Những mặt còn hạn chế trong công tác XHH y tế ở bệnh viện Tim Hà Nội thực chất là do cơ chế phân cấp chưa đồng bộ, do mặt bằng của bệnh viện còn quá nhỏ nên công tác XHH còn bị chậm.
- Tính ỷ lại vào Nhà nước của một số cán bộ: đó là lề thói của thời kỳ bao cấp, nền y tế được bao cấp hoàn toàn bởi Nhà nước, người dân đến cơ sở y tế khám chữa bệnh không phải trả tiền, khi nằm điều trị nội trú còn được nuôi ăn đã tạo nên tính ích kỷ, ỷ lại của người bệnh.
- XHH chưa kịp thích ứng với cơ chế thị trường. Mức thu BHYT thấp, không tương xứng với mức chi nhưng lại yêu cầu đòi hỏi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe theo phương thức XHH.
- XHH y tế là chủ trương rất lớn, thường dưới 2 hình thức chủ yếu là liên doanh liên kết trang thiết bị máy móc hoặc đặt máy. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương này như thông tư 15 nhưng các quy định chưa chặt chẽ, có nhiều kẽ hở.
- Mặt trái của XHH y tế đó là lạm dụng dịch vụ để tận thu, như tăng chỉ định sử dụng xét nghiệm, kỹ thuật cao; tăng nhập viện điều trị nội trú để tăng thu, sử dụng thuốc không hợp lý, kéo dài thời gian điều trị...
Như vậy trong thời gian từ 2010-2014, bệnh viện đã thực hiện XHH y tế từng phần trong BV và điều đó cho thấy hướng đi mà Nghị quyết TW 6 khóa X đề ra cho ngành y tế là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.
Mặc dù bước đầu quản lý hạch toán kinh doanh trong y tế nhưng BV đã tạo được những bước tiến vững chắc trong quản lý kinh tế, quản lý tốt nguồn thu viện phí cũng như BHYT, phục vụ người bệnh tốt hơn, nâng cao được chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ y tế. Dần dần xóa bỏ tâm lý, thói quen đòi hỏi phục vụ vô điều kiện của người dân với công tác y tế. Từ đó góp phần thúc đẩy công tác XHH y tế phát triển nhanh.
Người bệnh cũng được chăm sóc tốt hơn nhờ có XHH y tế (thêm máy móc cả về số lượng, chất lượng, độ hiện đại; thêm nhân sự có chất lượng cao, …).
Tuy nhiên cần phải sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện có, sử dụng tối đa công suất, tăng cường tiết kiệm, nhưng cũng tránh lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc quý hiếm trong KCB. Có như thế mới phát huy hết tính tích cực trong vấn đề XHH y tế.
Về mặt con người, cần đào tạo cán bộ KHKT có tay nghề chuyên môn cao để sử dụng tốt các trang thiết bị, làm chủ được KHKT tiên tiến.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XHH Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN TIM HÀ NỘI