Biến chứng

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả ban đầu phẫu thuật mở xương sai khớp cắn loại iii (Trang 55)

CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN

4.3.3.Biến chứng

Rối loạn cảm giác thần kinh:

Biến chứng trong và ngay sau phẫu thuật phổ biến nhất là rối loạn cảm giác thần kinh mà hay gặp nhất ở thần kinh răng dưới sau phẫu thuật BSSO. Những

nghiên cứu sớm về vấn đề này mang tính chất hồi cứu. Gần đây các nghiên cứu bắt đầu sử dụng phối hợp bộ câu hỏi và các thử nghiệm giúp đánh giá khách quan hơn. Trong nghiên cứu này, việc đánh giá dựa hoàn toàn vào ý kiến chủ quan của bệnh nhân (thông qua hỏi bệnh).

Seddon (1943) đã phân chia các thiếu hụt vận động và cảm giác thành 3 nhóm để xác định các nhóm sinh lý-hình thái học của chấn thương thần kinh cơ học: neuropraxia, axonotmesis và neurotmesis. Phần lớn tổn thương thần kinh sau phẫu thuật này là dạng neuropraxia. Đây là dạng tổn thương nhẹ nhất, được mô tả như dạng tổn thương bao myelin khu trú mức độ nhẹ mà không khuyết hổng dẫn truyền, có thể phục hồi hoàn toàn.

Rối loạn cảm giác thần kinh gặp ở 4 trường hợp (chiếm 12,9%), không có đối tượng nào gặp ở hai bên. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với những kết quả được công bố trước đó [99]. Những bệnh nhân này xuất hiện dấu hiệu tê bì vùng da môi-cằm (vùng chi phối của thần kinh răng dưới) với mức độ khác nhau nhưng đều không gây ảnh hưởng tới chức năng của bệnh nhân và không được áp dụng bất kỳ một liệu pháp điều trị nào. Các dấu hiệu này giảm dần theo thời gian và mất hoàn toàn khi được đánh giá ở thời điểm 6 tháng sau phẫu thuật. Với tiến trình hồi phục của các rối loạn như thế, chứng tỏ các tổn thương này thuộc nhóm tổn thương đầu tiên trong phân loại của Seddom. Cũng cần nói thêm rằng, trong nghiên cứu này, việc đánh giá rối loạn cảm giác thần kinh sau phẫu thuật nếu có hoàn toàn dựa vào báo cáo chủ quan của bệnh nhân mà không dựa vào các thử nghiệm đánh giá cảm giác khách quan.

Cho đến hiện nay, việc phối hợp phẫu thuật tạo hình cằm với phẫu thuật mở xương hàm dưới (trong đó có BSSO) liệu có làm tăng tỷ lệ và mức độ rối loạn cảm giác sau phẫu thuật vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi. Khi tiến hành nghiên cứu này, chỉ có 2 trường hợp được phẫu thuật mở xương hai hàm có kèm theo phẫu thuật tạo hình cằm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có xuất hiện rối loạn cảm giác thần kinh vùng da được chi phối bởi thần kinh răng dưới, song chỉ ở một bên. Với tính chất đó, tác giả không đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Các tổn thương này có thể gây ra bởi chấn thương gián tiếp (chèn ép do hiện tượng phù nề sau phẫu thuật) hoặc chấn thương trực tiếp (đè nén, xé rách hoặc cắt đứt bằng các dụng cụ phẫu thuật hoặc co kéo trong quá trình vén/ kéo các đoạn xương).

Một số nghiên cứu gần đây [100], [101] chỉ ra mối liên quan giữa tỷ lệ rối loạn cảm giác thần kinh và vị trí ống thần kinh răng dưới mà cụ thể là vị trí tương đối giữa ống răng dưới và vỏ xương ngoài. Theo đó, tỷ lệ rối loạn thần kinh tăng lên ở những trường hợp ống răng dưới tiếp xúc với vỏ xương ngoài. Vị trí của ống thần kinh răng dưới và tương quan với vỏ xương ngoài có thể được đánh giá trên phim CT scanner đặc biệt là CT conebeam. Và việc kiểm soát này nên được thực hiện trước trong quá trình lập kế hoạch phẫu thuật. Đây cũng là điều còn thiếu trong nghiên cứu này.

Hai trường hợp xuất hiện nhiễm trùng được điều trị với liệu pháp kháng sinh, cho kết quả tốt sau 1 tuần. Một trường hợp có gãy mảnh xương đoạn gần 1 bên trong quá trình phẫu thuật mở xương BSSO, mảnh gãy được cố định với cấu trúc xương còn lại bằng nẹp vít và cho kết quả liền thương tốt, không có dấu hiệu hoại tử mảnh gãy qua đánh giá trên lâm sàng và phim Xquang.

Tất cả các biến chứng gặp phải trong nghiên cứu này đều mang tính tạm thời, không ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả phẫu thuật và không cần can thiệp phẫu thuật để sửa chữa.

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả ban đầu phẫu thuật mở xương sai khớp cắn loại iii (Trang 55)