2.2.1. Bài học kinh nghiệm
Trong quá trình tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi làm đồ chơi tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau đây: biện pháp tổ chức trẻ làm đồ chơi phải đảm bảo thực hiện theo mục tiêu giáo dục, mang tính thẩm mỹ, phải giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, kích thích cho trẻ tính độc lập, sáng tạo, đồng thời phải phù hợp với từng lứa tuổi và đảm bảo được những tiêu chí về sự an toàn về đồ chơi cho trẻ. Điều quan trọng nhất là đồ chơi phải an toàn đối với trẻ, tiếp đến là giúp kích thích óc sáng tạo và trí thông minh của trẻ, giáo viên không đặt ra trước loại sản phẩm bắt trẻ làm theo một cách thụ động.Thông qua phương tiện đồ chơi, dạy cho con trẻ rất nhiều điều về cuộc sống kỳ diệu xung quanh, về sự sẻ chia, tình yêu gia đình, tình bạn, tình yêu thiên nhiên.
Đồng thời trong quá trình tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi làm đồ chơi giáo viên cần chú ý tới đặc điểm tâm-sinh lí của trẻ để có nhứng tác động thích hợp, đưa ra những biện pháp phù hợp với khả năng của trẻ. Vì ở độ tuổi này là thời kì tư duy của trẻ phát triển mạnh mẽ, chuyển từ tư duy trực quan hành động sang tư duy trực quan hình tượng, và bắt đầu xuất hiện kiểu tư duy sơ đồ, tư duy lôgic. Ngôn ngữ của trẻ cũng đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Cũng ở độ tuổi này kĩ năng vận động tinh của trẻ đã phát triển cùng với những tiến bộ trong việc điều khiển, kiểm soát cử động của bàn tay, ngón tay, sự kết hợp giữa tay và mắt, có thể thực hiện các vận động tinh khéo như xếp chồng nhiều khối, đặt các khối nhỏ vào đúng chỗ, cắt theo đường cong,… để tạo ra những sản phẩm khác nhau. Đồng thời, trẻ đã bắt đầu nhận ra cái đẹp trong thiên nhiên, trong sự hài hòa về màu sắc, đường nét của các sự vật, hiện tượng, biết sử dụng màu sắc, đường nét khác nhau để tạo ra sản phẩm tạo hình có hình dáng và bố cục khá hợp lý.
Ngoài việc chú ý tới đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ 5 – 6 tuổi, giáo viên cũng cần phải chú ý tới các yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục mầm non trong việc tổ chức cho trẻ tự làm đồ chơi. Trong chương trình giáo dục mầm non, việc tổ chức cho trẻ làm đồ chơi là một trong các hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục phát triển thẩm mỹ, nhằm rèn luyện, củng cố các kỹ năng tạo hình và tạo điều kiện phát huy khả năng sáng tạo của trẻ. Các yêu cầu cơ bản đối với trẻ 5 - 6 tuổi cần có như: trẻ biết chọn lựa, phối hợp các nguyên liệu tạo hình; trẻ biết phối hợp các kỹ năng vẽ, nặn, cắt, xé dán, xếp hình để tạo ra sản phầm có màu sắc, kích thước, hình dáng, đường nét và bố cục; trẻ biết tìm kiếm, lựa chọn công cụ, nguyên vật liệu phù hợp để tạo ra sản phẩm theo ý thích.