Tỉnh Thừa Thiê n Huế

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang (Trang 44)

Thừa Thiên - Huế là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phía bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía tây giáp nước CHDCND Lào, phía đông giáp biển Đông; tổng diện tích tự nhiên là 5.054 km2, dân số năm 2010 là 1,136 triệu người. Thừa Thiên - Huế là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong phát triển cần quan tâm nghiên cứu.

Kinh tế Thừa Thiên - Huế tăng trưởng nhanh và khá toàn diện, thời kỳ 2000- 2010 đạt bình quân 9,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá: tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng-dịch vụ- nông nghiệp năm 2000 là 30,9% - 45,0% - 24,1%; năm 2010 tương ứng là 37,7% - 42,1% - 20,2%; đạt mức trung bình trong cả nước.

Được thiên nhiên ưu đãi và có một truyền thống văn hoá lâu đời, ngành du lịch của Thừa Thiên - Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh với 2 di sản văn hoá thế giới và một hệ thống các khu du lịch nổi tiếng. Thừa Thiên - Huế có đầy đủ điều kiện để xây dựng thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Vì thế, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhưng công nghiệp là ngành giữ vai trò động lực và có tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp từ 1.187 tỷ đồng năm 2000 tăng lên 2.358 tỷ đồng năm 2010 (giá so sánh năm 1994), tăng bình quân hàng năm 14,7%. Thừa Thiên - Huế có điều kiện phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu, nhân lực và thị trường như công nghiệp chế biến thủy sản, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt, may, cơ khí sửa chữa và chế tạo, thuỷ điện nhỏ, công nghiệp phần mềm...

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, Thừa Thiên - Huế đã thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

- Ưu tiên đầu tư các công trình lớn về giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, gắn với việc khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; xây dựng cảng Chân Mây thành cảng trung tâm phân phối quốc tế; xây dựng sân bay Phú Bài thành sân bay du lịch quốc tế; xây mới ga đường sắt tại Chân Mây, Lăng Cô và đường bộ cao tốc Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị phục vụ vận chuyển hàng hoá, hành khách qua lại khu kinh tế thương mại và khu du lịch quốc gia, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.

- Đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Phú Bài, Chân Mây, Phong Điền và các cụm công nghiệp tạo thành các trung tâm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ. Khôi phục, phát triển nghề và làng nghề.

- Ưu tiên phát triển hệ thống dịch vụ, đa dạng các loại hình dịch vụ chất lượng cao như du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tư vấn, bảo hiểm, ngân hàng...để dịch vụ trở thành ngành kinh tế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các ngành khác.

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, với hệ thống gồm 7 trường đại học thuộc đại học Huế, đại học dân lập Phú Xuân và các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Những ưu thế này cho phép Thừa Thiên - Huế nhanh chóng xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng.

Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế còn nỗ lực phát triển mạng lưới trường trung học chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề; thu hút thêm các trường trung học chuyên nghiệp thuộc các Bộ, ngành Trung ương, chú trọng các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực.

- Cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, Thừa Thiên - Huế đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư. Khác với Phú Yên, ngoài chính sách ưu đãi

chung, Thừa Thiên - Huế quy định lĩnh vực ưu đãi đầu tư riêng của tỉnh rất hạn chế, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ cao cấp; trong công nghiệp, ưu tiên các ngành công nghệ cao, hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến nông, lâm, thuỷ sản, với các hỗ trợ về giá thuê đất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề.

- Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, tỉnh đã triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính với nhiều nội dung thiết thực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở địa phương, thể hiện trên các mặt:

Thực hiện đơn giản hoá và công khai hoá các thủ tục hành chính: đã rà soát bãi bỏ nhiều văn bản có chứa đựng các thủ tục hành chính không còn phù hợp; chủ động đề ra các giải pháp đổi mới qui trình, lề lối làm việc nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; thiết lập trang Website và công khai 65 thủ tục liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Người dân được phản ánh ý kiến của mình và các ý kiến phản hồi, xử lý của các cơ quan nhà nước được đăng tải công khai trên trang Website của tỉnh.

Nhằm tạo chuyển biến đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, thành phố và các đơn vị cơ sở, tỉnh tăng cường công tác phân công, phân cấp, kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính ở các cấp, các ngành, định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các cấp; đồng thời xử lý nghiêm minh những cá nhân không làm đúng chức trách, vi phạm pháp luật, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm, khả năng công tác.

Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" được tăng cường. Cơ chế này đã làm thay đổi theo hướng tích cực cách thức, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, tạo chuyển biến trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân và tổ chức, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, giao quyền tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính ở đơn vị hành chính, tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp đồng lao động phù hợp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang (Trang 44)