Đặc điểm thủy văn

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ven biển tỉnh thừa thiên huế và đề xuất sinh kế cho phát triển bền vững (Trang 31)

* Sông ngòi

- Đặc điểm chung:

Do cấu tạo địa chất, địa hình, tính chất nhiệt - ẩm và mưa theo mùa, sông ngòi của Thừa Thiên Huế có các đặc điểm sau:

+ Phần lớn các sông đều bắt nguồn từ phía Đông của Trường Sơn, chảy theo hướng Tây - Đông, đầu nguồn độ dốc lớn, ở hạ lưu sông chảy quanh co, độ dốc thấp và cửa sông hẹp.

+ Diện tích các lưu vực sông không lớn, lớn nhất là sông Hương với diện tích lưu vực khoảng 1.626 km2. Lớp phủ thực vật miền núi của các sông đang bị nghèo đi, dễ gây lũ quét và ngập úng cho vùng đồng bằng.

+ Chế độ nước sông phụ thuộc vào chế độ mưa, lượng nước các sông thay đổi và chênh lệch lớn theo mùa trong năm.

Bảng 2.1. Lưu lượng dòng chảy của các sông chính ở khu vực

Sông Lưu lượng trung bình tháng IV (m3/s)

Lưu lượng trung bình tháng XI (m3/s)

Sông Bồ 11,25 605

Sông Hương 14 1990

+ Hàm lượng phù sa thấp trung bình 77,5 g/m3. Lượng phù sa thay đổi theo mùa: mùa khô có lượng phù sa thấp và tăng cao vào mùa mưa.

- Các sông chính:

+ Sông Ô Lâu: bắt nguồn từ phía bắc huyện Phong Điền với hai nhánh chảy song song. Qua Mỹ Chánh, hai nhánh sông gặp nhau ở cầu Phước Tích rồi chảy vào Vân Trình để đổ vào phá Tam Giang.

+ Sông Bồ: bắt nguồn từ vùng núi Đông Nam A Lưới chảy về phía Bắc, dọc đường tiếp nhận thêm nhiều nguồn nước của các sông: Rào Nhỏ, Rào La, Rào Tràng,… khi về đồng bằng hội với sông Hương ở ngã ba Sình. (Sông Bồ được xem là phụ lưu của sông Hương).

+ Sông Hương: thượng nguồn gồm hai nhánh: Tả Trạch và Hữu Trạch. Tả Trạch bắt nguồn từ khối núi Bạch Mã, núi Mang và Aline, đổ về phía Bắc qua Lương Miêu và nhập lưu với Hữu Trạch tại Bản Lang. Tại đây, sông mở rộng có tên Hương Giang. Sông Hương chảy vào thành phố Huế, hạ lưu chia thành nhiều nhánh đổ ra biển ở cửa Thuận An.

+ Sông Truồi: Bắt nguồn từ vùng núi Bạch Mã, sông đào lòng mạnh ở vùng thượng nguồn, chảy theo hướng Bắc rồi chuyển sang Đông Bắc đổ vào đồng bằng và thoát nước ra đầm Cầu Hai [34].

* Nước ngầm

Thừa Thiên Huế có lượng mưa trung bình năm lớn, cân bằng ẩm luôn luôn dương cho nên lượng nước ngầm rất lớn. Nước ngầm phân bố khá rộng trừ các vùng có cấu tạo địa chất là các khối đá nền granit hoặc đá vôi.

* Hệ thống thủy văn với đời sống và sản xuất

- Cung cấp phù sa cho các đồng bằng: sông ngòi lưu lượng nhỏ và hàm lượng phù sa không cao.Tổng lượng phù sa các sông bồi đắp cho các đồng bằng hàng năm

đạt gần 1 triệu tấn. Sông ngòi của Thừa Thiên Huế được phân bố khá đều trên lãnh thổ nên đã cung cấp một lượng nước cần thiết cho sản xuất và sinh hoạt, đảm bảo tưới cho 25.746 ha trên tổng số 26.706 ha đất canh tác của tỉnh Thừa Thiên Huế.Tuy nhiên, do lượng nước thấp vào mùa khô, thuỷ triều lại xâm nhập sâu vào hạ lưu làm nước sông bị nhiễm mặn. Mùa mưa thường gây lũ lụt ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Thực tế này đòi hỏi cần phải chú ý các công trình thuỷ lợi vừa có tác dụng chống hạn vừa chống được úng.

- Khai thác thuỷ sản: Thừa Thiên Huế có khả năng phát triển ngành thủy sản dựa vào hệ thống đầm phá, vùng biển, sông ngòi, hồ, vịnh, vũng. Đây là ngành mũi nhọn được định hướng trong cơ cấu phát triển KT - XH của Tỉnh. Ngoài ra, những bãi biển đẹp như Thuận An, Lăng Cô đang trở thành những điểm du lịch nổi tiếng.

- Giao thông đường thủy: mạng lưới sông ngòi và đầm phá ở Thừa Thiên Huế phân bố rộng từ đất liền ra biển, nối liền các Huyện và Thành phố rất thuận lợi cho giao thông vận tải đường thuỷ, phục vụ du lịch. Các cảng biển Thuận An, Chân Mây thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ven biển tỉnh thừa thiên huế và đề xuất sinh kế cho phát triển bền vững (Trang 31)