(S1S4S6+ O2O6O7)
Sự phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào cũng gắn liền với những vấn đề về môi trường. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, và xã hội hoá cao như du lịch. Môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch. Hoạt động phát triển du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng lượng khách du lịch tới các địa điểm tham quan du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên..., từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực của phát triển du lịch đến môi trường. Tại nhiều khu vực, do tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt ngoài khả năng và nhận thức về quản lý nên đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài. Trong bối cảnh có nguy cơ suy thoái chung về môi trường và cạn kiệt về tài nguyên trên phạm vi cả nước, những ô nhiễm, suy thoái cục bộ này đã góp phần làm giảm sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Đây được xem là một trong những nguyên nhân làm lượng khách quốc tế quay lại du lịch ở Việt Nam nói chung và Cửa Lò nói riêng không nhiều. Chính vì vậy, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch là yêu cầu cấp bách, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành và toàn xã hội.
Bất cứ ngành kinh tế nào mà nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ về phát triển kinh tế, chia sẻ quyền lợi với cộng đồng dân cư địa phương thì sẽ làm cho kinh tế và cuộc sống của dân cư địa phương gặp nhiều khó khăn. Đồng nghĩa với việc cộng đồng dân
cư phải khai thác tối đa các nguồn lợi tài nguyên trên địa bàn để phục vụ cuộc sống, sẽ làm cho tài nguyên bị hao mòn gây tổn hại đến môi trường sinh thái và đó là hệ quả gây những tác động xấu đến sự phát triễn bền vững. Vì vậy việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch và cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển là hết sức cần thiết để có thể đảm bảo gìn giữ được các tài nguyên, tiềm năng cho sự phát triển du lịch lâu dài tại tất cả các điểm, cụm du lịch, bằng các biện pháp đồng bộ giữa khai thác, bảo tồn với bồi dưỡng nguồn tài nguyên.
Kinh nghiệm phát triển du lịch ở các quốc gia có ngành du lịch phát triển cho thấy sự tham gia của cộng đồng địa phương là rất quan trọng. Cộng đồng dân cư địa phương vừa là nguồn cung cấp lao động cho ngành du lịch đồng thời bản thân người dân địa phương, môi trường sống, truyền thống văn hóa của cộng đồng địa phương cũng là những nhân tố thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, ngược lại sự tham gia của cộng đồng sẽ làm phong phú thêm tài nguyên và sản phảm du lịch. Vì vậy trong sự phát triển du lịch của thị xã không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương. Để làm được điều này ngành du lịch Cửa Lò cần chú trọng các giải pháp:
-Tổ chức cho cộng đồng địa phương tham gia giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển du lịch sẽ tạo ra những thuận lợi cho du lịch bởi cộng đồng địa phương là chủ nhân và là người gánh chịu những hậu quả mà du lịch gây ra. Hơn nữa với sự tham gia giám sát của cộng đồng sẽ tránh sự xung đột giữa cộng đồng bản địa và người đầu tư phát triển du lịch.
- Hỗ trợ cho cộng đồng địa phương tham gia các hoạt động du lịch để làm phong phú thêm tài nguyên và sản phẩm du lịch bằng các hoạt động cụ thể như cho vay vốn ưu đãi để phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống phục vụ cho du lịch. Khuyến khích bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương để phục vụ cho du khách. Tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch hoặc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho kinh doanh du lịch.
- Giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về lợi ích của phát triển du lịch và những tác hại mà hoạt động du lịch có thể gây ra nếu mà tài nguyên môi trường du lịch không được giữ gìn, bảo tồn. Từ dó cộng đồng địa phương mới có ý
thức, hành động cụ thể để giữ gìn bảo vệ tài nguyên, môi trường, trật tự vệ sinh ở các tuyến, các điểm du lịch, có thái độ hợp tác thân thiện với các khách du lịch.
Du lịch phát triển thiếu bền vững nếu chỉ khai thác tài nguyên; môi trường du lịch (bao gồm tự nhiên và xã hội) và là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến khả năng thu hút khách du lịch. Chính vì vậy đầu tư bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch là một trong những hướng ưu tiên của du lịch Cửa Lò. Các hướng chính của công tác đầu tư bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch bao gồm:
- Tôn tạo, nâng cấp hệ thống tài nguyên du lịch đặc biệt đối với các di tích văn hoá - lịch sử, các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch, cụ thể là :
+ Tiếp tục tôn tạo, nâng cấp các điểm di tích văn hoá lịch sử.
+ Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội phục vụ du lịch. + Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ để du khách có cơ hội tìm hiểu về những nghề truyền thống dân tộc, đặc biệt các hàng mỹ nghệ, lưu niệm có chất lượng cao.
- Cải tạo môi trường tự nhiên khu vực hoạt động du lịch, đặc biệt là môi trường biển.