- Tích cực lĩnh hội các mối quan hệ trong môi trường học tập mới (50 điểm)
3.5. Những đề xuất, nguyện vọng của sinh viên 1 Đề xuất về cách dạy của giáo viên
3.5.1. Đề xuất về cách dạy của giáo viên
Từ những thực trạng về thích ứng học tập và nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chúng tôi tìm hiểu sinh viên hiện nay đang mong muốn điều gì đối với cách dạy của giáo viên, giáo viên đã và đang làm gì để giúp sinh viên thích ứng tốt với hoạt động học tập.
Qua việc điều tra bảng hỏi, kết hợp với phỏng vấn sâu đối với sinh viên, chúng tôi thu được ý kiến sau: “Giáo viên cung cấp trước tài liệu cho sinh viên
trước khi bước vào bài học để sinh viên có thể kết hợp giữa việc xem giáo trình và bài giảng của thầy cô”. Đây là một ý kiến hết sức đáng quan tâm xem xét. Vì thực tế hiện nay ở Khoa CTXH & PTCĐ, vấn đề mời giảng còn nhiều nên tài liệu, giáo trình cho những môn học mời giảng phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên mời giảng. Phần lớn là phải chờ giáo viên đến giảng thì mới có tài liệu để photo cho sinh viên. Trong khi đó lớp học thì quá đông sinh viên nên ít nhất là 2 buổi sau mới có thể phôto để phát cho các em. Mặt khác, giáo viên chỉ dạy trong thời thời gian chưa đầy một tuần nên sinh viên cũng chưa kịp dành thời gian cho việc đọc tài liệu. Nhiều sinh viên có ý kiến rằng “sau khi đọc tài liệu có những chỗ không hiểu lúc đó không có cơ hội để gặp gỡ giáo viên để trao đổi, giải đáp vì thế nên sinh viên cũng gặp nhiều khó khăn”. Về vấn đề này Khoa CTXH & PTCĐ cũng đang có những biện pháp khắc phục bằng cách, trước khi giáo viên được mời đến giảng, Khoa đã đề nghị giáo viên đó gửi tài liệu để phôto phát cho sinh viên. Như vậy, sinh viên sẽ có thời gian đọc trước, có thể hình dung trước về môn học. Tuy nhiên, trong mấy năm tới, Khoa cũng sẽ hạn chế tối đa việc mời giảng và sẽ chủ động bồi dưỡng cán bộ trong khoa đảm nhiệm các môn học đó. Vì vậy, vấn đề này sẽ sớm được khắc phục.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: “Giảng viên giảng bài cần phải tạo hứng thú học tập cho sinh viên, tạo không khí thoải mái hơn trong học tập, sử dụng tranh ảnh, máy chiếu để giảng dạy” và “tạo nhiều cơ hội để sinh viên trình bày ý kiến. Không nên đọc cho sinh viên chép như hiện nay”.
Như chúng ta có thể thấy, việc tạo hứng thú học tập cho sinh viên đối với môn học là một điều rất quan trọng. Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố: phương pháp giảng dạy, giọng nói, hình ảnh, phương tiện giảng dạy,…Hiện nay, ở đại học Đà Lạt vẫn còn những giáo viên chưa tạo được hứng thú học tập cho sinh viên có lẽ là do: giáo viên chưa cập nhật kiến thức mới, chỉ độc thoại một chiều không tạo cơ hội cho sinh viên tham gia tích cực vào bài giảng, không có sự linh hoạt trong việc tổ chức các phương pháp giảng dạy, một số giáo viên
thường chỉ ngồi trên bục giảng và đọc trong sách cho sinh viên ghi. Trong quá trình giảng bài cũng nên tạo không khí thoải mái không nên tạo một sự căng thẳng trong quá trình giảng dạy. Có sinh viên đưa ra ý kiến rằng: “giáo viên vừa là người hướng dẫn, vừa là người bạn và là người có trình độ” để sinh viên mong muốn được chia sẻ với giáo viên sau những giờ nghỉ giải lao về vấn đề học tập, cuộc sống, muốn có sự gần gũi và hoà đồng với sinh viên. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng giúp sinh viên tự tin trao đổi gặp gỡ giáo viên, để được giải đáp về những vấn đề trong học tập, nghề nghiệp sau này.
Ngoài ra, sinh viên còn mong muốn “giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp với sinh viên do lớp đông. Cách giảng phải dễ hiểu hơn, đưa ra những ví dụ thực tế”. Việc giảng dạy trong một lớp đông tới (gần 200 sinh viên) là một vấn đề hết sức khó khăn vất vả. Trong khi đó giáo viên trong khoa phần lớn là còn khá trẻ nên hạn chế về kinh nghiệm giảng dạy. Vì thế nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Về phía giáo viên, sau những lần giảng dạy đó, giáo viên cũng đã tích cực đúc rút ra rất nhiều kinh nghiệm và đang dần khắc phục được tình trạng đó. Phần lớn giáo viên ngay từ đầu cũng đã định hướng cho sinh viên tác phong học tập nghiêm túc, tự giác, nghiêm khắc trong kỷ luật giờ giấc cũng như cách thức học tập trong lớp. Có như vậy, mới tạo ra nề nếp cho sinh viên, tránh tình trạng lộn xộn và vô kỷ luật. “Tích cực nâng cao chuyên môn, cập nhật kiến thức, từ bỏ kiểu dạy đọc chép, học thuộc lòng. Giáo viên cũng đã chỉ ra cho sinh viên thấy rằng: học ở đại học khác với học ở phổ thông như thế nào, hướng dẫn cho sinh viên cách đọc sách cũng như cách nắm bắt nội dung chính của sách”. Ngoài ra, giáo viên đã tổ chức những buổi hội thảo trao đổi về kinh nghiệm học tập giữa sinh viên khoá cũ và khoá mới, tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu học hỏi. Một số ý kiến còn đề xuất “mở một câu lạc bộ giúp bạn (các sinh viên khoá trước có thể tham gia vào các câu lạc bộ này). Ví dụ: Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ tin học, Câu lạc bộ kỹ năng sống: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý
thời gian,… Những phong trào trên được nhiều sinh viên ủng hộ và tích cực tham gia.
3.5.2.Đề xuất với nhà trường và Khoa
Bên cạnh việc đề xuất về cách giảng dạy đối với giáo viên, sinh viên cũng đề xuất với nhà trường: “Cần có những trang thiết bị đầy đủ hơn, đảm bảo hơn cho việc giảng - học của sinh viên (Micro, máy chiếu,..)”
Thực tế hiện nay, trang thiết bị của trường vừa thiếu, vừa kém chất lượng. Một lớp học thì đã quá đông sinh viên, trong khi đó “Micro thì hay hỏng hóc”, máy chiếu thì cũng hay gặp sự cố làm cho giáo viên nhiều khi bị động trong cách giảng bài. Ngoài ra, phòng học cũng không đủ cho sinh viên nên dẫn đến tình trạng học 3 ca một ngày làm cho sinh viên mệt mỏi căng thẳng không tiếp thu được bài giảng, lịch học thì thường xuyên thay đổi, có ngày học 3 ca, có ngày thì nghỉ học. Hơn thế, vẫn còn tình trạng đầu năm thì sinh viên chơi rất nhiều vì học rất ít môn, đến cuối năm thì học dồn và thi. Đây cũng là vấn đề mà sinh viên cảm thấy rất lo lắng nhưng chưa biết cách sắp xếp kế hoạch học tập như thế nào. Không chỉ là ý kiến của sinh viên, mà phần lớn giáo viên trong trường cũng có những nhận xét tương tự: “phương tiện giảng dạy hiện nay: đầu máy, tivi, băng đĩa, máy chiếu còn thiếu và kém chất lượng, lớp học quá đông nên khó áp dụng phương pháp giảng dạy một cách hiệu quả”
Chính vì thế rất nhiều sinh viên trong khoa, cũng như giáo viên trong trường đề xuất nhà trường cần thiết “giảm số lượng sinh viên trong mỗi lớp, bổ sung thêm tài liệu tham khảo” cho sinh viên và giáo viên. Đây là một yêu cầu hết sức bức thiết để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngoài ra “nhà trường cũng cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy cho giáo viên trẻ”
Trên đây là một số những ý kiến mà phần lớn sinh viên cũng như giáo viên đề xuất đối với nhà trường. Kính mong ban lãnh đạo nhà trường, các thầy cô quan tâm xem xét nhằm giúp đỡ sinh viên thích ứng nhanh với hoạt động học tập đề từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Như vậy, qua việc phân tích và đánh giá kết quả thu được đã làm rõ được thực trạng thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên Khoa CTXH & PTCĐ trường Đại học Đà Lạt. Đồng thời qua đó cũng thấy rõ được những yếu tố tác động và nguyên nhân của thực trạng trên. Từ những kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp chúng ta đưa ra kết luận chung và kiến nghị góp phần giúp sinh viên Khoa CTXH & PTCĐ nói riêng, sinh viên trường Đại học Đà Lạt nói chung thích ứng nhanh và tốt hơn với hoạt động học tập.