Bước 1: Quan sát mẫu đồ chơi
Giáo viên đưa ra nhiều mẫu đồ chơi đa dạng cho trẻ tự do quan sát, khảo sát và thảo luận với nhau về đối tượng. Hướng dẫn trẻ sử dụng các giác quan khác nhau để tiếp cận đối tượng, được nhìn, sờ, cầm nắm, thao tác với mẫu. Trong khi cho trẻ quan sát đồ chơi, giáo viên chú ý nhấn mạnh những chi tiết nổi bật của đồ chơi, tạo ra những ấn tượng đầu tiên về đối tượng quan sát. Trong quá trình quan sát, giáo viên sử dụng các biện pháp khác nhau như: đặt câu hỏi, câu đố, khảo sát đồ vật, so sánh, giáo viên có thể giải thích, kể chuyện ...giúp trẻ hiểu đối tượng.
Các mẫu đồ chơi cho trẻ quan sát phải đảm bảo an toàn, không gây độc hại cho trẻ. Được bày trí theo từng nhóm nhỏ, phù hợp, cho trẻ quan sát mẫu đồ chơi lần lượt ở nhóm này xong rồi qua nhóm khác. Tránh tình trạng cô giáo đưa ra mẫu đồ chơi tràn lan mà trẻ không biết quan sát gì cả và không biết thao tác với mẫu.
Giáo viên cũng lưu ý cần thay đổi hình thức quan sát để tránh nhàm chán cho trẻ, vì sự chú ý của trẻ không bền vững. Để thay đổi hình thức quan sát, giáo viên có thể cho trẻ quan sát qua tranh ảnh, video, mô hình hoặc quan sát vật thật để trẻ luôn có sự hứng thú.
Bước 2: Chỉ dẫn cách làm
Giáo viên không đặt ra trước những sản phẩm đồ chơi rồi bắt trẻ làm theo, mà để trẻ tự chọn đồ chơi mình thích sau đó mới chỉ dẫn cách làm của từng loại đồ chơi cụ thể. Cách hướng dẫn của giáo viên cho trẻ làm từng loại đồ chơi phải rõ ràng từng bức thực hiện, cụ thể, tỉ mỉ để trẻ dễ dàng quan sát và làm theo. Giáo viên chỉ dẫn cách làm cho trẻ theo các bước sau:
Lựa chọn và nghiên cứu đối tượng: đối tượng là do trẻ lựa chọn theo ý thích của trẻ. Sau khi trẻ lựa chọn đối tượng, giáo viên cùng trẻ phân tích đối tượng là đối tượng riêng lẻ hay nhóm đối tượng, có cấu tạo như thế nào, màu sắc ra sao... như: đồ dùng sinh hoạt (bộ bàn ghế là nhóm đối tượng, bàn và ghế đều có bốn chân...), con vật (là đối tượng riêng lẻ, có các bộ phận mình, đuôi, chân, tai, mắt, mũi , miệng...)... Lựa chọn nguyên vật liệu: với từng đối tượng lựa cọn những vật liệu phù hợp như: con sâu có thể làm bằng các loại hạt, bộ bàn ghế làm từ các vỏ chai nhựa...
Vẽ mẫu và tạo hình các bộ phận: Sau khi lựa chọn được nguyên vật liệu, cần tiến hành vẽ hình phác thảo các bộ phận và nghiên cứu các chi tiết cấu trúc đồ chơi sao cho phù hợp, khoa học và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ: vẽ phác hình tổng quát trước sau đó vẽ chi tiết các bộ phận riêng lẻ.
Một số đồ chơi có bộ phận chính có thể làm từ các vật liệu như vỏ hộp ... thì không cần vẽ bộ phận chính mà chỉ cần vẽ thêm những bộ phận riêng lẻ khác rồi gắn vào bộ phận chính. Ví dụ: làm con lợn thì bộ phận chính là mình con lợn có thể lấy
vỏ hộp sữa chua để làm, chỉ cần vẽ thêm các chi tiết mắt, mũi ,miệng, tai, đuôi và gắn vào vỏ hộp sữa chua.
Ngoài ra có những đồ chơi không cần vẽ thì có thể bỏ qua bước này. Ví dụ làm ly uống nước thì không cần phải vẽ các bộ phận mà tiến hành cho trẻ trang trí thêm các chi tiết...
Thực hiện lắp ráp các bộ phận: tiến hành lắp ráp bộ phận chính trước sau đó đến từng bộ phận riêng lẻ. Chú ý lắp ráp làm sao cho các bộ phận được gắn chặt với nhau, bền chắc và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trang trí đồ chơi: sau khi lắp ráp các bộ phận co trẻ tiến hành trang trí thêm các màu sắc, chi tiết cho đối tượng thêm sinh động, có thể trang trí thêm phần không gian nếu có. Những đồ chơi không cần bước vẽ phác thảo các bộ phận thì cho trẻ tiến hành qua bước lắp ghép các bộ phận rồi trang trí thêm các chi tiết.
Tùy từng trường hợp, tình huống cụ thể mà giáo viên đưa ra hướng dẫn cần thiết ( hướng dẫn bằng lời hoặc làm lại mẫu ). Việc làm mẫu hoặc chỉ dẫn cho trẻ làm cần để ý đến kinh nghiệm, kĩ năng của trẻ và độ khó của sản phẩm để có cách hướng dẫn phù hợp với năng lực của trẻ.
Với những mẫu đồ chơi mà trẻ chưa biết làm, giáo viên cần hướng dẫn tỉ mỉ bằng lời nói ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, kết hợp làm lại mẫu toàn bộ đồ chơi đó. Những kĩ năng nào khó hoặc trẻ chưa biết, giáo viên cần làm mẫu thật chậm từng kĩ năng và khuyến khích trẻ làm lại. Ví dụ: làm con công trẻ chưa biết làm thì giáo viên hướng dẫn cụ thể về cách làm như: lựa chọn nguyên liệu (lấy vỏ hộp sữa chua làm mình con công, lấy các que kem làm đuôi công, thêm các giấy màu để trang trí.. ) vẽ và cắt các bộ phận (đầu, mắt, mũi, miệng), cắt giấy màu dán lên các que kem để trang trí đuôi con công và gắn các bộ phận lại với nhau....
Với những đồ chơi mà phần lớn trẻ đã biết làm, giáo viên không cần hướng dẫn lại quá trình làm đồ chơi đó mà chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, tổ chức các hoạt động cho trẻ, gợi ý trẻ sáng tạo làm những đồ chơi khác nhau. Ví dụ: làm ly uống nước từ vỏ chai nhựa, hầu hết trẻ có thể làm được thì giáo viên chỉ tổ chức cho trẻ làm, quan sát, gợi ý cho trẻ sáng tạo làm nhiều đồ chơi khác nhau chứ không hướng dẫn lại cách
làm cái ly nữa. Vì vậy giáo viên cần linh hoạt tỏng quá trình chỉ dẫn cách làm đồ chơi cho trẻ.
Bước 3: Kết thúc
Kết thúc phần quan sát và chỉ dẫn cách làm, cô cho trẻ nghỉ giải lao, động viên khích lệ trẻ để bước vào thực hành làm đồ chơi.