Bước 1: Lựa chọn đối tượng làm đồ chơi
Sau khi giáo viên đã cho trẻ quan sát mẫu và chỉ dẫn cách làm đồ chơi, giáo viên cho trẻ lựa chọn món đồ chơi mà mình yêu thích để tiến hành làm đồ chơi. Nếu trẻ không lựa chọn được đối tượng, giáo viên có thể gợi ý cho trẻ giúp trẻ chọn được đối tượng mà mình thích.
Bước 2: Tổ chức cho trẻ thực hành làm đồ chơi
Tổ chức cho trẻ thực hành làm đồ chơi theo cá nhân hoặc nhóm/ tổ theo ý muốn của trẻ để cho trẻ luôn cảm thấy hứng thú khi tham gia hoạt động. Nếu trẻ làm theo nhóm/ tổ giáo viên nên hỏi về sự phân công công việc giữa các thành viên trong nhóm, tránh tình trạng chỉ một trẻ làm hết mọi việc còn các trẻ khác không chịu làm hoặc là xuất hiện vai trò “thủ lĩnh”, chỉ có trẻ đó làm mà không cho trẻ khác làm. Trong nhóm/ tổ cần có tổ trưởng và chia đều công việc cho tất cả các thành viên trong nhóm.
Trẻ tự làm đồ chơi theo các bước cô đã hưỡng dẫn, tuy nhiên không nên rập khuôn máy móc, nếu trẻ có cách làm khác sáng tạo hay hơn thì giáo viên nên cho trẻ tự do lựa chọn và khen ngợi trẻ đúng lúc. Không nên ép buộc trẻ phải làm đúng như thế này hay như thé kia, hãy để cho trẻ thoải mãi tương tượng và sáng tạo theo cách của trẻ.
Trong quá trình trẻ làm đồ chơi, giáo viên chỉ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, quan sát giúp đỡ trẻ khi cần thiết, đồng thời động viên, khích lệ trẻ và khen ngợi trẻ kịp thời. Không làm thay trẻ, nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên hướng dẫn lại cho trẻ tỉ mỉ, rõ ràng hơn và khích lệ trẻ làm lại. Đối với những trẻ còn nhút nhát rụt rè cô có biện pháp động viên trẻ làm và có thể cùng làm với trẻ sau đó cho trẻ tự làm. Đối với những trẻ còn nghịch phá, chưa tập trung giáo viên nên khuyên
bảo trẻ nhẹ nhàng, trò chuyện cùng trẻ, động viên, gợi trí tò mò, ham hoạt động cho trẻ để trẻ tích cực tham gia vào hoạt động hơn.
Tạo tình huống khuyến khích trẻ tự làm đồ chơi theo ý tưởng của mình. Giáo viên quan sát phát hiện những tình huống nảy sinh trong quá trình trẻ làm đồ chơi và sử dụng các tình huống đó để gợi mở, phát huy khả năng sáng tạo của trẻ, kích thích trẻ suy nghĩ cách giải quyết tình huống trong quá trình hoạt động. Ví dụ: Khi trẻ làm con sâu bằng hạt táo còn thiếu hạt to nhất để làm đầu, trẻ lúng túng không biết phải làm sao. Lúc đó để duy trì hứng thú và kích thích sự sáng tạo của trẻ, giáo viên có thể gợi ý: “Theo con có thể dùng một loại quả (hạt ) khác để làm đầu con sâu được không?”, thì trẻ sẽ có hứng thú và phát huy hết khả năng sáng tạo của mình để làm cho được đồ chơi đó.
Giáo viên chủ động tạo ra tình huống để gợi mở trí tưởng tượng của trẻ trong việc tạo ra đồ chơi từ các nguyên vật liệu quen thuộc hoặc sử dụng nguyên vật liệu theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: Khi trẻ làm xong con lợn từ vỏ hộp sữa chua,giáo viên khuyến khích trẻ làm một đồ chơi khác: “Chú lợn sẽ vui hơn nếu có thêm nhiều bạn đấy, con có thể làm một đồ chơi khác từ vỏ hộp sữa chua được không?”. Nếu trẻ lúng túng giáo viên có thể gợi ý “Với cách tương tự như làm con lợn, con chỉ cần thay đổi cách cắt dán các chi tiết mắt, tai, mũi, miệng,...ví dụ như con thỏ thì chỉ cần cắt đôi tai dài hơn và thêm một ít sợi râu vào.”
Tóm lại trong quá trình trẻ thực hành làm đồ chơi, giáo viên luôn quan sát kĩ lưỡng để giúp trẻ giải quyết những tình huống khó khăn xảy ra trong quá trình tham gia hoạt động, kích thích trí sáng tạo của trẻ. Đồng thời giáo viên cần lưu ý đến việc trẻ sử dụng các dụng cụ như dao, kéo tránh nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ không cắt được thì giáo viên cùng làm với trẻ để tránh nguy cơ đứt tay, bị thương cho trẻ.
Bước 3: Kết thúc
Kết thúc buổi thực hành làm đồ chơi, giáo viên khen ngợi, tuyên dương tinh thần tích cực tham gia hoạt động của tất cả trẻ.
Động viên những trẻ còn rụt rè cố gắng hơn trong những buổi sau, dặn dò những trẻ còn chưa chú ý.
Ghi nhận những sản phẩm của trẻ làm ra, cùng trẻ lên dự định sử dụng những đồ chơi mà trẻ vừa làm được, tạo hứng thú, hứa hẹn nhiều điều thú vị cho những lần hoạt động tiếp theo.
Cô cùng trẻ thu dọn lại phòng học sạch sẽ ngăn nắp.