Ảnh hưởng của nhiệt độ

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ven biển tỉnh thừa thiên huế và đề xuất sinh kế cho phát triển bền vững (Trang 49)

Đối với sinh vật, nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến hình thái, chức năng sinh lý và khả năng sinh sản của nó, hay nói cách khác nhiệt độ có tác động đến quá

trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Khi nhiệt độ không khí càng cao, độ ẩm không khí càng xa độ bão hòa, cây thoát hơi nước mạnh. Khi nhiệt độ thấp, độ nhớt của nguyên sinh chất tăng lên, áp suất thấm lọc giảm nên rễ hút nước khó khăn không đủ cung cấp cho cây.

Trong giai đoạn từ 2001 – 2012, nhiệt độ có sự thay đổi dao động từ 23,90 – 25,40C, trung bình nhiệt độ tăng lên 0,0430C/năm nhưng tăng không liên tục giữa các năm. Năm 2003, nhiệt độ trung bình đạt 25,20C nhưng năm 2011 nhiệt độ xuống 23,90C; đặc biệt có sự chênh lệch lớn của nhiệt độ vào năm 2010 (25,40C) và 2011 (23,90C). Biên độ dao động nhiệt độ trung bình trong năm lớn.

Với sự diễn biến phức tạp của nhiệt độ đã gây ảnh hưởng đến ngành trồng trọt ở vùng ĐBVB tỉnh Thừa Thiên Huế. Diện tích lúa có xu hướng giảm nhẹ, giảm 3.119,5 ha từ thời điểm cao nhất 29.144,7 ha (năm 2001) đến thời điểm thấp nhất 26.025,2 ha (năm 2005). Diện tích cây thực phẩm cũng có sự biến động lớn, giảm 1.249,8 ha trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay. Nhìn chung, diện tích trồng trọt ở khu vựcĐBVB có xu hướng ngày càng thu hẹp.

Hình 2.13. Diện tích trồng trọt ở vùng ĐBVB tỉnh Thừa Thiên Huế

* Nguồn:Niên giám thống kê [21, 24, 27, 30, 33]

- Thừa Thiên Huế hiện có nguồn tài nguyên nước thuộc loại phong phú so với cả nước, với tổng trữ lượng nước trên lưu vực các con sông chính vào khoảng trên 5,2 triệu m3/năm.Nhưng do sự phân bố không đồng đều theo thời gian, có tới 80% lượng nước tập trung trong 2 tháng mùa mưa gây ra lũ lụt, 20% lượng nước còn lại trong mùa khô không đủ dùng gây nên tình trạng hạn hán. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao kết hợp với gió Tây Nam khô nóng hoạt động mạnh làm tăng lượng bốc hơi càng làm cho tình trạng hạn hán xảy ra mạnh hơn. Mực nước các hồ chứa xuống thấp, nguồn nước không đủ để cung cấp cho SXNN. Hàng chục ngàn ha lúa và hoa màu bị khô héo và chết hạn, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng của ngành trồng trọt.

Năm 1993, 1994, 1995 lượng mưa và lượng dòng chảy thiếu hụt từ 20 - 60% so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong đó năm 1993 bị hạn trầm trọng nhất, do có hiện tượng gió Tây khô nóng xuất hiện sớm vào đầu mùa so với

các năm khác. Năm 1993, với diện tích bị hạn chiếm 34,7% diện tích canh tác, diện tích mất trắng chiếm gần 5% diện tích canh tác. Các năm khác diện tích bị hạn chiếm 10 - 20% diện tích canh tác.

Thời điểm hạn hán trong năm 2008 (tháng VII) đã có khoảng 2.000 ha lúa bị ảnh hưởng do khô hạn, nặng nhất là ở các xã Vinh Hà, Vinh Hiền, Vinh Mỹ... (huyện Phú Lộc); xã Quảng Lợi, Quảng Thái (huyện Quảng Điền). Đây là các địa phương không chủ động được nguồn nước tưới (do chưa có hồ chứa nước), chủ yếu phụ thuộc vào mưa.

Thời điểm hạn nặng nhất vào tháng VII năm 2010 toàn tỉnh có hơn 2.000 ha lúa bị thiếu nước trầm trọng. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Phú Lộc rồi tới huyện Phong Điền, Hương Trà. Tại huyện Phú Lộc, hơn 550 ha trong tổng số 1.200 ha lúa bị gặp hạn, phân bố tại các xã ven biển; tại Vinh Hiền, Hiền Vân 2 và Tân Vinh, tôm, cá hồng, cá mú, dìa, nâu,… chết hàng loạt vì quá nóng.

Qua số liệu điều tra về mức độ ảnh hưởng của hạn hán tại địa bàn nghiên cứu, có tới 62,2% người dân lựa chọn mức ảnh hưởng lớn và 15,6% lựa chọn mức rất lớn. Như vậy, có thể thấy sự tác động trực tiếp của hạn hán tới hoạt động trồng trọt của người dân khu vực.

Hình 2.14. Tỷ lệ phần trăm ý kiến của người dân về mức độ tác động của hạn hán tới hoạt động trồng trọt

- Cùng với đó, biến động các giá trị cực đoan của nhiệt độ, nhiệt độ giảm mạnh vào mùa mưa gây ra những đợt rét đậm cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến SXNN ở khu vực nghiên cứu.

Bước vào đầu vụ Đông Xuân 2007 - 2008, rét đậm, rét hại kéo dài đã làm cho nhiều diện tích lúa, lạc, đậu đỗ không gieo được theo khung lịch thời vụ. Khu vực nghiên cứu thuộc huyện Quảng Điền có 743 ha lúa, 277 ha lạc đã gieo bị chết phải gieo trồng lại dẫn đến trể so với thời vụ hơn 1 tháng, diện tích lúa gieo trước rét kéo dài thời gian sinh trưởng từ 7 - 10 ngày nên khó khăn trong việc thực hiện lịch thời vụ. Còn tại các xã thuộc huyện Phong Điền, ở những đơn vị thấp trũng phải triển

khai đấu úng, gieo cấy chậm từ 5 – 7 ngày so với lịch thời vụ với diện tích khoảng 500 ha [31].

Vào năm 2011, do ảnh hưởng của 2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt là ảnh hưởng của không khí lạnh kèm theo mưa kéo dài từ ngày 06/01/2011 đến ngày 03/02/2011 làm ngập úng ở huyện Quảng Điền 377 ha lúa đã gieo sạ, trong đó diện tích lúa thiệt hại phải gieo sạ lại 86,5 ha, nhiều diện tích rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày chậm phát triển. Do mưa rét kéo dài nên thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài hơn bình thường từ 15-20 ngày đã làm ảnh hưởng đến thời vụ Hè thu; nhiều diện tích rau, màu, hoa phục vụ tết đều bị thiệt hại nặng, trong đó có 6,2 ha ngô vụ Đông Xuân bị chết toàn bộ [31].

- Nhiệt độ biến động cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên cây trồng. Tình hình dịch bệnh phát triển mạnh, đã gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây trồng, làm năng suất và sản lượng nông nghiệp đều bị suy giảm. Nhiều đối tượng sâu bệnh xuất hiện và gây hại trên diện rộng như: đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy các loại, sâu cuốn lá… Nhiệt độ tăng làm dịch bệnh xuất hiện với tần suất và diễn biến ngày càng phức tạp, một số loại sâu bệnh mới xuất hiện đe dọa cho hoạt động nông nghiệp của khu vực.

Năm 2007, thời tiết nắng ấm kéo dài, các đối tượng sâu bệnh. Trên địa bàn huyện Phú Vang, bệnh đạo ôn lá, cổ bông với diện tích bị nhiễm 445 ha; khô vằn cuối vụ nhiễm 625 ha; bệnh thối thân thối bẹ bị nhiễm 215 ha. Đặc biệt có 2 đối tượng xuất hiện và gây hại nhiều hơn các năm trước là bệnh lem lép hạt nhiễm 1.100 ha (tăng 220 ha so với năm 2006); nhện gié nhiễm nhẹ 210 ha [28].

Năm 2008, vụ Đông Xuân trên địa bàn các xã thuộc huyện Quảng Điền, sâu cuốn lá xuất hiện, gây hại mạnh kéo dài trong cả vụ làm khoảng 1.450 ha bị nhiễm, trong đó khoảng 150 ha bị trắng lá; rầy các loại: Phát sinh, gây hại mạnh cuối vụ trên khoảng 1.400 ha, mật độ khá cao, cục bộ có 1 ha cháy từng chòm [31].

Năm 2011, trên địa bàn nghiên cứu thuộc huyện Quảng Điền, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp. Đầu vụ, bệnh lùn sọc đen gây hại trên diện tích 19,2

ha, với tỷ lệ bệnh 1 - 3% phân bố rải rác ở các hợp tác xã; một số đối tượng như dòi đục nõn, bọ trĩ, sâu cuốn lá,... gây hại với mật độ thấp;bệnh đạo ôn xuất hiện và gây cháy chòm với diện tích 15 ha, trong đó có 6,0 ha cháy nặng tập trung ở Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Lợi, Quảng Thái [31].

Năm 2012, khu vực thuộc huyện Phú Vang, bệnh đạo ôn lá làm nhiễm ha giảm 193 ha so với vụ Đông Xuân năm trước, trong đó diện tích nhiễm nặng 8,9 ha cục bộ gây cháy chòm trên giống X21, Xi23, BC15 tập trung ở Phú Đa, Vinh Xuân, Phú Diên, Phú Mỹ; Bệnh đạo ôn cổ bông làm nhiễm 107 ha (chủ yếu giống Khang Dân), trong đó diện tích nhiễm nặng 1 ha tập trung chủ yếu ở Phú Xuân, Phú Đa. Bệnh khô vằn gây nhiễm 670 ha, tăng 90 ha so với vụ Đông Xuân năm trước, bệnh cấp 1 - 3, tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 15%, tập trung chủ yếu trên diện tích có mật độ gieo sạ dày, bón thúc đạm mạnh giai đoạn cuối. Rầy các loại nhiễm 456 ha, tăng 400 ha so với Đông Xuân năm trước, trong đó diện tích nhiễm nặng 42 ha, diện tích mất > 70% năng suất: 6 ha tập trung chủ yếu ở Phú Lương, Phú Hồ, Phú Đa,... vào giai đoạn lúa vào chắc - chín, chuẩn bị thu hoạch. Bệnh lem lép hạt nhiễm 188 ha, giảm 42 ha so vụ Đông Xuân 2011 - 2012 diện tích nhiễm bệnh rơi vào trà 3 khi lúa đang trỗ gặp đợt không khí lạnh - gió nằm rải rác ở các xã [28].

Hình 2.15. Năng suất lúa cả năm, lúa Hè Thu và Đông Xuân giai đoạn 2001 – 2012

* Nguồn: Niên giám thống kê [21, 24, 27, 30, 33]

Để đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ đến trồng trọt khu vực ĐBVB tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua bảng câu hỏi phỏng vấn với người dân địa

phương, tương ứng với các mức độ ảnh hưởng là: rất lớn, lớn, trung bình, không đáng kể và không có tác động; thì có 28,9% người dân chọn mức độ ảnh hưởng là rất lớn, mức độ lớn với tỉ lệ phần trăm lựa chọn là 57,8%, và trung bình với tỉ lệ là 13,3%, không có ý kiến lựa chọn mức độ ảnh hưởng là không đáng kể và không có tác động. Như vậy có thể thấy được sự tác động trực tiếp của nhiệt độ tới hoạt động trồng trọt trên địa bàn nghiên cứu.

Hình 2.16. Tỷ lệ phần trămý kiến của người dân về mức độ tác động của nhiệt độ tới hoạt động trồng trọt

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ven biển tỉnh thừa thiên huế và đề xuất sinh kế cho phát triển bền vững (Trang 49)