Tính an toàn của cao chiết Diệp hạ châu – Râu mèo 1 Độc tính cấp

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học : Tác dụng hạ acid uric của cao chiết Diệp Hạ Châu - Râu mèo trên thực nghiệm (Trang 69)

CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN

4.4. Tính an toàn của cao chiết Diệp hạ châu – Râu mèo 1 Độc tính cấp

4.4.1. Độc tính cấp

Chúng tôi đã tham khảo được một số tài liệu về LD50 của Diệp hạ châu và Râu mèo như sau:

Cao chiết nước và cao chiết cồn của Diệp hạ châu không có bất kỳ một dấu hiệu gây độc nào khi cho chuột uống liều 5 g/kg thể trọng, ước tính LD50 là > 5 g/kg thể trọng chuột.

Nhóm tác giả Nguyễn Kim Phượng, Đỗ Trung Đàm, Đỗ Thị Phương, Nguyễn Thượng Dong (Viện Dược liệu) nghiên cứu độc tính cấp trên chuột nhắt trắng và ảnh hưởng của bột dihacharin từ cây Diệp hạ châu đắng trên trạng thái chung cũng như chỉ số huyết học ở thỏ cho thấy: Ở liều bột dihacharin 70 g/kg (tính ra dược liệu khô là 1000 g/kg), cho uống 1 lần, theo dõi sau 72 giờ, chuột vẫn không chết (tương ứng với 4,1 kg dược liệu khô cho người 50 kg) chứng tỏ thuốc có độc tính cấp thấp. Thử nghiệm trên thỏ, với liều 0,7 g/kg (tính ra dược liệu khô là 10 g/kg/ngày) liên tục trong 30 ngày, dihacharin không có ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến thể trạng chung, cân nặng và một số chỉ số huyết học như hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố của thỏ. [35]

Cao chiết methanol của Râu mèo cóLD50 ước tính > 5 g/kg thể trọng chuột, tương ứng với khoảng 21 g dược liệu khô cho một người nặng 50 kg. [1], [6]

Cho tới nay, chưa có công trình nghiên cứu nào khảo sát LD50 của cao chiết phối hợp Diệp hạ châu – Râu mèo.

Chúng tôi khảo sát độc tính cấp đường uống hỗn hợp cao chiết Diệp hạ châu – Râu mèo trên chuột nhắt trắng, thấy rằng tỷ lệ phối hợp DHC:RM = 4:1 không gây chết súc vật thử nghiệm ở liều uống (11,42 g DHC + 2,85 g RM)/kg chuột – đây cũng là liều đặc nhất có thể bơm qua được kim đầu tù. Tương ứng với liều sử dụng trên một người 50 kg là 47,6 g cao đặc Diệp hạ châu + 11,9 g cao khô Râu mèo, và tính ra dược liệu khô là khoảng 238 g Diệp hạ châu + 59,5 g Râu mèo. Liều uống này gấp 114 lần liều có tác dụng hạ acid uric trên chuột thử nghiệm.

Đây là kết quả nghiên cứu độc tính đầu tiên có sự phối hợp của cả 2 loại cao chiết Diệp hạ châu và Râu mèo.

Kết quả thử nghiệm của chúng tôi cho thấy khi sử dụng phối hợp Diệp hạ châu với Râu mèo để nhằm đạt được tác dụng hạ acid uric máu thì khá an toàn.

4.4.2. Độc tính bán trường diễn

Sau 2 tháng uống cao chiết phối hợp 100 mg/kg Diệp hạ châu và 25 mg/kg Râu mèo cho thấy so với lô bình thường thì lô uống cao chiết phối hợp Diệp hạ châu và Râu mèo không có khác biệt về trọng lượng, số lượng hồng cầu, bạch cầu, Hb, Hct, SGPT, creatinin máu và cấu trúc vi thể gan, thận. Riêng SGOT giảm 26% so với lô chứng bình thường (P < 0,05).

Theo công bố của các nhà nghiên cứu thuộc đại học Sains Malaysia thì, khi uống cao chiết nước Diệp hạ châu ở liều 100, 400, 800 mg/kg thể trọng trong sáu tuần không làm thay đổi các chỉ số sinh hóa máu như SGOT, SGPT, LDH, protein toàn phần cũng như cấu trúc mô học đại thể và vi thể của gan ở chuột thử nghiệm so với nhóm chứng.

Khi cho chuột uống cao chiết methanol, các tác giả Chin Jin Han, Abas Hj Hussin, Sabariah Ismail đã kết luận rằng Râu mèo ở liều uống 0,5; 1; 3; 5 g/kg thể trọng trong 14 ngày không ảnh hưởng đến các chỉ số huyết học cũng như urê, creatinin và thể trọng của chuột nghiên cứu. Riêng ở liều 0,5 và 3 g/kg, Râu mèo làm giảm SGOT và SGPT có nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu trên cao chiết phối hợp Diệp hạ châu – Râu mèo cũng khá tương đồng về tính an toàn trên súc vật thử nghiệm, không làm thay đổi các chỉ số huyết học, SGPT, creatinin, cấu trúc vi thể gan thận, cũng như trọng lượng chuột so với nhóm chứng, riêng SGOT giảm nhẹ. Kết quả này cho thấy khi sử dụng cao chiết Diệp hạ châu và Râu mèo ở liều có tác dụng hạ acid uric thì khá an toàn trong thời gian thử nghiệm.

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học : Tác dụng hạ acid uric của cao chiết Diệp Hạ Châu - Râu mèo trên thực nghiệm (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)