cặp quan hệ như lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế, giữa an ninh và phát triển, giữa hợp tác và đấu tranh; thứ ba là đổi mới tư duy về tập hợp lực lượng, từ đó xác định chủ trương và chính sách đối ngoại thích hợp.
Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị khóa V (tháng 7/1986) chủ trương chuyển từ đối đầu sang đối thoại, đấu tranh trong cùng hòa bình. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “ Ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững
hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc....”[9, tr.99]. Trên cơ sở đổi mới tư duy đối ngoại đó, Đảng đã xác định mục tiêu và những chính sách đối ngoại. Mục tiêu ngoại giao Việt Nam lúc này là hòa bình và phát triển.
Lúc này Việt Nam vẫn chú trọng quan hệ với Liên Xô và các nước SEV, khẳng định việc “ tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước Việt Nam”, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và sự hơp tác với các nước thành viên hội đồng tương trợ kinh tế....
Với nhận thức "họ hàng xa không bằng láng giềng gần" Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho việc xây dựng và củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước láng giềng trên cả ba tầng nấc: Các nước có chung biên giới, các nước trong khu vực Ðông - Nam Á và các nước châu Á - Thái Bình Dương. Nói một cách khác, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là tạo ra môi trường quốc tế liên quan trực tiếp nhất tới sự ổn định và sự phồn vinh của đất nước. Mặc dù trước sau như một Việt Nam luôn phấn đấu cho sự bình đẳng giữa các quốc gia song có một thực tế là các nước và các trung tâm lớn vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong thế giới ngày nay, kể cả đối với an ninh và sự phát triển kinh tế của Việt Nam, do đó Việt Nam không thể không dành mối quan tâm thỏa đáng tới quan hệ với họ. Nói như vậy không có nghĩa là Đảng ta xem nhẹ mối quan hệ với các nước, các lực lượng cách mạng và tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình và công lý vốn có quan hệ truyền thống với Việt Nam, đã từng hết lòng ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước. Với nhận thức như vậy Đảng và nhà nước Việt Nam không những không lãng quên bạn bè mà còn làm mọi việc có thể để không ngừng củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị với
các nước và các lực lượng này trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa ….
Bên cạnh đó, Chủ trương của Đảng và nhà nước ta vẫn luôn là: đoàn kết với các phong trào giải phóng dân tộc, thông cảm sâu sắc và bày tỏ tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhân dân Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt và kiên quyết góp phần xứng đáng vào bước phát triển mới của Phong trào không liên kết.
Sang Đại hội VII họp vào tháng 6/1991, Đại hội đã đánh giá một cách toàn diện tình hình thế giới, khu vực và thực trạng đất nước, từ đó chỉ rõ những thuận lợi và thách thức mới và đề ra những phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu của cả đối nội lẫn đối ngoại cho thời kỳ 1991-1995. Đai hội nhấn mạnh trong điều kiện mới càng phải coi trọng vận dụng bài học kết hợp sức mạnh thời đại, đẩy mạnh phương châm “ thêm bạn bớt thù” lên mức cao hơn với tuyên bố: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[9, tr.147]. Đại hội còn xác định nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới là “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [9, tr.146].
Về chính sách cụ thể với từng loại đối tượng, Đại hội VII vẫn khẳng định trước sau như một việc tăng cường đoàn kết và hợp tác với Liên Xô, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hợp tác Việt – Xô nhằm đáp ứng lợi ích của mỗi nước. Việt Nam vẫn không ngừng củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết và hữu nghị đặc biệt giữa Đảng và nhân dân Việt Nam với Đảng và nhân dân Lào, Đảng và nhân dân Campuchia. Đảng và nhà nước Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc ,
từng bước mở rộng quan hệ Việt – Trung, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước thông qua thương lượng. [9, tr. 89].
Sau Đại hội VII, tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đặt Việt Nam đứng trước những thử thách. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá VII, tháng 6 năm 1992, đã kịp thời đưa ra tư tưởng chỉ đạo hoạt động đối ngoại là phải giữ vững mục tiêu bất biến là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời trong sách lược phải sáng tạo năng động sao cho phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của nước ta và tình hình thế giới và phù hợp với từng đối tượng quan hệ. Chủ trương trên là sự vận dụng tài tình và sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đối phó với những thay đổi tình hình quốc tế không có lợi cho nhân dân Việt Nam. Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII tháng Giêng năm 1994, Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến thêm một bước trong xác định mục tiêu và nhiệm vụ của ngoại giao là đưa Việt Nam tiến tới một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm đưa đất nước ta thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, trên cơ sở và mục tiêu đã đề ra, Đảng và nhà nước Việt Nam quyết tâm giải quyết vấn đề Campuchia, luôn coi trọng thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từng bước mở rộng sự hợp tác Việt – Trung, giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước thông qua thương lượng. Đảng và nhà nước Việt Nam cũng chú trọng củng cố và quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác với Cu Ba, tăng cường quan hệ với các đảng Cộng sản và công nhân, sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ với các đảng Xã hội, Dân chủ, đoàn kết với các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Việt Nam cũng nêu rõ chính sách tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đang phát triển nhất là Ấn Độ và tích cực góp phần củng cố và tăng cường Phong trào Không liên kết, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương, các nước Tây Bắc Âu và Nhật Bản cũng như với các nước phát triển khác, thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ....[9, tr.89].
Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, tháng 06/1996, đề ra nhiệm vụ trung tâm của nước Việt Nam là công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000....Trong hoàn cảnh mới, Đảng chủ trương xây dựng một nền kinh tế mở, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại....Đại hội VIII khẳng định tiếp tục thực hiện: “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [11, tr.120] trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp thông qua thương lượng.
Đại hội Đảng lần thứ IX họp tháng 4 năm 2001, đề ra chủ trương tiếp tục thực hiện nghị quyết Đại hội VIII, nhấn mạnh tư tưởng “Việt Nam sẵn sàng là bạn”, và đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới. Nét mới trong nội dung công tác đối ngoại lần này là Đại hội khẳng định mạnh mẽ việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng được khơi nguồn từ Đại hội VI, được bổ sung, phát triển qua các Đại hội VII và VIII, trong giai đoạn 1986 -2001, Ngoại giao Việt Nam đã triển khai các hoạt động đối ngoại như sau:
- Giải quyết vấn đề Campuchia:
Với chủ trương nhanh chóng rút quân tình nguyện khỏi Campuchia, bắt đầu từ năm 1982, nhất là sau khi có Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị tháng 5/ 1988, đến tháng 9/1989 Việt Nam đã cơ bản rút hết quân tình nguyện về nước. Việc rút quân của Việt Nam có ý nghĩa về nhiều mặt. Ngoài việc giảm gánh nặng chi phí quốc phòng, đặc biệt trong lúc Việt Nam có nhiều khó khăn về kinh tế; Việt Nam còn làm mất đi “con bài” của Trung Quốc, Mỹ, ASEAN dùng việc quân Việt Nam có mặt ở Campuchia để tạo thế bao vây cô lập Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Do không còn quân Việt Nam, tính chất cuộc đấu tranh về vấn đề Campuchia thay đổi. Vấn đề Campuchia đã trở thành cuộc đấu tranh nội bộ là chủ yếu, tất nhiên có sự dàn xếp của các nước ngoài có liên quan. Việc Việt Nam rút hết quân đã có tác động rõ rệt đến thái độ của các nước ASEAN, các nước phương Tây trong quan hệ với Việt Nam.
Không những thế, việc giải quyết tốt đẹp vấn đề rút quân khỏi Campuchia còn thúc đẩy quá trình đối thoại với các nước ASEAN, Trung Quốc và Mỹ để tìm giải pháp chính trị cho Campuchia, đồng thời kết hợp thúc đẩy bình thường hóa với các nước này. Ngày 23/10/1991, Hiệp định Pari về Campuchia được ký kết tại Paris. Hiệp định Paris về Campuchia là một thỏa hiệp cần thiết trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, độc lập, trung lập của Campuchia, phù hợp với lợi ích của các bên, bảo đảm cân bằng các nước lớn, cân bằng ASEAN và ba nước Đông Dương.
Việt Nam ký Hiệp định Paris là một biện pháp có ý nghĩa chiến lược, tạo đột phá để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với ASEAN, phương Tây, tiến tới cải thiện quan hệ với Mỹ. Đây cũng chính là
một ví dụ cụ thể khi Ngoại giao Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” chính là việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, nó chính là khâu đột phá quan trọng trong quá trình triển khai đường lối đối ngoại trong giai đoạn đổi mới. Ba tháng sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết, nhận lời mời của Hoàng thân Sihanouk, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia (SNC), Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam sang thăm Campuchia. Trong dịp này hai bên đã ra Thông cáo chung nhấn mạnh: “ tầm quan trọng của việc đưa quan hệ truyền thống Việt Nam – Campuchia bước sang giai đoạn mới, xây dựng mối quan hệ láng giềng thân thiện giữa hai nước trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ giữa hai nước bằng con đường hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình” [29, tr.340, 345].
Với Hiệp định này, Việt Nam đã kết thúc 13 năm hao người tốn của, đạt được sự bảo đảm quốc tế về nền trung lập của Campuchia, phù hợp với lợi ích an ninh của các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho Việt Nam khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội.
- Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và tăng cường quan hệ toàn diện với Trung Quốc
Vận dụng tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt coi trọng quan hệ thân thiện hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng và xử lý đúng đắn hài hoà quan hệ với các nước lớn, Nghị quyết 13 của Bộ chính trị (5/1988) đã chủ trương phải kiên trì và chủ động bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc đối với Việt Nam vừa là nước láng giềng, vừa là nước lớn. Do vậy, việc xử lý tốt mối quan hệ với Trung Quốc có tính chất quan trọng
đặc biệt đối với hoà bình, an ninh và phát triển của Việt Nam. Vì thế mà việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Với chủ trương trên, Việt Nam đã triển khai một loạt những hoạt động đối ngoại theo hướng hòa dịu, thể theo yêu cầu của Trung Quốc như rút hết quân khỏi Campuchia sớm, sửa lời nói đầu Hiến pháp, chấm dứt tuyên truyền chống đối nhau, đề nghị giãn quân cùng các biện pháp nhằm giảm căng thẳng ở biên giới…Đàm phán cũng được nối lại từ tháng 1/1989. Tuy nhiên, trong thời gian này cho đến năm 1991, Trung Quốc chưa có thiện chí nhiều đối với những đề nghị cải thiện quan hệ giữa hai bên mà chỉ bàn về vấn đề Campuchia và dùng nó để ép Việt Nam chấp thuận những điều kiện có lợi cho họ. Nhưng với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của ngoại giao nước ta, cho đến năm 1991, khi vấn đề Campuchia được giải quyết, và Trung Quốc lúc này cũng cần môi trường ổn định để phát triển kinh tế xã hội, Trung Quốc mới