Quan hệ cha mẹ-con cái

Một phần của tài liệu Ly hôn ở nông thôn Thực trạng, nguyên nhân và hậu quả (Nghiên cứu trường hợp huyện Bình Xuyên-tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 60)

IV. MỘT SỐ HẬU QUẢ CỦA LY HÔN

4.1.3.Quan hệ cha mẹ-con cái

Phân tích hồ sơ các trường hợp ly hôn tại tòa án nhân dân huyện Bình Xuyên, chúng tôi thấy rằng, phụ nữ không muốn gia đình mình tan vỡ, họ lo cho tương lai những đứa con của họ. Tuy nhiên, họ vẫn phải ly hôn vì không chịu đựng được cuộc sống hiện tại.

Trừ các cặp ly hôn không có con chung, trong các mối quan hệ cần giải quyết sau ly hôn, quan hệ giữa cha mẹ- con cái là quan hệ lâu dài, thận trọng. Đây là mối quan hệ duy nhất còn ràng buộc các bên sau ly hôn. Quan hệ này có một vai trò hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn tới tương lai của đứa trẻ và đây cũng là điều khó xử cho toà án khi xử ly hôn. Nếu toà án quyết định cho đứa trẻ ở với người mẹ hay người cha, mà họ không đủ năng lực, điều kiện nuôi dưỡng, đứa trẻ đó khó đảm bảo phát triển đầy đủ cả mặt thể chất lẫn tinh thần sau này.

“Anh C và M được tòa án Bình Xuyên thuận tình cho ly hôn năm 2004. Sau khi ly hôn, toà xử cho anh C được quyền nuôi 1 cháu gái, 4 tuổi. Năm 2005, anh C vào tù. Chị M đưa đơn lên toà án huyện và yêu cầu được nuôi cháu bé, tòa án đã đồng ý để chị M được chăm sóc và nuôi dưỡng cháu bé”.

( Hồ sơ ly hôn, nam, 37 tuổi, nông nghiệp)

Những tranh chấp về mặt pháp lý trong quan hệ giữa cha mẹ với con cái sau ly hôn xảy ra dưới dạng: thay đổi quyền nuôi con và cấp dưỡng nuôi con.

Trong số các trường hợp ly hôn ở huyện Bình Xuyên trong 3 năm (2004, 2005 và 2006), có 95% số trường hợp ly hôn yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con chung tới khi con của họ tròn 18 tuổi. Số tiền cấp dưỡng tuỳ theo khả năng, và điều kiện của vợ hoặc chồng. Qua phân tích số liệu, chúng tôi thấy rằng, ở huyện Bình Xuyên, số tiền cấp dưỡng nuôi con thường từ 50-80 nghìn đồng/tháng/con. Rất ít trường hợp cấp dưỡng trên 100 nghìn/tháng. Trong những trường hợp cấp dưỡng, tòa án sẽ xem xét điều kiện thực tế hay thu nhập của người cấp dưỡng (vợ hoặc chồng) mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con sẽ là bao nhiêu.

Trong thực tế, có cặp vợ chồng, sau khi Toà đã định mức tiền đóng góp nuôi con chung, họ chỉ thực hiện việc đó ở một thời gian đầu, sau đó họ không đóng góp nữa.

“Chị P, 40 tuổi, làm ruộng và anh B, 42 tuổi, làm ruộng ly hôn năm 1999. Tòa án xét xử chị P được phép nuôi hai con, con trai 6 tuổi và con gái 4 tuổi. Anh B có trách nhiệm mỗi tháng cấp dưỡng cho hai con chung là 120 nghìn đồng, cho đến khi chúng 18 tuổi. Tuy nhiên, sau 3

năm cấp dưỡng đầy đủ, anh B đã không tiếp tục cấp dưỡng nữa. Năm 2001, chị P đã gửi đơn phúc thẩm lên toà án, đề nghị toà yêu cầu anh B phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con của họ.”

(Hồ sơ ly hôn, nữ, 40 tuổi, nông nghiệp)

Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình quy định: "Nếu người phải cấp dưỡng trốn tránh việc đóng góp thì Toà án nhân dân quyết định khấu trừ vào thu nhập hoặc buộc phải nộp những phí tổn đó".

Tuy nhiên, người dân không tuân thủ điều luật này. Và việc thực thi chế tài của luật rất khó khăn. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu khoa học của trường Đại học St.Joseph's (Mỹ) như Clarie M.R và Daniel nói: Trong các gia đình ở Mỹ sau ly hôn, chỉ có 50-60% những người mẹ độc thân nhận tiền trợ cấp nuôi con và trong số họ chỉ có 48% được nhận tiền đầy đủ.1

Một phần của tài liệu Ly hôn ở nông thôn Thực trạng, nguyên nhân và hậu quả (Nghiên cứu trường hợp huyện Bình Xuyên-tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 60)