II. Các cơ quan cảm giác
b. Sự thụ cảm hoá học (vị giác và khứu giác)
Cơ quan cảm giác hoá học ở Sán tiêm mao là các lông bơi không hoạt động nằm rải rác khắp cơ thể. Các lông này còn làm nhiệm vụ cảm giác cơ học.
Giun vòi có các rãnh bên (cơ quan não) ở hai bên đầu. Rãnh bên phủ đầy tiêm mao. Đáy rãnh nằm ở bên não, có khi ăn sâu vào thành não. Rãnh bên có chức năng xác định đặc điểm của nước bao quanh.
Giun tròn có cơ quan bên (amphid), có lẽ giữ nhiệm vụ cảm giác hoá học. Ospharadi là cơ quan cảm giác ở Chân bụng,Chân rìu,Chân đầu (nhóm Bốn mang). Nó có dạng một gờ nằm ở gốc mang (Chân rìu), trong xoang áo gần gốc mang (Chân bụng) hoặc nằm ở một nơi khác trên cơ thể.
Cơ quan khứu giác ở Giun nhiều tơ và nhóm Hai mang (Chân đầu) là các hố khứu giác trên phần đầu.
Cơ quan cảm giác hoá học ở Chân khớp có thành phần và cấu tạo khác nhau ở các lớp: cơ quan trán (Giáp cổ), lông trên râu (Giáp xác), các thụ quan trên râu và trên xúc biện (Côn trùng).
Cơ quan cảm giác hoá học ở Côn trùng rất tinh tế: thụ quan khứu giác phân tích các chất khí và thụ quan vị giác phân tích các chất lỏng. Về cấu tạo, hai thụ quan này hoàn toàn giống nhau. Thụ quan khứu giác gồm một nhóm tế bào cảm giác với các đuôi tập trung lại thành bó xuyên vào trong tế bào lông. Khác với thụ quan xúc giác, tế bào lông của thụ quan khứu giác lại không mang lông, mà lại có mấu lồi hình nón hoặc lõm vào một ít. Những mấu cuticula hình nón hoặc tấm lõm vào là bề mặt thu nhận kích thích.
Côn trùng có thể phân biệt một mùi hoa nào đó giữa muôn vàn mùi hoa khác nhau. Thậm chí, Côn trùng còn có thể phân biệt được mùi của từng loại hoa. Khả năng khứu giác của con người cũng khá tinh vi nhưng cũng đành thua cơ quan khứu giác của Côn trùng.
Côn trùng phân biệt được các vị mặn, chua cay theo cách riêng của nó. Chúng phân biệt được bốn vị vơ bản: ngọt, đắng, chua, mặn.
Thường thụ quan vị giác của Côn trùng tập trung trên các phần phụ xung quanh miệng và trong xoang miệng.