5. Kết cấu đề tài
4.2 Hạn chế của nghiên cứu và gợi ý cho các nghiên cứu tương lai
Xét về mặt phương pháp nghiên cứu cũng như phân tích kết quả thực nghiệm, nghiên cứu này vẫn có nhiều hạn chế cần được cải thiện ở các nghiên cứu trong tương lai.
Đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có những đặc trưng có thể ảnh hưởng tỷ suất sinh lời và dẫn đến các hiệu ứng niên lịch khác so với các nước phương Tây. Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ hoạt động được gần 14 năm, còn quá non trẻ so với các thị trường chứng khoán phát triển trong khu vực cũng như trong thế giới, vì vậy quy mô còn khiêm tốn và hệ thống vận hành vẫn còn nhiều thiếu sót. Bên cạnh đó, số lượng quan sát còn hạn chế vì các sàn giao dịch chứng khoán được thành lập chưa lâu cộng với việc các sàn giao dịch chứng khoán chỉ hoạt động 3 ngày một tuần trong thời gian mới thành lập. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ có lợi thế trong việc tích lũy thêm số quan sát thu được để có thể mang lại những kết luận thuyết phục hơn.
Tiếp theo, mức phù hợp của các mô hình sử dụng chưa thực sự cao, khi các phương trình ước lượng chỉ có các biến giả. Điều này được thể hiện qua giá trị R bình phương của các mô hình đều rất thấp cho thấy khả năng giải thích hạn chế của các mô hình này. Hi vọng trong tương lai một mô hình chính xác hơn được xây dựng với sự bổ sung các biến giải thích để khắc phục hạn chế này.
Thứ ba, để đơn giản hóa quá trình tính toán và phân tích, nghiên cứu này chỉ áp dụng mô hình GARCH (1, 1) và các mô hình mở rộng của nó. Các nghiên cứu sau nếu áp dụng mô hình GARCH (p, q) với các độ trễ lớn hơn 1 có thể cải thiện tính hiệu quả của ước lượng.
Thứ tư, vì mục đích chính của nghiên cứu này là kiểm tra sự tồn tại của hiệu ứng Tết Âm lịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam nên nguyên nhân của sự tồn tại hiệu ứng này chỉ được trình bày ngắn gọn. Giải thích chủ yếu dựa vào các giả thuyết tâm lý học hành vi được chấp nhận rộng rãi ở các nghiên cứu trước đây, tuy nhiên nghiên cứu này đã không thành công trong việc kiểm định mối liên hệ giữa hiệu ứng Tết Âm lịch với tâm lý các nhà đầu tư. Có thể sự chênh lệch của khối lượng giao dịch chưa đủ khả năng để đại diện cho yếu tố tâm lý của nhà đầu tư vốn khó để mô phỏng. Hi vọng các nghiên cứu trong tương lai có thể tìm ra các biến có thể dại diện cho yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, cũng như xây dụng mô hình chính xác hơn để kiểm định mối liên hệ giữa hiệu ứng Tết Âm lịch với tâm lý nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009, dẫn đến khả năng hiệu ứng Tết Âm lịch cũng bị tác động. Các nghiên cứu trong tương lai có thể cân
nhắc giải pháp chia thời gian nghiên cứu thành 3 giai đoạn: trước, trong và sau cuộc khủng hoảng này.