Thử độc tính cấp đường uống [10]

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học : Tác dụng hạ acid uric của cao chiết Diệp Hạ Châu - Râu mèo trên thực nghiệm (Trang 47)

CHƯƠNG 2: PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.2.4.Thử độc tính cấp đường uống [10]

Nguyên tắc chung

Thử độc tính cấp đường uống là việc xác định độc tính cấp của một chất sau khi dùng 1 liều đơn ngắn hạn (thường ít hơn môt ngày) qua đường uống. Căn cứ vào các dấu hiệu bất thường của động vật thử nghiệm để đánh giá độc tính cấp của chất thử nghiệm.

Điều kiện thí nghiệm

Thuốc thử nghiệm: Các cao được hòa tan vào trong nước cất.

Dụng cụ thí nghiệm: Kim đầu tù để cho chuột uống, dụng cụ mổ, dụng cụ pha thuốc.

Chuẩn bị động vật thí nghiệm: Chuột mua về được để ổn định trong khoảng thời gian 1 tuần trước khi thử nghiệm, được cung cấp đầy đủ khẩu phần ăn và nước uống.

Đường dùng thuốc: Đường uống (P.O.) Thể tích dùng thuốc: 20 ml/kg thể trọng.

Số lần dùng thuốc: Dùng một lần duy nhất trong một ngày trong khoảng thời gian từ 8 – 9 giờ sáng.

Phương pháp thử

Để thăm dò liều ban đầu, phải thực hiện qua 2 giai đoạn:

 Giai đoạn thăm dò (mỗi lô dò liều ít nhất là 6 chuột).

 Giai đoạn xác định.

Phải theo dõi các lô thật chặt chẽ trong 72 giờ đầu sau khi dùng thuốc. Sau đó nếu thấy cần thiết thì theo dõi trong suốt 2 tuần tiếp theo.

Thử nghiệm sơ khởi

Dùng 6 con chuột với 1 liều nào đó, với thể tích tối đa là 10 ml/kg chuột. Nếu kết quả chết cả 6 con thì thăm dò với 6 con khác với liều giảm một nửa. Nếu cả 6 con đều sống thì cũng thăm dò với 6 con khác nhưng với liều tăng lên gấp đôi.

Thăm dò như vậy cho đến khi tìm được một liều làm chết 50% con vật thì lấy liều đó làm liều cơ sở, rồi dùng một số liều lớn hơn theo bước nhảy liều cho đến một liều làm chết tất cả các con vật thử nghiệm và dùng một số

liều nhỏ hơn theo bước nhảy liều cho đến khi thấy một liều làm tất cả các con vật đều sống. Từ đó, ta sẽ tìm được:

 Liều tối đa dung nạp: không có thú vật chết (d1).

 Liều tối thiểu làm chết tất cả thú vật thử nghiệm (d2).

 (d1), (d2) là giới hạn khoảng cách mà từ đó ta phải tìm những liều để thử nghiệm xác định.

Thử nghiệm xác định

Dùng khoảng 6 lô, mỗi lô 10 chuột. Ở những liều gần LD50 nên gia tăng số lượng súc vật để đo lường được chính xác hơn.

Liều ở khoảng cách (d1) và (d2) nên chọn cấp số nhân. Quan sát súc vật trong 72 giờ sau khi dùng thuốc để ghi nhận số súc vật chết, sống trong mỗi lô và tiếp tục theo dõi trong suốt hai tuần tiếp theo.

Chỉ tiêu đánh giá kết quả

Theo dõi sát sao 72 giờ sau khi dùng thuốc. Sau đó, theo dõi thêm 2 tuần tiếp theo. Ghi chép đầy đủ chi tiết mỗi diễn biến trong thời gian đó. Ghi giờ cho uống thuốc, giờ xuất hiện các triệu chứng khác thường, giờ chuột chết (nếu có) và tình trạng ngộ độc trước khi chuột thí nghiệm chết.

Ghi nhận số súc vật chết trong từng lô, lập bảng phân suất tử vong. Xét nghiệm đại thể ngay sau khi chết đối với chuột bị chết và làm xét nghiệm đại thể sau khi kết thúc thử nghiệm đối với súc vật còn sống.

Xác định LD50 theo phương pháp Karber-Behrens.

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học : Tác dụng hạ acid uric của cao chiết Diệp Hạ Châu - Râu mèo trên thực nghiệm (Trang 47)