Kiến tạo trước Kainozoi trong khu vực được rất nhiều nhà khoa học địa chất như Tapponier (1986), Hayashi (1986), Robert (1988), Harder (1992), Chen và nhiều tác giả (1993) nghiên cứu và kết quả có được như sau: Trước Kainozoi, khu vực Đông Nam á có những hoạt động kiến tạo phức tạp liên quan đến sự chuyển động của 3 mảng khu vực gồm Nam Trung Hoa, Shan Thai và Contum. Vào thời kỳ Cacbon - Pecmi có thể mảng Contum dịch chuyển về phía Tây chui xuống dưới mảng Shan Thai, việc gắn kết này tạo nên mảng Đông Dương. Vào thời kỳ cuối Paleozoi và Mesozoi khu vực bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình hoạt động kiến tạo mảng, sự va chạm của khối Sundaland với mảng Âu - á trong Triat dọc theo đứt gãy Sông Lôđã hình thành hệ thống đứt gãy khu vực dài hàng nghìn km nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ở phía Bắc Việt Nam (hệ thống đứt gãy Sông Hồng).
Trong thời kỳ cuối Pecmi, Triat đến giữa Jura mảng Nam Trung Hoa chui xuống dưới mảng Đông Dương dẫn đến việc thành tạo hàng loạt các dải uốn nếp sắp xếp theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Các không gian dành cho trầm tích được hình thành trong quá trình hoạt động kiến tạo này được lấp đầy nhanh chóng bằng các trầm tích nguồn gốc lục địa xen kẽ với các pyroclastic trong suốt thời gian từ giữa Jura đến hết Creta. Trong thời gian này hệ thống đứt gãy Sông Hồng hoạt động theo cơ chế dịch chuyển ngang và vào cuối Mesozoi mực nước biển hạ
thấp đột ngột kết quả để lại sự kastơ hóa mạnh mẽ và một bất chỉnh hợp địa tầng đặc trưng chờ đợi các trầm tích Kainozoi.