Những đặc điểm tình hình chính trị kinh tế thế giới và khu vực

Một phần của tài liệu Vận dụng sách lược Dĩ bất biến ứng vạn biến của Hồ Chí Tịch trong ngoại giao Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 (Trang 34)

Tình hình trong nước: Khi đất nước thống nhất và hoàn toàn giải phóng, thực trạng của Việt Nam lúc này phải đối đầu với những khó khăn và vô vàn thách thức: Những hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế - xã hội và những bài học kinh nghiệm rút ra từ những sai lầm trong chính sách cũng như trong quản lý và điều hành nền kinh tế đã tạo sức ép và điều kiện để Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới. Cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, mặc dù đã đóng vai trò tích cực trong thời gian chiến tranh, được duy trì quá lâu cùng với mô hình kinh tế nặng về khép kín và tự cung tự cấp, đã làm cho kinh tế đất nước đi vào trì trệ, thiếu năng động và hiệu quả, mất cân đối nghiêm trọng; lạm phát tăng vọt và kéo dài (có thời kỳ tới 775%) làm cho đời sống nhân dân rất khó khăn; kinh tế đối ngoại không tận dụng được thị trường quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển kinh tế; khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài dẫn đến căng thẳng và bất ổn trong đời sống xã hội. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước giảm sút [3, tr.35].

Đồng thời, trong khi đó Việt Nam cũng đứng trước những thách thức và tác động sâu sắc từ những đảo lộn diễn ra trên thế giới: sự tan rã của Liên Xô - Đông Âu cùng với tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã làm thay đổi cơ bản tình hình quốc tế và quan hệ quốc tế tồn tại từ

chiến tranh thế giới thứ 2. Thế giới chuyển từ hai cực sang hình thành một trật tự thế giới mới mà tạm thời Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Mâu thuẫn của thời đại cũng có sự biến đổi. Mâu thuẫn giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại nhưng không còn chi phối quan hệ quốc tế. Xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển trở thành xu thế chỉ đạo trên thế giới. Kinh tế trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định trong quan hệ quốc tế. Trong tình hình đó, tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều phải điều chỉnh chính sách theo hướng độc lập, đa dạng hoá, thích ứng nhanh với tình hình, coi trọng việc cải thiện và phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, mở rộng quan hệ với các nước lớn và các trung tâm kinh tế - chính trị theo hướng cân bằng các mối quan hệ. Điều đó làm tăng xu thế đối thoại và hòa dịu. Tại Đại hội VI ( 15-18/12/1986 ) , Đảng ta đã nhận định : “ Việc Liên Xô và Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán ở cấp cao làm cho hình thái đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình giữa hai hệ thống xã hội đối lập được củng cố và phát triển” [9, tr.36], rõ ràng các nước lớn đều phải điều chỉnh chiến lược.

Mỹ với ưu thế vượt trội đã ráo riết triển khai "chính sách đơn phương", tận dụng mọi ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật, sử dụng vũ lực với quy mô và cường độ lớn để áp đặt và thiết lập "vai trò lãnh đạo thế giới". Các nước lớn tuy không tán thành hoặc phản đối Mỹ nhưng đều không muốn làm đổ vỡ quan hệ với Mỹ, cuộc đấu tranh giữa họ diễn biến phức tạp và tác động đến các nước khác. Chính sách an ninh, đối ngoại cụ thể của Mỹ là: một mặt tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô, khai thác thị trường Trung Quốc, đồng thời cản trở Trung Quốc giải phóng Đài Loan và tác động vào nội bộ Trung Quốc. Mặt khác Mỹ cũng đẩy mạnh hòa hoãn với Liên Xô, tiến hành đàm phán với Liên Xô về các vấn đề vũ khí chiến lược ( tháng 11 năm 1986, tại Râykiavich, Mỹ và Liên Xô đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 50% vũ khí chiến lược trong 05 năm, hủy bỏ tên lửa tầm trung

ở Châu Âu, Mỹ đồng ý hoãn triển khai sáng kiến tên lửa phòng thủ chiến lược trong vòng 5 năm tới) và tăng cường quan hệ song phương.

Còn Liên Xô, thì một mặt thúc đẩy bình thường hóa và cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhằm phân hóa Trung Quốc – Mỹ, tạo môi trường ổn định phía Nam cho mình và khai thác thị trường Trung Quốc, mặt khác Liên Xô vẫn muốn kiềm chế Trung Quốc. Từ đầu năm 1989, Liên Xô đã có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại: thực hiện rút quân và một số căn cứ quân sự ở nước ngoài rút quân khỏi Apgannixtăng và một số nước Đông Âu, giảm hoặc cắt viện trợ kinh tế, quân sự. Liên Xô gần như bỏ rơi Cu Ba, khuyến khích Việt Nam “tự do hóa” và rút quân khỏi Campuchia; thúc ép Êtiopia thương lượng với những người nổi dậy ở Êritoria, xích lại gần Ixaren và những nước Ảrập ôn hòa...Đến cuối năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu lần lượt sụp đổ và tháng 12/1991, Liên Xô tan rã, khối Vacsava giải thể, trật tự thế giới hai cực kết thúc.

Trên đà thắng lợi của cải cách nông nghiệp và của bước đầu xây dựng 04 đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và Phúc Kiến, Trung Quốc mở rộng sản xuất sang lĩnh vực công nghiệp. Trung Quốc tiếp tục thực hiện ba yêu cầu chiến lược là tranh thủ vốn và khoa học kỹ thuật của phương Tây nhằm phục vụ bốn hiện đại hóa, tranh thủ Liên Xô, vùa thu hút viện trợ để cải tạo các công trình do Liên Xô giúp xây dựng trước đây vừa nhằm kiềm chế Hoa Kỳ, từ đó tạo thế ba cực, từng bước đi tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam để tạo thế cân bằng với các nước khác ở Đông Nam Á, duy trì ảnh hưởng ở khu vực này. Trung Quốc muốn đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc giải quyết các vấn đề Châu Á, đặc biệt là vấn đề Campuchia. Nhưng sự kiện Thiên An Môn xảy ra tháng 06/1989 buộc Trung Quốc phải có chuyển hướng đối ngoại thích hợp.

Nhìn lại bối cảnh thế giới và khu vực trong giai đoạn này, có thể thấy, khi “kết thúc chiến tranh lạnh” đã có nhiều vấn đề toàn cầu nảy sinh mà đòi hỏi phải có sự hợp tác của tất cả các nước để giải quyết, các nước đều đặt ưu tiên cao cho phát triển kinh tế vì kinh tế trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định trong sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia. Đồng thời các nước đều đẩy mạnh đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nhằm tạo vị thế thuận lợi cho an ninh và phát triển của mỗi đất nước. Do đó, tập hợp lực lượng xuất phát từ lợi ích quốc gia và nó diễn ra một cách cơ động, linh hoạt theo từng vấn đề và từng thời gian. Chính vì nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia tăng lên đáng kể, cùng với xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa, một loạt các tổ chức khu vực đã ra đời như : Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Khu vực Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực Tự do thương mại ASEAN (AFTA), Cộng đồng Phát triển Miền Nam Châu Phi (1992), Thị Trường chung Đông Nam – Châu phi – COMESA (1993), và Liên minh Kinh tế - tiền tệ các nước Tây Phi (1994), Mô hình hợp tác giữa các nước Châu Mỹ và Châu Á hai bờ Thái Bình Dương tiếp tục phát triển trong khuôn khổ APEC. Hợp tác Á – Âu với việc tổ chức Hội nghị cấp cao Á – Âu cũng bắt đầu được khởi động.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á cũng có những bước chuyển biến mới khá thuận lợi. Hiệp định Pari về Campuchia được ký ngày 23/10/1991. Sau đó, tổng tuyển cử được tiến hành vào tháng 06/1993 đã bầu ra Quốc hội mới và Chính phủ Liên hiệp hai đảng ở Campuchia được thành lập. Cũng trong năm 1993, Mỹ đã rút khỏi hai căn cứ không quân Clác và hải quân Xu bích ở Philippin. Những diễn biến mới đó đã dẫn tới kết quả là lần đầu tiên trong lịch sử từ sau chiến tranh thế giới thứ hai , Đông Nam Á không còn căn cứ quân sự và quân đội nước ngoài, không còn đối đầu. Các nước trong khu vực có điều kiện để hội nhập, hợp tác cùng nhau phấn đấu cho một Đông

Nam Á hòa bình, độc lập, ổn định và phát triển, tiến tới xây dựng tổ chức ASEAN ngày một lớn mạnh và khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển ở trình độ ngày càng cao, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Dưới tác động của cuộc cách mạng này, nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới - kinh tế tri thức với những đặc điểm khác hẳn với loại hình kinh tế trước. Toàn cầu hoá tiếp tục phát triển nhanh, trở thành xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh; kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế [7, tr.77].

Quá trình toàn cầu hoá trong thời kỳ này đã có những đặc điểm và sự phức tạp mới so với trước. Một là, toàn cầu hoá đã đi vào chiều sâu, phát triển sang các lĩnh vực như dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đòi hỏi các quốc gia phải điều chỉnh luật pháp và chính sách trong nước để thích ứng (nhất là khi tham gia các thể chế hội nhập như ASEAN, APEC, WTO) làm cho các nước lo ngại chủ quyền quốc gia và quyền độc lập hoạch định chính sách bị ảnh hưởng. Hai là, do quá trình toàn cầu hoá ngày càng phát triển (đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế), mức độ tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế tăng lên làm cho các quốc gia dễ bị tổn thương trước nguy cơ lây lan của các khủng hoảng.

Ba là, các nền kinh tế có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng luôn đứng trước những rủi ro khác về an ninh kinh tế do sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu, vốn và công nghệ bên ngoài. Tình hình đó cộng với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính ở khu vực Đông á (cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế Mê - hi- cô năm 1994) làm cho nhiều nước lo ngại về những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đến an ninh kinh tế mà cả về thể chế chính trị (cuộc khủng

hoảng đã làm sụp đổ thể chế chính trị Su-ha-to ở Indonesia, thay đổi chính quyền ở Thái Lan và Hàn Quốc).

Tình hình Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn này không ổn định với những diễn biến phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á 1997 đã làm cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong khu vực trở nên thiếu ổn định nghiêm trọng ở một số nước. Ngay cả sau khi đã phục hồi nhưng môi trường hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn một số nhân tố gây mất ổn định, các hoạt động khủng bố xuất hiện và tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, do vị trí quan trọng về địa - chính trị và kinh tế, Đông Nam Á đang trở thành khu vực tranh chấp ảnh hưởng của các nước lớn và do đó, các nước trong khu vực đều bị tác động ở mức độ khác nhau của cuộc tranh giành này.

Nhưng trong thời kỳ này, các nước Đông Nam Á cũng đang nằm trong thời kỳ chuyển hóa sâu sắc về chính trị và kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 làm cho vị thế của Đông Nam Á không còn như trước. Nhưng hậu quả của cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến tình trạng làm mất ổn định về chính trị - xã hội khá nghiêm trọng ở một số nước, đặc biệt là Inđônêsia và Philippin. Mặc dù kinh tế khu vực đang phục hồi nhưng vẫn chưa vững chắc do kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, nhất là kinh tế Mỹ. Môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực chưa thật sự bền vững, tiềm ẩn một số nhân tố có thể gây mất ổn định. Trong nội bộ một số nước và giữa các nước với nhau vẫn còn tồn tại mâu thuẩn: xung đột về sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp biên giới đất liền, hải đảo, đặc biệt là tranh chấp ở biển Đông. Và những nhân tố bất trắc đầy tiềm ẩn này chỉ chờ có dịp là bùng nổ. Những diễn biến trong quan hệ giữa các nước lớn, và sự dính líu, can thiệp dưới nhiều hình thức mới có thể gây nên không ít phức tạp cho các quốc gia và quan hệ giữa các nước trong khu vực với nhau.

Nhìn chung, từ những đặc điểm nêu trên, quan hệ quốc tế trong giai đoạn này nổi lên những xu thế chủ yếu sau:

- Hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc của các dân tộc và quốc gia trên thế giới. Các nước dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

- Các quốc gia lớn, nhỏ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Hợp tác ngày càng tăng nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt.

- Các dân tộc nâng cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đấu tranh chống lại sự áp đặt và can thiệp của nước ngoài, bảo vệ độc lập chủ quyền và nền văn hóa dân tộc.

- Các nước xã hội chủ nghĩa, các Đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cách mạng, tiến bộ khác nhau trên thế giới kiên trì đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình.

Và cũng chính các đặc điểm và xu thế trên đã làm nảy sinh tính đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế và trong chính sách đối ngoại của từng nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Đứng trước tình hình bối cảnh thế giới khu vực và thực trạng đất nước như trên, Đảng và nhà nước Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Trong đó có việc điều chỉnh, đổi mới đường lối chiến lược đối ngoại cho phù hợp với bối cảnh quốc tế.

Một phần của tài liệu Vận dụng sách lược Dĩ bất biến ứng vạn biến của Hồ Chí Tịch trong ngoại giao Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 (Trang 34)