Sản phẩm thủy phân

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chế độ thủy phân đầu, xương cá tra bằng sự kết hợp enzyme Protemex và Flavourzyme (Trang 31)

Dịch đạm thủy phân là sản phẩm của quá trình thủy phân. Khi cô đặc thì chúng sẽ thành dịch đạm cô đặc.

Thành phần chủ yếu của dịch đạm thủy phân là các axit amin, các peptit. Ngoài ra, trong dịch đạm thủy phân còn chứa một lượng nhỏ khoáng và lipit.

1.3.3.2 Bột đạm thủy phân

Bột đạm thủy phân cũng là một trong những dạng của quá trình thủy phân. Dịch đạm thủy phân được đem đi cô đặc và sấy khô thì thu được bột đạm thủy phân (bột đạm hòa tan). Thực chất của quá trình sản xuất bột đạm bằng phương pháp sử dụng protease là quá trình thủy phân protein để tạo các peptit và các axit amin dưới tác động của hệ protease nội tại và enzyme bổ sung từ ngoài vào.

Bột đạm thủy phân có hàm lượng protein cao khoảng 70%, lipid khoảng 0,5% và tỷ lệ nitơ dễ hấp thụ cao, rất có giá trị dinh dưỡng. Có thể sử dụng dưới dạng nguyên chất hoặc phối trộn với các thực phẩm khác.

Bột đạm thủy phân có màu trắng ngà, vàng nhạt hay vàng nâu tùy thuộc vào nguyên liệu ban đầu. Mùi thơm đặc trưng, khi cho vào nước dễ tan, có khả năng tạo gel, dẻo dính.

Bột đạm thủy phân thường được sản xuất từ các loài cá kém giá trị kinh tế hoặc từ các phế liệu cá.

1.3.3.3 Các sản phẩm phụ từ quá trình thủy phân

Bột cặn thủy phân (protein không tan): là lớp dưới cùng sau khi ly tâm dịch thủy phân, được đem đi sấy khô và xay nghiền. Trong bột cặn chứa phần lớn là protein không tan.

Bột khoáng là phần xương thu được sau quá trình thủy phân được đem đi lọc tách xương và rửa sạch. Sau đó, bột đem đi sấy khô và xay nghiền. Trong bột khoáng có chứa các nguyên tố Ca, Mg, P…, một lượng nhỏ protein, lipit chưa thủy phân triệt để.

Dầu cá: là lớp trên cùng thu được sau khi ly tâm hỗn hợp có được từ sự thủy phân. Hàm lượng thì phụ thuộc vào nguyên liệu ban đầu. Ngoài ra, trong dầu cá có chứa hàm lượng DHA, EPA… rất tốt cho sức khỏe con người.

1.3.3.4 Ứng dụng của sản phẩm thủy phân

Dịch đạm cô đặc và bột đạm hòa tan có thể được ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm với nồng độ đạm cao, gồm hỗn hợp các amin cần thiết cho sự phát triển của tôm, cá. Sản phẩm cũng chứa các chất kích thích tiêu hóa. Cho nên khi phối trộn chúng vào thức ăn theo tỷ lệ phù hợp sẽ làm tăng vị ngon và với mùi hấp dẫn sẽ giúp cho tôm, cá nhanh chóng phát hiện và ăn mồi, góp phần cung cấp lượng thức ăn đầu vào cho nuôi trồng thủy sản.

Bột đạm thủy phân cũng có thể được dùng trong thực phẩm sản xuất các sản phẩm bột dinh dưỡng cao đạm đối với bột đạm thủy phân có chất lượng cao. Ngoài ra thì nó cũng có thể sử dụng làm phụ gia, gia vị trong thực phẩm.

Dịch đạm cô đặc còn có thể sử dụng để bổ sung trong quá trình làm nước mắm do nó có hàm lượng axit amin cao, làm tăng độ đạm của nước mắm.

Dịch đạm thủy phân có thể dùng trong sản xuất nước mắm công nghiệp khi thêm hương vị của nước mắm, rút ngắn thời gian sản xuất mà hàm lượng đạm axit amin trong đó lại cao. [1]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chế độ thủy phân đầu, xương cá tra bằng sự kết hợp enzyme Protemex và Flavourzyme (Trang 31)