CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN
4.3.4. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
Các rối loạn và tình trạng bệnh lý miệng, bao gồm DDF, có thể làm suy yếu trầm trọng chất lượng cuộc sống của cá nhân thông qua ảnh hưởng tới những khía cạnh quan trọng của cuộc sống như chức năng, diện mạo và tương tác xã hội [21], [62], [68], [102]. Sự hài lòng của bệnh nhân là mục tiêu quan trọng trong chương trình chăm sóc sức khỏe. Mặc dù rất khó để đánh giá, nhưng phải đồng ý rằng nó liên quan tới thể chất, tâm lý và hạnh phúc xã hội, những kỳ vọng thực tế và phi thực tế, các động lực tiềm ẩn, thông tin và sự kết nối tích cực giữa bệnh nhân và nhà lâm sàng. Đồng thời đang có xu hướng trở thành một tiêu chí đánh giá hiệu quả điều trị.
Nghiên cứu này bao gồm những trường hợp sai khớp cắn loại III xương có chỉ định phẫu thuật, đôi khi có các dị dạng khác kèm theo. Sau phẫu thuật, chất lượng cuộc sống của tất cả các đối tượng đều được cải thiện đáng kể và thẩm mỹ là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới sự hài lòng của bệnh nhân, sau đó là chức năng miệng và khía cạnh xã hội. Ở các thời điểm sau đó, điểm số tiếp tục có xu hướng giảm dần. Điều này đồng nghĩa với mức độ hài lòng hay chất lượng cuộc sống tăng lên theo thời gian sau phẫu thuật, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chức năng. Nghiên cứu của Al-Ahmad H.T. et al. [102] cũng cho kết quả tương tự. Theo thời gian, những đáp ứng với vị trí giải phẫu mới bắt đầu, khởi động cho quá trình thích nghi nhằm tái thiết lập một hệ thống cấu trúc-chức năng mới. Bệnh nhân trở nên quen dần với những thay đổi mang tính đột ngột sau phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm.
Tính hấp dẫn chịu tác động mạnh mẽ bởi diện mạo thể chất. Quả thực, có một thực tế rằng sự hấp dẫn thể chất đi kèm với các phẩm chất xã hội được kỳ vọng và ngược lại, sự kém hấp dẫn thường phối hợp với những đặc trưng không được kỳ vọng. Đánh giá kết quả thu được, ngạc nhiên là điểm số của nhóm khía cạnh xã hội kém hơn so với nhóm thẩm mỹ mặt, mặc dù có sự phối hợp giữa hạnh phúc xã hội và sự tự nhận thức diện mạo bản thân. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn thể chất có tác động dương mạnh nhất đối với khía cạnh xã hội. Dẫn tới hình thành giả thuyết rằng càng mong muốn thay đổi diện mạo, các động lực xã hội càng mạnh mẽ.
Động lực thúc đẩy bệnh nhân trải qua phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm đã được nghiên cứu từ sớm và rất rộng rãi trong suốt lịch sử ngắn của loại điều trị này. Tuy nhiên, những báo cáo sớm trong giai đoạn đầu đều là nghiên cứu hồi cứu, báo cáo trường hợp mà chưa có nghiên cứu kéo dài, đồng thời rất hiếm báo cáo được thực hiện dựa trên các bộ câu hỏi. Những động lực này bao gồm: cải thiện thẩm mỹ, cải thiện hoạt động chức năng của hệ thống nhai, giảm đau mặt hay vùng khớp thái dương hàm... Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng thẩm mỹ là lý do quan trọng nhất cho việc tìm kiếm phẫu thuật và điều này thống nhất với một số nghiên cứu trước đây (103], [104] và đúng như Obwegeser đã nhấn mạnh “trước tiên là mặt nghiêng, sau đó mới là khớp cắn” [ 105]. Tuy vậy, ngược lại
với một số nghiên cứu khác cho rằng các vấn đề về chức năng là nguyên nhân quan trọng hơn để bệnh nhân trải qua phẫu thuật [27], [106] hay hiện tượng đau đầu-mặt là nguyên nhân chính [107].
Kết quả nghiên cứu cho thấy không tồn tại mối tương quan giữa chất lượng cuộc sống trước-sau phẫu thuật hay bất kỳ tiêu chí nào trong đó và giới tính, như thế tương đồng với nghiên cứu trước đây [108]. Mặc dù một số tác giả cho rằng: phụ nữ thường lựa chọn phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm hơn do các đối tượng này được thúc đẩy bởi diện mạo khuôn mặt và chức năng nhai được cải thiện sau phẫu thuật [109] hoặc phụ nữ có nhu cầu cải thiện sự tự tin hơn so với nam giới [103] hay phụ nữ bị tác động kém tích cực do dị dạng ở mức độ lớn hơn [27]…
So với nhóm phẫu thuật hàm trên, chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật ở các đối tượng được phẫu thuật hai hàm có xu hướng cải thiện nhiều hơn. Mức độ cải thiện thẩm mỹ được cho là nguyên nhân đưa tới sự khác biệt này. Phẫu thuật hai hàm được chỉ định cho các trường hợp sai khớp cắn loại III do lỗi phát triển của cả hai hàm hoặc lỗi do một hàm nhưng mức độ bất hài hòa nặng cần di chuyển phẫu thuật lớn. Ở các bệnh nhân này, phẫu thuật mở xương đã kiến tạo lại cấu trúc tầng giữa và tầng dưới mặt. Sự thay đổi ấn tượng này đã góp phần quan trọng đưa tới những thay đổi tích cực trong chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật. Trong khi, với bệnh nhân được phẫu thuật hàm trên (trong nghiên cứu này hầu hết là bệnh nhân có KHM-VM), thay đổi chủ yếu tập trung ở tầng giữa mặt với mức độ di chuyển phẫu thuật không lớn và bản thân mô mềm vùng mũi-môi trên đáp ứng yếu với các di chuyển phẫu thuật. Giả thuyết này củng cố quan điểm rằng sự cải thiện chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật có tương quan dương với mức độ nặng của dị dạng ban đầu [9], [67]. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng khác nhau của các đối tượng vào hiệu quả phẫu thuật cũng đóng vai trò nhất định vào mức độ hài lòng sau điều trị.
Đánh giá chất lượng cuộc sống ở thời điểm trước phẫu thuật, tổng điểm OQLQ trong nghiên cứu này tương đương với người Anh (44,4 điểm, n=84) nhưng thấp hơn đáng kể so với người Jordan (50,5 điểm, n=38) và người Brazil (55,24 điểm, n=25). So sánh từng nhóm tiêu chí giữa các nghiên cứu cho thấy một số khác
biệt có ý nghĩa. Sự khác biệt này xuất hiện ở nhóm khía cạnh xã hội của dị dạng và nhận thức thẩm mỹ răng mặt giữa người Việt Nam (13,6 và 6,8) và người Jordan (17,8 và 9,1), ở nhóm chức năng miệng giữa người Việt Nam (10,9) và người Anh (8,7)… Hệ thống các giá trị và văn hóa khác nhau hay những khác biệt trong tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe có thể giải thích cho sự chênh lệch giá trị trung bình OQLQ giữa người Việt Nam với người Brazil [110], người Anh [68], người Trung Quốc [111], người Jordan [102], [112].
4.4. Đánh giá kết quả chung
Kết quả phẫu thuật chung được đánh giá dựa trên tất cả các tiêu chí đánh giá về hình thái răng mặt, chức năng và chất lượng của bệnh nhân sau phẫu thuật.
Ngay sau phẫu thuật, ngoại trừ 7 trường hợp có biến chứng, phần lớn các trường hợp có kết quả phẫu thuật tốt. Ở thời điểm đánh giá sau đó, mặc dù tái phát xảy ra tuy nhiên, diện mạo khuôn mặt và chức năng chỉ chịu một số tác động giới hạn. Bằng chứng là chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt lên đáng kể. Nguyên nhân có thể do sự cải thiện ấn tượng về diện mạo thẩm mỹ khuôn mặt. Bệnh nhân dường như đã đạt được mục đích lớn nhất, quan trọng nhất khi tìm kiếm và trải qua phẫu thuật chỉnh hình xương. Điều đó đã cho phép bệnh nhân có thể bỏ qua các vấn đề nhỏ đã và đang gặp phải sau phẫu thuật hoặc chưa được giải quyết triệt để trong phẫu thuật (liên quan tới chức năng miệng). Có 2 trường hợp có cắn chéo vùng răng cửa, khối răng cửa không liền thương, cần phẫu thuật để sửa chữa. Trong số 31 bệnh nhân được nghiên cứu, chỉ có 10 trường hợp trải qua đánh giá tại thời điểm 12 tháng sau phẫu thuật. Kết quả cho thấy một nửa số đối tượng vẫn duy trì kết quả tốt, không có trường hợp nào cần thêm phẫu thuật để sửa chữa. Đi kèm với đó là xu hướng cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề về chức năng miệng.
KẾT LUẬN