Các nhân tố tác động đến tính thời vụ trong hoạt động lữ hành

Một phần của tài liệu Giải pháp hạn chế tính mùa vụ của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội (Trang 27)

1.2.3.1. Vị trí địa lý, điều kiện thời tiết, khí hậu là nhân tố thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch và thu hút khách

Vị trí địa lý, điều kiện thời tiết, khí hậu của mỗi vùng là các nhân tố mang tính tự nhiên là nhân tố để hình thành một số loại hình du lịch tương ứng.

Điều kiện vị trí địa lý thuận lợi sẽ tạo tiền đề rất lớn cho việc khai thác các loại hình du lịch . Ví dụ ở những thành phố lớn, thủ đô các nước rất thích hợp để khai thác và phát triển loại hình du lịch MICE. Những vùng nằm gần các nguồn nước khoáng thích hợp để khai thác loại hình du lịch chữa bệnh.

Khí hậu, thời tiết ảnh hưởng khác nhau đối với các loại hình du lịch. Đối với loại hình du lịch nghỉ biển, nghỉ núi, du lịch thể thao núi mức độ ảnh hưởng của các nhân tố khí hậu và thời tiết là rất lớn. Đối với du lịch nghỉ biển các thành phần của khí hậu như cường độ ánh nắng, độ ẩm, độ mạnh và hướng của gió, nhiệt độ, cộng với một số đặc điểm khác của biển và bờ biển tài nguyên tự nhiên du lịch như: độ sâu của bờ biển, kích thước của bãi tắm…Thời tiết và khí hậu góp phần tạo ra độ dài của thời vụ du lịch.

Như vậy, điều kiện vị trí địa lý, khí hậu và thời tiết là những nhân tố hết sức quan trọng để khai thác và phát triển các loại hình du lịch cũng như để thu hút khách. Nó tác động và góp phần tạo ra tính thời vụ du lịch.

1.2.3.2. Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn

Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn tại điểm đến có vai trò quyết định đến nhu cầu đi du lịch của khách hàng. Những tài nguyên này được sử

dụng cho nhu cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch. Việc khách du lịch lựa chọn điểm du lịch này mà không lựa chọn điểm du lịch khác phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn tại điểm đến.

Tài nguyên du lịch tự nhiên ở đây chính là các đặc điểm của địa hình, nguồn thuỷ văn, hệ động thực vật, các cảnh quan tự nhiên. Các loại địa hình khác nhau sẽ hình thành các loại hình du lịch khác nhau (du lịch khám phá, du lịch thể thao, du lịch nghiên cứu). Ví dụ như với địa hình núi non sẽ hình thành loại hình du lịch mạo hiểm, leo núi, du lịch khám phá hang động. Với các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng nguyên sinh có thể hình thành loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…Nếu biết khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý chúng ta sẽ có rất nhiều các loại hình du lịch mới và như vậy có thể “lấp chỗ trống” vào thời kỳ trái vụ hoặc tạo điều kiện cho thời vụ du lịch thứ hai phát triển.

Tài nguyên du lịch nhân văn là tất cả những giá trị văn hoá do con người sáng tạo ra và là đối tượng khai thác của hoạt động du lịch, bao gồm: các di tích lịch sử - văn hoá, các bảo tàng, các lễ hội, dân tộc học, các loại hình nghệ thuật, các sự kiện văn hoá, thể thao, ẩm thực… Tài nguyên du lịch nhân văn càng phong phú bao nhiêu thì càng tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch bấy nhiêu. Các tài nguyên du lịch nhân văn chính là nguồn chất liệu dồi dào để khai thác phong phú các loại hình du lịch. Nếu khai thác khéo léo các tài nguyên du lịch nhân văn chúng ta sẽ có các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn và có thể triển khai quanh năm. Ví dụ đầu năm chúng ta có thể khai thác các hoạt động du lịch lễ hội, vào các thời gian khác trong năm chúng ta có thể khai thác các sự kiện văn hoá, thể thao, các làng nghề, … để phát triển du lịch. Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ phát triển du lịch là cách tốt nhất để giảm thiểu những tác động bất lợi của thời vụ du lịch.

Có thể nói, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn tại điểm đến đóng vai trò quyết định đến việc hình thành và khai thác các loại hình du lịch. Không có các tài nguyên du lịch thì sẽ không có các điểm đến và không có

nhu cầu của khách hàng. Đồng thời việc hình thành loại hình du lịch gì là phụ thuộc việc sử dụng loại tài nguyên nào trong các chương trình du lịch. Vì vậy, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn tác động đến tính thời vụ du lịch trên cả hai mặt. Một mặt nó góp phần tạo ra thời vụ du lịch, mặt khác nó tạo điều kiện cho thời vụ thứ hai, thời vụ du lịch mới phát triển.

1.2.3.3. Cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch

Cơ sở hạ tầng là nhân tố đặc biệt quan trọng cho sự phát triển du lịch. Thực tế đã chứng minh rằng nơi nào có cơ sở hạ tầng phát triển thì sẽ kéo dài được thời vụ du lịch đồng thời tạo điều kiện khai thác các loại hình du lịch gối vụ vào thời kỳ thấp điểm. Ở các khu nghỉ biển có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển thì không chỉ thu hút được khách vào mùa hè mà còn có thể phát triển các loại hình du lịch khác vào thời kỳ trái vụ như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch sự kiện, du lịch MICE,…Hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm: các phương tiện vận chuyển, các cơ sở lưu trú, ăn uống, các phòng họp, khu vui chơi giải trí, phòng tập, bưu chính – viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, mạng lưới giao thông, điện nước…. Điều kiện về cơ sở hạ tầng làm cho du khách có cảm giác thoải mái và tiện nghi cho mỗi chuyến đi, tạo sức hấp dẫn thu hút du khách. Đồng thời cũng chính điều kiện cơ sở hạ tầng tạo điều kiện để phát triển các thể loại du lịch mới, đặc biệt là các thể loại như du lịch MICE, du lịch chữa bệnh, du lịch sự kiện…

1.2.3.4. Chính sách phát triển du lịch của quốc gia, từng vùng, từng địa phương Du lịch đã được các quốc gia nhìn nhận và đánh giá là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Hoạt động du lịch chỉ được thực hiện khi có sự tham gia của rất nhiều ngành kinh tế khác: giao thông vận tải, văn hoá, an ninh, bưu chính viễn thông, điện nước, ngân hàng, ytế, nông nghiệp...Hơn nữa nó không chỉ diễn ra tại một địa phương mà diễn ra ở các địa phương có tài nguyên du lịch tại điểm đến. Nếu không có định hướng và chính sách phát triển cụ thể sẽ gây ra sự chồng chéo trong quản lý, cản trở sự phát triển của hoạt động du lịch. (Ví dụ như hoạt động du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên chỉ có thể được tiến hành khi có sự thống nhất

giữa ngành du lịch, kiểm lâm và chính quyền địa phương). Nó cũng đòi hỏi sự tham ra của rất nhiều các tầng lớp dân cư (người lao động tại các làng nghề sản xuất hàng lưu niệm, trong khách sạn, và các ngành khác như hải quan, an ninh, ...). Như vậy, chính sách phát triển du lịch của quốc gia có vai trò chỉ đạo và định hướng cho hoạt động du lịch phát triển. Các quốc gia coi du lịch là ngành kinh tế chủ sẽ có chính sách phát triển du lịch mạnh mẽ, ngược lại nếu xem nhẹ vai trò của ngành du lịch sẽ có các chính sách khác.

Ngày nay, các mối quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia đã tạo tiền đề tốt cho phát triển du lịch. Đường lối đối ngoại rộng mở của quốc gia (miễn thị thực với công dân nước ngoài, giảm thiểu các thủ tục hành chính tại các cửa khẩu, sân bay, nhà ga hay áp dụng cơ chế một giá với cả khách du lịch quốc tế và nội địa...) tạo ra tính cạnh tranh và khả năng thu hút khách. Nó tạo ra sự thuận lợi, dễ dàng cho chuyến đi của khách, cửa vào của mỗi quốc gia được mở rộng. Điều này, tạo ra một xu thế mới trong du lịch: du lịch không biên giới, kích thích cả cung và cầu du lịch ngày càng phát triển.

Các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền quảng bá cho các điểm đến nhằm mục đích xây dựng hình ảnh du lịch cho từng vùng miền, từng quốc gia sẽ tạo tiền đề cho hấp dẫn du khách, tăng cầu du lịch. Và như vậy sẽ có tác dụng kích cầu vào thời kỳ thấp điểm của thời vụ du lịch hoặc kích thích thời vụ du lịch mới phát triển.

Rõ ràng, chính sách phát triển du lịch của quốc gia, từng vùng, từng địa phương tạo điều kiện cho du lịch phát triển, góp phần không nhỏ hạn chế tính thời vụ du lịch.

1.2.3.5. Điều kiện kinh tế - xã hội

a. Điều kiện kinh tế

Trước hết phải khẳng định rằng, kinh tế phát triển sẽ cho phép chúng ta phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm đến, phát triển sản xuất dịch vụ phục vụ phát triển du lịch: hệ thống khách sạn hiện đại, đường xá, phương tiện vận chuyển, các dịch vụ bổ trợ, các hàng hoá… Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách tại mọi

thời điểm sẽ giúp chúng ta khai thác các loại hình du lịch mới vào thời kỳ thấp điểm: du lịch MICE, du lịch sự kiện,…

Kinh tế phát triển sẽ khích thích cả cung và cầu du lịch. Điều kiện sống cao hơn, áp lực công việc lớn con người đòi hỏi nhu cầu cao hơn về nghỉ ngơi giải trí, dành thời gian và sự quan tâm nhiều hơn tới hoạt động du lịch. Điều này cho phép các nhà kinh doanh lữ hành có nhiều cơ hội để khai thác nhu cầu đó bằng việc xây dựng các chương trình du lịch phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đối tượng khách.

b. Điều kiện xã hội

Thời gian nhàn rỗi: Một trong những điều kiện cần thiết quan trọng để con người có thể đi du lịch là phải có thời gian rỗi.

Khi xét tác động của thời gian rỗi lên tính thời vụ trong kinh doanh lữ hành phải xét từ hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là thời gian nghỉ phép trong năm có thể tác động lên thời vụ du lịch, do độ dài của thời gian nghỉ phép và thời gian sử dụng phép trong năm. Khi đó họ có xu hướng chọn thời gian chính vụ để đi nghỉ, với mong muốn tận hưởng được những cái tốt nhất cho những ngày nghỉ phép quý giá. Do vậy, sự tập trung của cầu du lịch sẽ thường cao vào thời vụ du lịch chính. Hiện nay, số ngày nghỉ phép của người dân trên thế giới có xu hướng tăng lên. Nếu số ngày nghỉ phép năm được kéo dài sẽ cho phép con người có thể đi du lịch nhiều lần hơn trong năm và từ đó thì tỷ trọng tương đối của nhu cầu du lịch tập trung vào thời vụ chính sẽ giảm trong tổng số nhu cầu cả năm. Sự gia tăng thời gian nhàn rỗi góp phần làm giảm cường độ của thời vụ du lịch và tăng cường độ tập trung nhu cầu vào ngoài thời vụ du lịch truyền thống.

Khía cạnh thứ hai của thời gian rỗi là thời gian nghỉ của các trường học. Thời gian nghỉ học trong năm tác động lên thời gian rỗi của học sinh, của cha mẹ chúng và qua đó đóng vai trò giới hạn trong việc lựa chọn thời gian đi du lịch của các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi đi học. Tác động của thời gian nghỉ của các trường học cũng phải được nghiên cứu đến hai mặt: Độ dài của thời gian nghỉ và sự phân bố của thời gian nghỉ trong năm. Thông thường ở

các nước nghỉ hè là kỳ nghỉ dài nhất của học sinh. Ở một số nước có khí hậu lạnh thì ngoài kỳ nghỉ hè còn có kỳ nghỉ đông. Do vậy, đối với các nơi phát triển du lịch nghỉ biển, du lịch nghỉ núi tác động của nhân tố thời gian nghỉ của các trường học lên tính thời vụ du lịch biểu hiện khá rõ nét.

Khi nghiên cứu mức độ tác động của thời gian nghỉ của trường học gây lên sự tập trung nhu cầu du lịch vào thời vụ chính, các nhà nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế thì ở mỗi nước khác nhau có cơ cấu dân cư theo độ tuổi và hoàn cảnh gia đình khác nhau.

Phong tục tập quán: phong tục, tập quán là những nhân tố tác động trực tiếp lên cầu du lịch và tạo lên sự tập trung của cầu du lịch vào những thời vụ nhất định.

Thông thường các phong tục tập quán có tính chất lịch sử bền vững. Cùng với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội có thể sẽ tạo thêm nhiều phong tục mới, nhưng khó có thể thay đổi được những phong tục cũ. Nhiều khi phong tục đã tạo nên thói quen cho con người (đi du lịch biển phải vào mùa hè, du lịch lễ hội phải vào mùa xuân). Ở Việt Nam, tác động của nhân tố phong tục lên tính thời vụ du lịch thật là mạnh mẽ và rõ ràng. Theo phong tục thì những tháng đầu năm là những tháng hội hè, lễ bái. Vào khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 âm lịch là hội của hầu hết các đình, chùa, đền…mặc dù thời tiết mưa nhiều và ẩm thấp.

Vì vậy phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi thị trường khách nếu được vận dụng để xây dựng các sản phẩm du lịch thoả mãn nhu cầu đa dạng của du khách thì sẽ góp phần tích cực hạn chế tính thời vụ du lịch.

1.3. Các giải pháp hạn chế tính thời vụ trong hoạt động lữ hành

Một phần của tài liệu Giải pháp hạn chế tính mùa vụ của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)