- Về mặt đối ngoại
Môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và biến động liên tục, khó lường. Hình thức quan hệ hiện nay giữa các nước chủ yếu dưới dạng vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình. Vì thế, các mối quan hệ quốc tế ngày càng trở nên đa dạng , phức tạp, nhiều tầng nấc, đan cài, chồng chéo vào nhau. Dưới góc độ chủ quyền quốc gia, khắc phục những khó khăn, thách thức trên là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp đòi hỏi mỗi quốc gia phải hết sức linh hoạt, năng động trong các hoạt động đối ngoại. Hay nói cách khác, quốc gia đó phải biết “vạn biến”. “Vạn biến” ở đây được hiểu là những sách lược, chiến thuật, biện pháp sáng tạo, năng động; là những con đường và cách thức tiến thoái đa dạng để đi đến mục tiêu “bất biến”. Chẳng hạn, trong quan hệ với cùng 01 đối tác (ví dụ quan hệ hiện nay của Việt Nam với Mỹ) có những khía cạnh phải đấu tranh mạnh mẽ, có những lĩnh vực lại có thể hợp tác, thỏa hiệp. Hoặc ngay trong một vấn đề ( chẳng hạn như vấn đề nhân quyền) các biện pháp hợp tác và đấu tranh đan xen, kết hợp rất khó tách bạch rạch ròi. Quan hệ quốc tế càng rộng thì mâu thuẩn, va chạm lợi ích càng lớn. Việc dung hòa lợi ích quốc gia, vì thế, lại càng trở nên khó khăn hơn đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó tình hình phức tạp nhất hiện nay mà cả thế giới đều quan tâm, đấy là vấn đề khủng bố và chống khủng bố; tình hình các điểm nóng (Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, biển Đông…) chưa có dấu hiệu dịu đi, thậm chí vẫn còn nguy cơ bùng nổ. Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới
chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc tiếp tục phát triển nhưng chưa đủ mạnh để tạo nên đột biến. Trong vài thập kỷ tới, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột, chạy đua vũ trang, khủng bố… còn xảy ra ở nhiều nơi với quy mô, mức độ khác nhau. Tuy vậy hoà bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định; chủ nghĩa khủng bố hoạt động ở một số nước; sự cọ sát tranh chấp lợi ích giữa các nước lớn đối với khu vực có thể tăng lên. Trước tình hình đó, sự gắn kết trong ASEAN và vị trí của Hiệp hội trên trường quốc tế sẽ gặp nhiều thách thức tuy ASEAN vẫn là một nhân tố quan trọng đối với hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực. Tình hình an ninh, chính trị ở Lào, Căm-pu-chia có thể phức tạp hơn. Đối với Việt Nam, các thế lực phản động quốc tế tiếp tục thực hiện diễn biến hoà bình, kích động các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo, sắc tộc, tăng cường hỗ trợ các thế lực phản động xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam vẫn tiếp diễn, có thể với những hình thức mức độ khác nhau.
Về kinh tế, kinh tế thế giới và khu vực có khả năng từng bước phục hồi đà phát triển nhưng vẫn ẩn chứa những nguy cơ; sự lên xuống của đồng Đô - la Mỹ, giá nguyên vật liệu biến động, nhất là giá vàng, dầu lửa; kinh tế một số nước có xu hướng phát triển quá "nóng" (Trung Quốc). Xu thế toàn cầu hoá sẽ tiếp tục mở rộng. Việt Nam ngày càng phải thực hiện đầy đủ hơn các cam kết trong AFTA, WTO, trong các thoả thuận kinh tế đa phương và song phương, sẽ đứng trước sức ép rất lớn phải chủ động và khẩn trương nhiều hơn nữa trong hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không muốn lâm vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các nước trên thị trường thế giới. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hết sức nặng nề. Bốn nguy cơ đối với Việt Nam mà Đảng đã chỉ rõ vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp, đan xen, tác
động lẫn nhau, không thể xem nhẹ nguy cơ nào. Nhìn từ góc độ đối ngoại, nguy cơ bị tụt hậu có khả năng tác động mạnh tới diễn biến của các nguy cơ khác.