- Thời gian nằm viện sau mổ
4.1.4. Tiền sử sản khoa:
Kết quả thu được từ bảng 3.2 cho thấy 38,89% bệnh nhân chưa có đủ 2 con. Trong số này đa phần bệnh nhân tuổi còn trẻ và còn nhu cầu sinh đẻ. PTNS đã bóc u bảo tồn buồng trứng 100% ở nhóm bệnh nhân ≤ 19 tuổi và 78,85% ở nhóm tuổi 20 – 29 (bảng 3.14). Qua đó cũng thấy được sự quan tâm và hiểu biết của bệnh nhân về PTNS u buồng trứng, một phẫu thuật vừa mang tính thẩm mỹ cao vừa đảm bảo được chức năng sinh sản
4.1.5. Tiền sử VMC ổ bụng:
Bảng 3.3 cho thấy trong nghiên cứu chúng tôi gặp 30 bệnh nhân có VMC ổ bụng chiếm 13,67%, có 24 bệnh nhân VMC 1 lần (mổ đẻ, mổ u buồng trứng, mổ viêm ruột thừa,…), đặc biệt có 6 bệnh nhân tiền sử VMC ổ bụng 2 lần (5 bệnh nhân 2 lần mổ để và 1 bệnh nhân 1 lần mổ đẻ + 1 lần mổ u buồng trứng).
Trong nhóm bệnh có sẹo mổ cũ đã có 02 trường hợp phải chuyển mổ mở do dính nhiều.
Tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương trong giai đoạn đầu áp dụng PTNS, không chỉ định các trường hợp bệnh nhân có VMC ổ bụng. Trong nghiên cứu của Đỗ Thị Ngọc Lan [16] tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương giai đoạn 2001 – 2002 không thấy đề cập đến các trường hợp bệnh nhân tiền sử VMC ổ bụng.
Theo Phạm Văn Mẫn [19] năm 1996 tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương có 9 bệnh nhân u buồng trứng kèm VMC ổ bụng không trường hợp nào chỉ định PTNS, đến năm 2006 có 30/80 bệnh nhân u buồng trứng kèm VMC ổ bụng được chỉ định PTNS.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, theo nghiên cứu của Đỗ Khắc Huỳnh [14] giai đoạn 1999 – 2001 cũng không đề cập tới trường hợp nào có tiền sử VMC ổ bụng.
Tại Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương 2008, nghiên cứu của Nguyễn Bình An [25] có 5,5% trường hợp có vết mổ cũ và các trường hợp này đều đã được PTNS thành công.
Theo nghiên cứu của Miller [39] tiến hành cắt túi mật nội soi trên 121 bệnh nhân có VMC ổ bụng trên và dưới rốn tại Bệnh viện Salzburg -Austria từ năm 1990 – 1992 thành công 120 trường hợp, chỉ có một trường hợp chuyển mổ mở do tổn thương hỗng tràng, tỉ lệ tai biến 1,6%, thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện sau mổ không dài hơn so với phẫu thuật mổ mở.
Trong nghiên cứu của Seifman [47] tại Hoa Kỳ đã tiến hành 76 phẫu thuật nội soi tuyến thượng thận và thận qua ổ phúc mạc trên bệnh nhân có VMC ổ bụng, tỉ lệ tai biến 4%.
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy trên thế giới phẫu thuật nội soi ổ bụng trên bệnh nhân có VMC đã được các phẫu thuật viên thực hiện từ rất sớm [44], [48].
Trong gian đoạn hiện nay có thể thấy được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng nói chung và PTNS u buồng trứng nói riêng có liên quan tới tiền sử VMC ổ bụng đã có sự thay đổi rõ rệt, kỹ năng và kinh nghiệm của các PTV cũng ngày càng cao. VMC ổ bụng không còn là một cản trở lớn đối với PTNS, không còn là một chống chỉ định. Mặc dù vậy theo chúng tôi vẫn nên thận trọng khi chỉ định PTNS các trường hợp này. Nhiều tác giả đề nghị nên dùng kỹ thuật Hasson khi đặt trocar đầu tiên [2], [44], [48]. Và vấn đề ở chỗ không phải là có tiền sử VMC ổ bụng hay không, có mấy lần mà ở chỗ phẫu thuật viên cần khám bệnh nhân cẩn thận trước mổ nhằm đánh giá đúng mức độ dính. Ngay cả trong những trường hợp không có tiền sử VMC ổ bụng, khi khám lâm sàng thấy khối u không di động, tiên lượng dính nhiều thì cũng nên cân nhắc chỉ định PTNS.