NGỪA VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
IV.1. CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU
IV.1.1. Biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn thi công
Các nguồn ô nhiễm do bụi, đất cát, khí thải của phương tiện giao thông, tiếng ồn, rác thải rắn, nước thải sinh hoạt …sẽ được hạn chế hợp lý để giảm thiểu tối đa tác động đến công nhân đang thi công và người dân xung quanh khu vực Nhà máy.
Các biện pháp cụ thể và là yêu cầu bắt buộc đối với Chủ đầu tư khi thực thi Dự án:
- Phải xây dựng nội quy cụ thể cho cán bộ công nhân lao động trực tiếp trên công trường, vấn đề an toàn giao thông và phương tiện vận chuyển phải được che bạt kín.
- Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa để hạn chế ô nhiễm chất lượng nước mặt do các chất cặn bã và các chất rắn lơ lửng trôi theo dòng nước xuống sông.
- Bao che khu vực công trình.
- Quy định nội quy hoạt động đối với các phương tiện tham gia thi công để giảm tiếng ồn.
- Quy định nơi, thời gian thu gom chất thải rắn.
Cụ thể đối với từng loại hình ô nhiễm sẽ có các biện pháp sau:
IV.1.1.1. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước:
Để đảm bảo TCVN về môi trường (TCVN 6772:2000), về giới hạn ô nhiễm cho phép đối với nước thải sinh hoạt. Chủ đầu tư phải thực hiện một số biện pháp sau:
- Trong quá trình thi công xây dựng, Chủ đầu tư Dự án phải quản lý các Nhà thầu để tuyệt đối không xả nước thải và đổ thải trực tiếp vào môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước khu vực.
- Tại công trường, bố trí các rãnh thoát nước với hệ thống các hố thu nước để xử lý cặn và bùn lắng.
- Xây dựng nhà vệ sinh lưu động và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tạm thời (bể tự hoại kiểu 2 ngăn) và hệ thống tách dầu trong nước thải. Thiết kế chi tiết hệ thống sẽ được thực hiện ở giai đoạn thiết kế thi công sau.
- Việc nạo vét thi công trạm bơm nước bổ sung và cảng than biện pháp thi công chính là đóng cọc cừ sắt che chắn khu vực thi công để tránh lan truyền cặn lơ lửng và chất ô nhiễm sang khu vực lân cận (xem chi tiết phương án thi công trong báo cáo Dự án ĐTXDCT NMNĐ Lục Nam 50MW).
IV.1.1.2. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn:
Quy định và tổ chức giao thông ra và vào công trình hợp lý. Bố trí hợp lý đường giao thông để đi lại và vận chuyển vật tư thiết bị ở bên ngoài và trong nội bộ công trường, cụ thể:
- Bên trong Nhà máy: NMNĐ Lục Nam có một cổng chính và một cổng phụ được thông với quốc lộ 37.
Để thuận lợi cho công tác vận tải và thoả mãn các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy dự kiến xây dựng 4 tuyến đường chạy dọc (trong đó có 2 tuyến chính rộng 6m và 2 tuyến đường phụ nằm sát hàng rào Nhà máy rộng 4m) và 4 tuyến đường chạy ngang Nhà máy với chiều rộng 6m kết cấu bằng bêtông asphalt. Ngoài ra còn có hệ thống đường nhánh vào các phân xưởng và các công trình phụ trợ với chiều rộng 4m. Với việc bố trí giao thông trên đảm bảo cho toàn bộ các hạng mục của Nhà máy được liên kết hỗ trợ lẫn nhau một cách dễ dàng. Các đường nhánh còn lại rộng 4m, trải bê tông asphalt chạy quanh trạm phân phối điện, nối các phân xưởng phụ trợ với các đường chính, đường bên trong các hạng mục độc lập như khu xử lý nước cấp, xử lý nước thải…
(Sơ đồ bố trí hệ thống giao thông được đưa vào PL2 của Báo cáo).
- Bên ngoài Nhà máy: Nhìn chung về giao thông, khu vực xây dựng Nhà máy tương đối thuận tiện. Các phương án vận chuyển gồm có:
- Máy móc, thiết bị nặng và vật liệu thi công của Nhà máy được vận chuyển đến địa điểm chủ yếu bằng đường bộ và đường thuỷ.
Đầu tư trồng hàng rào cây xanh thích hợp dọc hai bên đường để tạo bóng mát và hạn chế ô nhiễm bụi kết hợp với việc phun nước hàng ngày, đặc biệt là vào mùa khô và mùa nắng nóng.
Che chắn công trình và những khu vực phát sinh bụi. Quy định việc che bạt kín đối với các phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu và thiết bị (cát, sỏi, đất, đá, xi măng…) khi ra vào công trường.
Xây dựng hồ điều tiết để tạo cảnh quan và điều hoà không khí trong khuôn viên Nhà máy.
Quy định không được sử dụng các loại xe không có chứng nhận kiểm định định kỳ của các cơ quan chức năng hoạt động trong công trường và các phương tiện vận tải và thi công phải sử dụng nhiên liệu đúng với thiết kế của động cơ. Không chuyên chở hàng hoá vượt trọng tải quy định của xe khi đi qua khu vực dân cư phải giảm tốc độ.
Lắp đặt các thiết bị giảm tiếng ồn và rung cho các máy móc có mức ồn cao như máy phát điện, máy nén khí,…
Bố trí tập trung các thiết bị có phát sinh tiếng ồn và độ rung lớn để có biện pháp bao che hoặc đặt trong phòng có cách âm sơ bộ để hạn chế độ ồn.
Quy định các phương tiện thi công (đóng cọc, búa máy) vào thời điểm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng… và thông báo trước cho dân cư thời điểm có khả năng gây ra tiếng ồn.
IV.1.1.3. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của chất thải rắn:
Chất thải rắn trong quá trình xây dựng chủ yếu là đất, phế liệu hư hỏng như gạch vụn, xi măng chết, gỗ, cotpha hỏng, các phế liệu bảo vệ bên ngoài các thiết bị, rác thải sinh hoạt của cán bộ, công nhân trong công trường…Một phần chất thải này được sử dụng cho công tác san nền, phần còn lại cùng với khoảng 150 kg rác thải sinh hoạt của công nhân trên công trường sẽ được thu gom tập trung vào các thùng rác sau đó được đưa vào các bãi rác quy định. Tại đây, rác thải được Công ty xử lý rác địa phương định kỳ vận chuyển đến nơi xử lý theo hợp đồng giữa công ty với Nhà máy.
Chủ đầu tư đặc biệt lưu ý đến các rắn như rẻ lau, cặn dầu mỡ, các bao bì bỏ đi, khối lượng nhỏ bùn nạo vét, dung dịch khoan. Do đó, bãi thải tạm thời của Nhà máy cũng sẽ được thiết kế tuân thủ theo TCXDVN 320:2004 – Bãi chôn lấp chất thải nguy hại – tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện thông tư 12/2006/TT – BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải nguy hại để hạn chế và ngăn ngừa tối đa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.
Kết thúc giai đoạn thi công bãi thải này có thể sẽ được lấp đất để trồng cây xanh hoặc sử dụng tiếp cho giai đoạn tiếp theo.
IV.1.2. Biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn hoạt động của Nhà máy
IV.1.2.1. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước:
Dự án NMNĐ Lục Nam theo thiết kế cơ sở, hoàn toàn không thải nước thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường nước.
Cụ thể đối với từng loại nước thải sẽ được xử lý như sau:
- Đối với nước làm mát: NMNĐ Lục Nam sử dụng hệ thống nước làm mát tuần hoàn kín, không thải nước thải ra ngoài môi trường.
Với phương pháp làm mát này, lượng nước được sử dụng để làm mát cho quá trình hoạt động của Nhà máy vẫn giữ nguyên trong chu trình khép kín của nó, chỉ 2,7% tổng lượng nước làm mát ban đầu được bổ sung trong quá trình hoạt động của hệ thống, do đó tiết kiệm được một khối lượng nước mặt đáng kể, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước cũng như hệ sinh thái thuỷ sinh do sử dụng nước làm mát. Hơn nữa, nước sau khi làm mát có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ nước đầu vào khoảng 80C sẽ không đi ra các sông gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sông và hệ sinh thái thuỷ sinh. Đây là biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường nước tối ưu mà NMNĐ Lục Nam đã áp dụng.
- Đối với nước thải sản xuất:
Nước thải sản xuất của Nhà máy sẽ được xử lý đạt yêu cầu (chất lượng nước cấp cho chu trình làm mát) bằng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, có trang bị cả hệ thống quan trắc tự động, nhằm mục đích sử dụng lại nước này sau xử lý cho quá trình làm mát.
Hệ thống xử lý nước thải của NMNĐ Lục Nam có năng suất 60 m3/h là kiểu tái tuần hoàn tối đa. Các loại nước bao gồm cả nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất sau khi được xử lý từng phần sẽ được tập trung vào hệ thống xử lý chung của Nhà máy đạt các thông số kỹ thuật yêu cầu (đạt đến chất lượng nước sau bể xử lý nước thô) sẽ được bổ sung vào các chu trình nước làm mát bình ngưng. Cặn lắng của chu trình xử lý nước thải sau khi qua bộ lọc áp lực đã trở thành trạng thái rắn và được đưa lên ô tô vận chuyển ra bãi thải tro xỉ của Nhà máy.
Quy trình xử lý nước thải chủ yếu dựa trên các nguyên lý hoá học và vật lý như ôxy hoá, lắng đọng – keo tụ, lọc và trung hoà. Quy trình này được thực hiện như sau:
Tất cả các nguồn nước thải khác nhau sinh ra trong quá trình vận hành Nhà máy (gồm cả nước từ quá trình phun ẩm than, rửa băng tải trong khu vực kho than) sẽ được thu gom riêng biệt và sau khi qua xử lý cục bộ sẽ được thu gom vào bể chứa chung của hệ thống xử lý nước thải. Tại đây, nước thải được sục khí để ôxy hoá các hợp chất có nhu cầu về ôxy và làm cho chất lượng nước đồng đều. Sau đó nước được các bơm vận chuyển đến bể kiểm soát độ pH để điều chỉnh đến mức độ tối ưu cho việc xử lý lắng đọng – keo tụ. Tiếp theo, nước thải đi qua bể đông tụ, chất keo tụ cùng các chất
phụ trợ keo tụ sẽ được phun vào nước thải tại đây. Sau đó, nước thải sẽ được đưa đến bể lắng đọng - keo tụ, tại đây chất rắn lơ lửng được loại bỏ.
Nước sạch từ bể lắng đọng – keo tụ được thu gom vào bể chứa nước đã lắng trong và sau đó được bơm vào bộ lọc than hoạt tính để lọc lần cuối cùng.
Sau khi chỉ số pH được điều chỉnh đến mức độ hợp lý ở bể trung hoà, nước được đưa đến bể chứa nước sau xử lý và được bơm tới bể chứa nước làm mát của Nhà máy. Chất rắn lơ lửng được loại bỏ trong bể lắng đọng – keo tụ được thu gom lại trong bể chứa bùn cặn. Nước lắng trong tại đây được quay lại bể lưu chứa chung của hệ thống, còn bùn đặc được chuyển đến bộ lọc áp lực. Tại đây, bùn đặc được thu gom dưới dạng rắn và được vận chuyển đến bãi thải xỉ bằng ô tô chuyên dụng.
(Sơ đồ hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy xem trong phụ lục 2)
Chất lượng nước thải sau khi xử lý phải đảm bảo các thông số kỹ thuật yêu cầu của hệ thống nước làm mát bình ngưng.
- Đối với nước mưa:
Nước mưa trong khu vực Nhà máy (trừ các khu vực kho than, kho dầu và các khu vực khác có nguy cơ nhiễm dầu hoặc hoá chất) được coi là sạch và được theo hệ thống mương thoát chung của Nhà máy. Trên hệ thống mương thoát nước có bố trí các hố ga và lưới chắn rác để loại bỏ phần lớn đất, cát, rác trước khi nó được đưa vào hồ điều tiết trong khuôn viên Nhà máy. Các hố ga này sẽ được nạo vét định kỳ để loại bỏ rác, cặn lắng. Nước mưa được lắng sẽ được đưa vào bể điều hoà có diện tích khoảng 2,8 ha. Trong trường hợp trời mưa to, hồ điều hoà không thể chứa hết cửa xả sẽ mở và đưa nước ra sông Lục Nam. Toàn bộ hệ thống thu, bể lắng nước mưa sẽ được trình bày trong sơ đồ mặt bằng của Nhà máy.
Tất cả nước mưa của khu vực kho dầu và các khu vực khác có nguy cơ gây ô nhiễm dầu hoặc hoá chất đều được thu gom vào bể chứa tách dầu, lắng cặn và được đưa vào hệ thống xử lý chung của Nhà máy để xử lý đáp ứng tiêu chuẩn để có thể sử dụng lại trong quá trình làm mát cùng với các loại nước thải khác.
Kết luận: Nước thải của Nhà máy hoàn toàn không gây tác động đến môi trường nước.
IV.1.2.2. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí:
Trong giai đoạn vận hành Nhà máy, nguồn gây ô nhiễm môi trường chính là khói thải lò hơi có chứa bụi, SO2, NOx, CO. Nhưng với NMMĐ Lục Nam 50MW, khói thải lò hơi không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Công nghệ đốt lò tầng sôi CFB được lựa chọn là loại công nghệ than sạch thân thiện với môi trường. Với công nghệ này, than có chất lượng xấu sẽ được sử dụng, khí SO2 sẽ được khử trực tiếp bằng lò với hiệu suất khử rất cao, lượng NOX sinh ra là rất thấp. Ngoài ra, còn có các biện pháp xử lý kết hợp khác gồm: