Giá trị gia tăng (VA) công nghiệp

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang (Trang 67)

Giá trị gia tăng (còn được gọi là giá trị tăng thêm) là giá trị hàng hoá và dịch vụ mới sáng tạo ra của các ngành kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Giá trị gia tăng là một bộ phận của giá trị sản xuất, bằng chênh lệch giữa giá trị sản xuất và chi phí trung gian, bao gồm: thu nhập của người lao động từ sản xuất, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất và thặng dư sản xuất.

Thông thường, người ta hay sử dụng một chỉ tiêu tương đối là tỷ lệ giữa giá trị gia tăng và giá trị sản xuất công nghiệp (GO) để so sánh và đánh giá mức độ giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ VA/GO càng cao thì mức độ phát triển của công nghiệp càng cao và ngược lại. Trong giai đoạn 2001-2009 tỷ lệ VA/GO của Bắc Giang có xu hướng giảm dần từ 26,9% năm 2005 xuống còn 22% vào năm 2009 và tỷ lệ VA/GO này cũng thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Như vậy, rõ ràng mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước, nhưng giá trị gia tăng thấp và tỷ lệ VA/GO có xu hướng giảm dần, biểu hiện chất lượng tăng trưởng của công nghiệp Bắc Giang trong các năm qua là thấp. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều doanh nghiệp cho thấy giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thấp do hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp này chỉ là khai thác khoáng sản dưới dạng thô hoặc sơ chế; các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng mới chỉ dừng lại ở hoạt động gia công, lắp ráp là chủ yếu. Giá trị gia tăng thấp thường là một biểu hiện đặc trưng cho thời kỳ đầu phát triển công nghiệp hoá dựa vào gia công và khai thác khoáng sản. Việc lạm dụng khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản nếu không nhận diện và điều chỉnh kịp thời sẽ tạo ra các mầm mống thiếu bền vững trong tương lai.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang (Trang 67)