KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1.KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu sự thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên khoa công tác xã hội và phát triển cộng (Trang 92)

- Tích cực lĩnh hội các mối quan hệ trong môi trường học tập mới (50 điểm)

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1.KẾT LUẬN

1.KẾT LUẬN

Từ những kết quả phân tích ở trên, đề tài đưa ra một số kết luận như sau: 1.1.Thích ứng tâm lý là một quá trình cá nhân tích cực, chủ động hoà nhập, lĩnh hội các điều kiện, yêu cầu và phương thức mới của hoạt động nào đó. Thông qua đó, chủ thể của hoạt động phát triển và hoàn thiện nhân cách nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới của xã hội.

Từ đó có thể hiểu: Thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên là một quá trình sinh viên tích cực, chủ động hoà nhập vào các điều kiện học tập, nội dung, phương pháp và các mối quan hệ mới (khác về chất) so với hoạt động học tập ở phổ thông nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách đáp ứng những yêu cầu của xã hội.

1.2.Về thực trạng thích ứng học tập của sinh viên Khoa CTXH & PTCĐ: Nhìn chung, mức độ thích ứng học tập của các em còn chủ yếu ở mức độ Trung bình 62,7%, mức độ cao chỉ có 18,9%.

Trong đó, sự thích ứng với nội dung học tập đạt mức điểm trung bình cao nhất (36,05/50). Ngược lại, sự thích ứng với mối quan hệ bạn bè, thầy cô ở mức độ thấp nhất (ĐTB = 29,09/50)

- Mức độ thích ứng học tập có sự khác biệt giữa các năm học: những em năm thứ hai là có khả năng thích ứng tốt hơn cả. Các em ở năm thứ nhất do có nhiều bỡ ngỡ, mới mẻ nên chưa kịp thích ứng kịp so với các anh chị khoá trên.

- Mức độ thích ứng học tập cũng có sự khác biệt theo nơi sinh sống của các em trước khi vào đại học. Phần lớn những em ở thành thị thích ứng tốt hơn so với các em ở nông thôn, vùng sâu – vùng xa

- Mức độ thích ứng học tập còn có sự khác biệt theo kết quả học tập. Những em sinh viên có kết quả học tập từ khá trở nên thường có mức độ thích ứng học tập cao hơn so với những em có học lực trung bình khá và trung bình.

1.3.Những yếu tố cơ bản tác động đến sự thích ứng học tập là: Thái độ học tập của sinh viên, phương pháp giảng dạy của giáo viên, việc nắm bắt thông tin về ngành học và nhận thức được những yêu cầu mới (đối với sinh viên) của bậc đại học từ phía sinh viên.

1.4.Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng thích ứng học tập của sinh viên Khoa CTXH & PTCĐ thuộc cả về khách quan lẫn chủ quan, cụ thể là: “lớp học quá đông”, “ngành học mới”, “sinh viên chưa tích cực nghe giảng” và “chưa tích cực đọc tài liệu do thầy cô yêu cầu”.

1.5.Có mối tương quan giữa mức độ thích ứng học tập của sinh viên với tất cả các chỉ số được nghiên cứu. Tất cả các tương quan đều là tương quan thuận và đều có mức ý nghĩa P < 0,05. Điều đó cho thấy, giả thuyết đề tài đưa ra là khá phù hợp.

2.KIẾN NGHỊ

Dựa trên những ý kiến đề xuất và nguyện vọng thu thập được qua điều tra trên giáo viên và sinh viên Khoa CTXH & PTCĐ và xuất phát từ thực trạng phát hiện được về thích ứng học tập của sinh viên thuộc khoa này có thể đề xuất một số kiến nghị sau đây:

2.1.Đối với lãnh đạo nhà trường:

+ Cần phải giảm số lượng sinh viên trong một lớp học. Với số lượng sinh viên quá đông như hiện nay, không chỉ bản thân sinh viên mà giáo viên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc học và dạy. Vì vậy, để giúp sinh viên thích ứng tốt với hoạt động học tập, chúng tôi đề nghị lãnh đạo nhà trường chỉ nên để mỗi lớp khoảng 50 – 70 sinh viên là phù hợp nhất cho việc học tập trên lớp cũng như việc tổ chức thực tập cho các em hiện nay.

+ Sắp xếp lịch học một cách hợp lí, không nên để tình trạng ngày thì học tới 3 ca, ngày thì không học gì cả. Các phương tiện giảng dạy cũng cần phải đảm bảo đủ về số lượng tốt về chất lượng. Tránh tình trạng liên tục xảy ra sự

cố hỏng hóc, thiếu như hiện nay, khiến cho giáo viên khó chủ động trong cách sử dụng các phương tiện đó.

+ Khoa CTXH & PTCĐ là một Khoa còn mới vì vậy, cần phải hỗ trợ thêm một khoản kinh phí cho Khoa về việc mua sách tài liệu tham khảo, biên soạn giáo trình tài liệu cho sinh viên để các em có cơ hội tiếp cận nghiên cứu.

+ Cần có các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giảng dạy và nâng cao kỹ năng sử dụng các phương tiện giảng dạy có hiệu quả cho giáo viên trẻ hiện nay.

2.2.Đối với giáo viên trong trường và giáo viên mời giảng

+ Trước khi dạy môn học giáo viên cần giới thiệu cho các em tài liệu tham khảo cho các môn học đó. Sau đó hướng dẫn các em đọc tài liệu và yêu cầu sau khi đọc cần nắm được những vấn đề nào. Chỉ có như vậy, mới có thể giúp các em có phương pháp đọc sách hiệu quả. Đặc biệt đối với giáo viên mời giảng, trước khi đến giảng thì cũng cần phải gửi trước tài liệu của môn học để các em chuẩn bị, sau đó các em có sự kết hợp giữa bài giảng của giáo viên và tài liệu một cách tốt hơn.

+ Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên sử dụng các biện pháp như: thuyết trình, trao đổi, thảo luận nhóm nhằm tạo hứng thú học tập cho các em. Có như vậy mới giúp các em từ bỏ cách ghi bài ở phổ thông, làm quen với cách ghi bài ở đại học

+ Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải có sự gần gũi, quan tâm giúp đỡ các em giải quyết những đề xuất, thắc mắc trong học tập. Tạo cho các em một tâm lí tự tin hơn, gần gũi hơn khi gặp gỡ trao đổi với các thầy cô. Điều đó sẽ giúp cho các em cải thiện được mối quan hệ tốt hơn và dễ dàng thích ứng với các mối quan hệ đó.

2.3.Đối với Khoa

+ Cần phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về phương pháp học tập, có sự trao đổi và chia sẻ về cách học giữa giáo viên với sinh viên, giữa sinh viên mới và sinh viên cũ. Thông qua đó, giúp các em sớm hình thành cho mình một phương pháp học tập hiệu quả.

+Bên cạnh đó, Khoa cũng tạo điều kiện giúp các em thành lập những câu lạc bộ giúp bạn như: Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ vi tính, câu lạc bộ kỹ năng sống (trong đó tập trung vào các kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, quản lý thời gian). Chỉ có như vậy mới có thể vừa cải thiện được kỹ năng sử dụng vi tính, vừa tạo lập mối quan hệ hợp tác giữa bạn bè với nhau.

2.4.Đối với các em sinh viên

Các em cần phải xác định cho mình một tâm thế là: học ở đại học có rất nhiều những điều mới mẻ so với học ở phổ thông. Các em phải học tập với nội dung kiến thức rất lớn, các điều kiện học tập cũng có nhiều sự khác biệt so với ở phổ thông. Chính vì thế mà phương pháp học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với nội dung, điều kiện học tập mới. Ngoài ra, các em cũng phải hình thành các mối quan hệ bạn bè, thầy cô trong quá trình học tập.

Vì vậy, đòi hỏi các em phải luôn luôn chủ động, tích cực tìm ra những cách thức, khắc phục những khó khăn, biến đổi nó cho phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh mới trong quá trình học tập. Chỉ có như vậy, các em mới thích ứng nhanh, và tốt với hoạt động học tập hiện nay.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu sự thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên khoa công tác xã hội và phát triển cộng (Trang 92)